Cuộc chiến Syria cần một giải pháp toàn diện. (Nguồn: AFP) |
Vòng đàm phán này ban đầu dự kiến diễn ra ở cách đây một tuần, sau đó hoãn đến ngày thứ Tư tuần trước (9/3) và chính thức chốt lại trong này hôm nay (14/3). Nếu tiếp tục diễn ra theo kịch bản của hai vòng đàm phán ở Geneva lần I (năm 2012) và lần II (năm 2014) thì vòng đàm phán thứ III khó tránh khỏi “vết xe đổ” là sự thất bại.
Trước thềm vòng đàm phán mới nhất, một vài tín hiệu bi quan đã xuất hiện khi hai phe đối địch ở Syria lại đưa những vấn đề được xem là “lằn ranh đỏ” ra để làm điều kiện. Đó là triển vọng về một cuộc bầu cử ở Syria và số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu xấu nói trên, cuộc đàm phán sắp tới ở Geneva đáng để người ta hy vọng khi hai nước được xem là có tiếng nói quyết định trong tiến trình này – Nga và Mỹ - đều thể hiện quyết tâm chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu ở Syria khi cuộc chiến đã bước sang năm thứ 6 và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.
Mất mát và tổn thất
Khởi phát từ làn sóng biểu tình hoà bình trước khi leo thang thành một cuộc nội chiến đẫm máu, cuộc nổi dậy ở Syria đã trở thành cuộc chiến lâu dài nhất, khắc nghiệt nhất và luẩn quẩn nhất trong cái được gọi là cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả-rập.
Từ một đất nước khá yên bình và phát triển ở khu vực Trung Đông, sau 5 năm nội chiến, Syria đã trở thành một bãi chiến trường thảm khốc chỉ có sự chết chóc và tàn phá. Chưa có con số thống kê chính thức về số người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Syria nhưng theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 250.000 người đã mất mạng và hơn 1 triệu người khác bị thương. Có nguồn tin khác lại khẳng định số người thiệt mạng phải lên tới hơn 270.000 người và thậm chí là lên tới 470.000 người.
Gần một nửa trong số dân số trước chiến tranh gồm 23 triệu người của Syria đã trở thành những người vô gia cư trong cuộc nội chiến.
Hàng loạt khu vực, trong đó có Aleppo – thành phố lớn thứ hai và cũng là trung tâm thương mại của Syria, đã bị phá huỷ. Và gần như tất cả các di sản thế giới của Syria được UNESCO công nhận hoặc là bị tổn hại nghiêm trọng hoặc là bị phá huỷ.
Cuộc chiến ở Syria cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của quốc gia Trung Đông. Theo báo cáo gần đây của nhóm World Vision và nhóm Frontier Economics, cuộc xung đột ở Syria đã đánh mất các cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế, khiến nước này mất đi ít nhất 275 tỉ USD.
Không chỉ dừng lại ở những ảnh hưởng tiêu cực bên trong đất nước, cuộc nội chiến ở Syria còn đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất từ trước đến nay cho Châu Âu, đẩy khu vực này vào tình trạng mất đoàn kết. Cùng với đó, cuộc chiến ở Syria đã lan sang Iraq và có nguy cơ bùng nổ ở cả Lebanon và Jordan.
Tín hiệu bi quan
Trong bối cảnh đáng lo ngại về tình hình mất kiểm soát của cuộc khủng hoảng ở Syria, Nga và Mỹ đã ngồi lại, tìm được tiếng nói chung trong mong muốn chấm dứt cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông.
Vòng đàm phán ở Geneva, giống như thoả thuận ngừng bắn được thực thi từ hôm 27/2 đến giờ, đã được sắp xếp bởi Mỹ và Nga muốn như vậy. Hai cường quốc hàng đầu thế giới cuối cùng dường như đã nhất trí được với nhau rằng, chướng ngại vật lớn nhất gây ra sự thất bại trong hai vòng đàm phán trước đó là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad thực ra không đủ quan trọng để tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh.
Trong thời gian qua, giới chức Nga và Mỹ đã nỗ lực tham gia thúc đẩy tiến trình đàm phán ở Geneva bằng những cuộc điện đàm, gặp gỡ ở khắp mọi nơi. Kết quả là vòng đàm phán hoà bình thứ III ở Geneva cuối cùng cũng sắp diễn ra.
Đặc biệt hơn, đàm phán được tổ chức trong bối cảnh thoả thuận “chấm dứt các hành động thù địch” ở Syria do Nga và Mỹ đạt được đang được thực hiện tương đối nghiêm túc bởi các quân đội trung thành với Tổng thống Assad và phe nổi dậy Syria. Theo Ngoại trưởng John Kerry, tỉnh hình bạo lực ở Syria đã giảm mạnh, có thể là 80 - 90%.
Dù vậy, không phải không có những dấu hiệu bi quan trước thềm vòng đàm phán. Thực tế, cả chính phủ Syria và phe nổi dậy đều không mấy tin tưởng vào thành công của cuộc đàm phán sắp tới. Họ đều không tự tin sẽ đạt được một thoả thuận lâu dài giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua.
Cả hai bên tiếp tục “lấn cấn” với nhau về số phận của Tổng thống Assad. Phe đối lập Syria vẫn khăng khăng đòi chính phủ chuyển tiếp mới ở đất nước không có sự tham gia của ông Assad. Trong khi đó, chính phủ Syria kiên quyết bác bỏ điều này. Thậm chí, chính quyền của ông Assad còn phản đối khả năng tổ chức một cuộc bầu cử – một trong những đề xuất dự kiến sẽ được đưa ra tại vòng đàm phán ở Geneva lần này.
Việc chính quyền Syria và phe đối lập tiếp tục tỏ ra không thoả hiệp, nhượng bộ với nhau có thể sẽ khiến vòng đàm phán mới đổ vỡ. Và như vậy, kịch bản của hai vòng đàm phán trước đó có khả năng tái diễn. Liệu có hy vọng nào cho vòng đàm phán mới này không?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga và Mỹ là hai nước có tiếng nói quyết định cuối cùng trong việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria và do đó, nếu có đủ thiện chí và nỗ lực, họ có thể gây áp lực đến các phe đối địch ở Syria cũng như gây ảnh hưởng đến các cường quốc trong khu vực để đạt được một giải pháp nhất định.
“Hai cường quốc lớn đã bàn bạc rất nhiều với nhau qua điện đàm và các cuộc gặp ở khắp nơi trên thế giới. Sau đó, họ thông báo cho các đồng minh ở Syria và ông Staffan de Mistura (phái viên hòa bình của LHQ) về quyết định của họ”, một cựu nhân vật đối lập ở Syria – ông Haytham Manaa nói về tiến trình thu xếp vòng đàm phán của hai cường quốc.
“Nga và Mỹ sau đó sẽ đưa ra lằn ranh đỏ cho các cường quốc trong khu vực để họ không vi phạm. Mỹ cấm Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc tấn công trên mặt đất vào Syria và yêu cầu Saudi Arabia ngừng đưa vũ khí vào chiến trường này. Nga cũng làm điều tương tự với Iran”, ông Manaa nói.