Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc là địa điễm diễn ra vòng đàm phán thương mại mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó khiến liên tưởng đến dấu ấn đặc biệt của địa danh này trong lịch sử quan hệ hai nước. Năm 1972, Mỹ và Trung Quốc công bố văn kiện chung với tên gọi Tuyên bố Thượng Hải, khởi đầu quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, tác động mạnh mẽ tới cả chính trị thế giới và quan hệ quốc tế.
Vấn đề hiện tại đặt ra cho Mỹ và Trung Quốc cùng giải quyết ở Thượng Hải khác biệt cơ bản so với vấn đề đã được hai bên xử lý ở chính nơi này cách đây 47 năm. Nó nan giải hơn trên phương diện đòi hỏi giải pháp phải cụ thể chứ không chỉ là tuyên bố chính trị chung chung. Nó phức tạp hơn vì hai bên sứt mẻ lòng tin lẫn nhau nghiêm trọng. Nó không có được ý nghĩa to lớn của việc gây dựng bước chuyển giai đoạn nhưng lại có tầm quan trọng quyết định đối với cả hiện tại lẫn tương lai của mối quan hệ song phương.
Hai bên ý thức được rằng phải thoả hiệp với nhau nhưng hiện chưa sẵn sàng đủ mức để nhượng bộ thoả đáng cho nhau nhằm đạt được thoả thuận. Rất có thể họ chủ ý dùng hơi hớm của cái hào khí xưa để nhắc nhở và khích lệ nhau tìm cách khai thông, đột phá. Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cho rằng chỉ tâm linh không thôi thì chưa thể đủ nên mới lại gia tăng áp lực mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Cứ cho là hiệu ứng tinh thần của hào khí xưa ấy vẫn còn thì mức thiêng lại chỉ rất hạn chế. Khắc phục xung khắc thương mại chỉ là chuyện nhỏ so với tầm vóc của cuộc cạnh tranh chiến lược. Mọi thoả thuận đạt được cũng đều chỉ cục bộ và nhất thời. Hai bên thoả thuận nhưng rồi sẽ lại thay đổi. Giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có tạm hoà hoãn chứ không hết bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích.
Vòng đàm phán tiếp theo dường như đã được lập trình sẵn.
Chính Dung