Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Không kỳ vọng nhiều về cuộc gặp ở Alaska |
Phát biểu trước các phóng viên hôm 17/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nói rằng Bắc Kinh không kỳ vọng lớn vào cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, người được xem là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trong hai ngày 18-19/3 (giờ Mỹ) tại Anchorage, Alaska.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết vào ngày 11/3 rằng hai bên sẽ thảo luận một loạt vấn đề. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Mỹ không đưa ra chương trình nghị sự công khai.
Đến bằng sự chân thành, về với sự thấu hiểu?
Cuộc gặp giữa các quan chức cao cấp Trung Quốc và Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi trong một thời gian dài dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm việc áp đặt hạn chế thị thực lẫn nhau, áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại và công nghệ.
Đại sứ Thôi Thiên Khải cho biết chính phủ Trung Quốc "không mong đợi giải quyết tất cả các vấn đề trong một cuộc đối thoại", “không quá kỳ vọng và ảo tưởng”.
Đại sứ Thôi Thiên Khải nói: “Điều kiện tiên quyết cho đối thoại và giao tiếp giữa bất kỳ quốc gia nào là hai bên phải có tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tôi hy vọng cả hai bên sẽ đến với sự chân thành và ra về với sự hiểu biết nhiều hơn về nhau”.
Viết trên Twitter cá nhân hôm 17/3, ông Thôi Thiên Khải cho rằng cuộc gặp ở Alaska nên là sự khởi đầu của cuộc liên lạc song phương mang tính xây dựng. “Sức ép và lệnh cấm vận đơn phương chỉ dẫn tới ngõ cụt”, ông Thôi viết.
Lập trường cứng rắn
Trong khi phía Trung Quốc bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào kết quả cuộc gặp thì phía Mỹ cũng thể hiện lập trường cứng rắn.
Trong tuyên bố chung được công bố sau Đối thoại 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Nhật Bản ngày 16/3, hai bên nêu đích danh và chỉ trích Trung Quốc về các hành động không phù hợp với trật tự quốc tế hiện nay, gây ra nhiều thách thức đối với cộng đồng quốc tế.
Tiếp đó, ngày 17/3, Mỹ công bố danh sách trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc và Hong Kong có hành động làm giảm quyền tự chủ trong bầu cử ở Hong Kong.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã thực hiện các biện pháp đáp trả đối với quyết định của Mỹ. Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thêm hành động nữa hay không, ông Thôi Thiên Khải trả lời: "Với những gì đang diễn ra, chúng tôi sẽ tiếp tục làm nếu cần".
Cuộc gặp hôm nay giữa hai bên diễn ra cùng lúc với phiên tòa xét xử doanh nhân người Canada Michael Spavor, người đã bị giam giữ tại Trung Quốc từ tháng 12/2018. Ông Spavor và cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig bị Bắc Kinh buộc tội làm gián điệp.
Phản ứng trước cáo buộc này, Ottawa cho rằng đây là tố cáo có động cơ chính trị.
Ngoại trưởng Blinken trước đó lên tiếng ủng hộ hai người Canada, kêu gọi trả tự do cho họ "ngay lập tức và vô điều kiện".
Một số nhà quan sát cho rằng việc ông Dương Khiết Trì đến Mỹ là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Bắc Kinh.
Tuy vậy, cả Bắc Kinh và Washington đều không kỳ vọng cuộc gặp “khởi động” này sẽ tạo được đột phá cho quan hệ hai nước.