Khung cảnh hoang tàn tại Derna sau cơn lũ. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Tính đến thời điểm hiện tại, con số thương vong cụ thể vẫn chưa được làm rõ. Giới lãnh đạo y tế thuộc chính quyền miền Đông Libya cho biết, tính đến ngày 17/9, 3.283 người đã thiệt mạng.
Trong khi đó, các quan chức Libya và tổ chức nhân đạo cảnh báo con số cuối cùng có thể cao hơn nhiều khi còn hàng nghìn người mất tích. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc dẫn số liệu từ Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết, thương vong đã lên tới 11.300 người, song tổ chức tại đất nước Bắc Phi đã phủ nhận con số này.
Chính phủ Libya quyết định dành ba ngày để chia buồn với các nạn nhân ở “khu vực thảm họa”. Có ba nguyên do chính dẫn đến mức độ thương vong đau lòng này.
Đầu tiên, đó chính là cường độ lớn của cơn bão này. Trung tâm Khí tượng quốc gia Libya cho biết, tính đến thời điểm ngày 10/9 tại khu vực Đông Bắc Libya, bão Daniel đã đạt mức cực đại, với sức gió lên tới 70-80 km/h, lượng mưa kèm theo lên tới 150-240mm, gây lũ lụt nhanh chóng khi người dân chưa thể sơ tán.
Trong đó, thành phố Al-Bayda, nơi chứng kiến lượng mưa lên tới 414 mm, kỷ lục mới về lượng mưa tại quốc gia này. Sự xuất hiện của cơn bão gây gián đoạn liên lạc, các cột điện, cây cối đổ hàng loạt, cuốn bay nhiều ruộng vườn, làng mạc, nhà cửa, gây nên cảnh “màn trời chiếu đất” cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, đó là phản ứng chậm trễ và thiếu thống nhất từ chính quyền địa phương. Trung tâm Khí tượng quốc gia Libya đã gửi lời cảnh báo 72 tiếng trước khi mọi thứ diễn ra về điều kiện thời tiết cực đoan, đồng thời gửi văn bản bằng e-mail tới chính quyền địa phương và truyền thông để đưa ra các biện pháp ứng phó cần thiết.
Chính quyền Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, khi bão Daniel quét đến, chính quyền ở khu vực phía Đông vẫn chưa có sự chuẩn bị cần thiết, khi các quan chức địa phương đã tuyên bố trái ngược nhau. Một số người dân ở Derna được kêu gọi ở yên trong nhà, trong khi số khác lại nhận lệnh cần sớm sơ tán. Điều này khiến thương vong do lũ lụt trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
Cuối cùng, đó là tình trạng xung đột kéo dài khiến các bên liên quan không thể tập trung đầu tư, bảo dưỡng hai con đập trên sông Wadi Derna. Những con đập này được xây dựng từ những năm 1970 với sự trợ giúp của một công ty Nam Tư, trước khi ông Muammar Gaddafi lên nắm quyền.
Những năm 2000, Tripoli đã liên hệ với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành tôn tạo, sửa chữa, tuy nhiên, dự án không được thực hiện khi năm 2011, ông Muammar Gaddafi bị lật đổ còn Libya rơi vào nội chiến liên miên, kéo dài đến tận ngày nay.
Giờ đây, Libya trở thành địa bàn tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa một bên là chính quyền chuyển tiếp tại Tripoli, bên còn lại là tướng Khalifa Haftar, người đang nắm quyền kiểm soát khu vực phía Đông Libya, bao gồm vùng Derna.
Chừng nào tiếng súng chưa ngưng, rất khó để hai bên nghĩ đến việc đầu tư duy trì, phát triển hạ tầng dân sự. Hàng triệu USD cứu trợ từ cộng đồng quốc tế có thể góp phần khắc phục thiệt hại trước mắt. Song về lâu dài, điều người Libya cần không kém hiện nay là một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn, những cuộc đàm phán về nền hòa bình toàn diện, bền vững, khép lại một thập kỷ nội chiến và đổ máu.