📞

“Đại dịch” thảm sát ở châu Âu

15:00 | 05/08/2016
Vụ ùa vào nhà thờ họ đạo Saint- Etienne-du-Rouvray (Pháp), rồi lạnh lùng cắt cổ “xử tội” một linh mục ngay trước mặt giáo dân... hôm thứ Năm 26/7, là một hành vi mang nặng tính chất “tôn giáo cực đoan” khi cả hai kẻ thủ ác cùng nhân danh thượng đế của mình mà ra tay.

Phát biểu và cả ngữ điệu của người mẹ một trong hai kẻ giết người, “Tôi biết con tôi mà. Nó rất tử tế. Tôi đâu có đẻ ra một con quỷ!”, khi trả lời đài RTL, càng cho thấy khó có thể giải quyết được tai họa khủng bố mang màu sắc tôn giáo chỉ bằng cảnh sát, an ninh!

Việc ngày hôm sau, tín đồ Hồi giáo ở Rouen đến cầu nguyện tại nhà thờ Công giáo kia để chia sẻ như một hình ảnh đoàn kết giữa các tôn giáo, cho thấy lẽ ra chính các lãnh đạo tôn giáo đã phải ý thức được hiểm họa từ sự “cách ngăn” từ lâu giữa các tôn giáo để cố gắng hài hòa sự tồn tại chung, không chỉ trong tín lý, tập quán hiểu và hành đạo, mà còn cả trong cách xuất thế.

Thật vậy, trong khi từ 111 năm qua ở Pháp, các tôn giáo đều đã cùng chấp hành đạo luật tách biệt các giáo hội với Nhà nước năm 1905 để tất cả hiện hữu một cách “ẩn dật” hơn, cũng như việc xã hội Pháp ngày càng “trần thế” hơn, gần đây lại xuất hiện và nổi lên một làn sóng mang tính cách “đạo, đời làm một” du nhập từ nước ngoài. Làn sóng này, đáp lời kêu gọi của một số thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo vừa là lãnh đạo thần quyền vừa là lãnh đạo thế quyền, trong đó có IS, càng thu hút giới thanh, thiếu niên ở châu Âu theo tôn giáo này, như có thể thấy ở Bỉ hay ở Đức...

Mẫu số chung của các vụ khủng bố này là: (1) không xem nước sở tại là gì, do lẽ đã thần phục IS - (2) không ngần ngại ra tay giết người, trái lại càng sát hại nhiều càng “hả dạ”- (3) không sợ chết, trái lại “hạnh phúc”! Đó là kết quả của một quá trình “nhồi sọ”. Thành ra, nay Thủ tướng Pháp Maunel Valls hay Thủ tướng Đức Angela Merkel mới định đưa ra những cách tiếp cận khác với các cộng đồng Hồi giáo trong nước, e rằng đã khá muộn màng.

Thế nhưng, trong một cái nhìn nghi vấn, không thể không đặt câu hỏi: (1) tại sao nạn khủng bố này chỉ hoành hành tại các nước “đầu sỏ” của EU, mà không ở phía Đông Âu, nơi đã và đang là một trong những “con đường tị nạn” từ các vùng chiến sự như Syria đổ vào EU? (2) làn sóng tỵ nạn đó bắt đầu từ khi nào? Có phải từ khi chiến sự bùng nổ ở Syria? Lời thuật lại của các nhân chứng vụ sát hại trong nhà thờ ở Pháp trên tờ Sud-Oouest hôm 30/7/2016 cho thấy một mối quan hệ hữu cơ giữa hành động của các hung thủ với cuộc chiến ở Syria: “Chúng tôi cũng muốn hòa bình. Chừng nào mấy người lên truyền hình, hãy nói với Nhà nước mấy người rằng chừng nào còn thả bom ở Syria, chừng đó chúng tôi còn ra tay. Mấy người dừng lại, chúng tôi sẽ dừng”. Vấn đề đặt ra là: ai thực sự giật dây làn sóng “thánh chiến” này? Có đích thực là IS không?

Có hay không một cuộc chiến trong bóng tối giữa các cơ quan tình báo? Năm 1985, hai nhân viên tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) đã đánh chìm “soái hạm” Rainbow Warrior của tổ chức “Hòa bình xanh” tại cảng Auckland (New Zealand), do tổ chức này đã kịch liệt cản trở Pháp thử bom nguyên tử ở Nam Thái Bình Dương, hay những ầm ĩ vẫn còn đó về vai trò của Saudi Arabia trong vụ 11/9 ở Mỹ. “Kinh nghiệm” Thổ Nhĩ Kỳ dường như cho phép dự báo rằng chừng nào EU thôi can dự vào Syria hay ở chỗ khác, tình hình sẽ yên ổn trở lại?