Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam đóng vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu. (Ảnh chụp màn hình) |
Trang mạng của Quỹ Quốc tế Vivekananda (VIF) ngày 30/1 đăng bài viết của ông Brig Vinod Anand, nghiên cứu viên cao cấp tại VIF đánh giá những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhận định quan hệ Việt-Ấn sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh dưới thời ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những thành tựu to lớn
Bài viết cho biết Đại hội XIII sẽ quyết định ban lãnh đạo mới của đất nước, xây dựng lộ trình tương lai để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và phát triển quan hệ với các quốc gia và các tổ chức đa phương. Trong bối cảnh đó cần nhìn lại những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực khác.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công hiện tại của Việt Nam là việc tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986, dẫn đến sự thay đổi kịch bản kinh tế ở Việt Nam. Từ chỗ tổng kim ngạch thương mại chỉ xấp xỉ 3 tỷ USD vào năm 1986 với mức thâm hụt lên tới 1,5 tỷ USD, trao đổi thương mại của Việt Nam đã tăng lên hơn 517 tỷ USD (tức là hơn 172 lần) với thặng dư 11 tỷ USD.
Theo Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2018 đã tăng gấp 2,7 lần so với năm 2002. GDP bình quân đầu người năm 2019 là 2.700 USD. Đây là một thành tựu to lớn, đưa một phần rất lớn dân số (45 triệu người) thoát khỏi đói nghèo. Rõ ràng, một thành công như vậy sẽ không thể có được nếu không có các chính sách kinh tế tốt hoặc thiếu sự chỉ đạo và điều hành chính trị của ban lãnh đạo Đảng.
Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2016-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra, dù quỹ đạo phát triển kinh tế tích cực đã bị gián đoạn do Covis-19.
Năm 2020, nền kinh tế vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương và Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng GDP cao nhất. Việt Nam được dự báo sẽ đạt trở lại tốc độ tăng trưởng 6,8-7% vào năm 2021 và tốc độ này dự kiến sẽ được duy trì trong những năm tới. Mức tăng trưởng này cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Điều này phản ánh một thực tế rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã có thể vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức trên con đường phát triển đến ngày nay. |
Vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu
Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam không chỉ chủ trì thành công nhiều hội nghị ASEAN mà còn đóng vai trò điều phối ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch Covid-19.
Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Một thành tựu đáng chú ý khác là việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng trong vài năm qua và năm nay, Việt Nam cũng sẽ đặt mục tiêu đưa ra các vấn đề liên quan đến khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khi nước này tiếp tục đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Như vậy, Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu.
Về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, bài viết cho rằng chưa bao giờ mối quan hệ này bền chặt đến vậy, với việc hai nước vừa tổ chức hội nghị cấp cao vào tháng 12/2020. Tại hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người” nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.
Bài viết nhấn mạnh các nhận thức về chiến lược và an ninh của hai quốc gia phù hợp với nhau, trong đó có vấn đề xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ấn Độ đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương như ASEAN và LHQ, đồng thời phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn này. Đều là các ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm 2021, Ấn Độ và Việt Nam sẽ có cơ hội tốt nhất để thúc đẩy tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bài viết khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII. Mối quan hệ giữa hai nước được kỳ vọng sẽ ngày càng đi vào thực chất và mở rộng cả về quy mô lẫn phạm vi trong những năm tới.