Bà Pelosi thông báo rút lui khỏi vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện hôm 17/11. (Nguồn: Reuters) |
Biểu tượng không thể thay thế
Tại hội trường Hạ viện, sau khi bà Pelosi kết thúc bài phát biểu đầy xúc động thông báo về kế hoạch từ chức là những cái ôm thật chặt, tiếng reo hò xen lẫn những giọt nước mắt và những lời tri ân đến từ giới chính trị Mỹ, từ cánh tả, trung tả và thậm chí cả cánh hữu ôn hòa.
“Một ngày mới đang ló rạng ở chân trời. Và tôi mong chờ, luôn mong chờ câu chuyện vẫn chưa được mở ra của đất nước chúng ta, một câu chuyện về ánh sáng và tình yêu, về lòng yêu nước và sự tiến bộ, về việc nhiều người trở thành một, và luôn là một sứ mệnh còn dang dở để biến những giấc mơ của ngày hôm nay thành hiện thực của ngày mai”, chính trị gia 82 tuổi khẳng định.
Bà Nancy Pelosi sinh ra trong một gia đình gốc Italy tại Mỹ và là con gái duy nhất của ông Thomas D'Alesandro Jr, nghị sĩ bang Maryland và từng là thị trưởng Baltimore giai đoạn 1947-1959. Nối gót cha, anh trai bà, Thomas D’Alesandro III, cũng từng là thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến năm 1971.
Tiếp nối truyền thống gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được định hướng tham gia chính trường và sớm tiếp xúc với những đường lối chính trị cứng rắn nhưng hiệu quả, điều tạo nên dấu ấn cá nhân của nữ chính trị gia này.
Tuy nhiên, con đường chính trị của bà Pelosi khởi đầu khá muộn. Bà kết hôn với ông Paul Pelosi, một nhân viên ngân hàng ở tuổi 23, cùng ông chuyển đến Manhattan, sau đó là San Francisco, nơi bà dành phần lớn thời gian cho công việc nội trợ và chăm sóc 5 con. Các con lần lượt ra đời trong 6 năm.
Bà Pelosi ăn mừng chiến thắng khi giành ghế tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1987. (Nguồn: Getty) |
Bà bắt đầu bước chân vào con đường chính trị khi trở thành người gây quỹ cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và giành một ghế tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1987, ở tuổi 47. Bà được bầu làm Chủ tịch Hạ viện lần đầu tiên năm 2007 đến khi đảng Dân chủ để mất quyền kiểm soát cơ quan này năm 2011.
Là một tín đồ Công giáo sùng đạo, bà Pelosi không uống rượu và có sở thích nạp năng lượng từ chocolate đen thay vì các dạng caffein khác.
Với hai nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi đã rời nhiệm sở với thành tích đáng nể. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng của bà trong việc thuyết phục các phe trong đảng Dân chủ ủng hộ các dự luật quan trọng, khiến bà trở thành nhân vật huyền thoại của Đồi Capitol, và đảm bảo cho vị trí lãnh đạo đảng trong suốt 20 năm qua.
Thời Tổng thống Barack Obama, trên cương vị Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi đã đóng vai trò then chốt trong việc thông qua một số đạo luật quan trọng của nước Mỹ như đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (hay còn gọi là Obamacare), đạo luật cải cách tài chính phố Wall, đạo luật khí hậu thương mại…
Khi ông Joe Biden nắm quyền tổng thống và đảng Dân chủ dần mất lợi thế tại Hạ viện, bà Pelosi vẫn phát huy vai trò của mình, lãnh đạo đảng này thông qua phần lớn các chương trình nghị sự sâu rộng, từ dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn, chính sách khuyến khích năng lượng sạch, hạ thấp chi phí thuốc theo toa…
Rắc rối lớn nhất của ông Trump
Bà Nancy Pelosi bước vào nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Sự phản đối gay gắt của bà đối với quan điểm và cách điều hành của vị Tổng thống xuất thân từ doanh nhân này đã củng cố vị trí quyền lực của bà trong đảng Dân chủ.
Ngày 4/2/2020, bà Pelosi từng công khai xé toạc bản in bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Trump khi ông trình bày trước Quốc hội Mỹ. Bà cũng là người chủ trì cả hai lần luận tội Tổng thống Trump và thành lập Ủy ban quốc hội lưỡng đảng điều tra về vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Bà Pelosi công khai xé toạc bản in bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Trump khi ông trình bày trước Quốc hội Mỹ, ngày 4/2/2020. (Nguồn: ABC News) |
"Bà ấy không ấn tượng và không hề sợ hãi Tổng thống Trump. Bà ấy rất mạnh mẽ chống lại ông ta và tôi nghĩ đó là điều cần phải làm. Bà ấy luôn là rắc rối lớn nhất của ông Trump”, Scott Peters, một đảng viên đảng Dân chủ cho hay.
Một trong những bước đi táo bạo nhất của bà Pelosi trong năm 2022 là tới thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào mùa Hè vừa qua dù chuyến thăm bị Nhà Trắng phản đối và khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc thêm căng thẳng.
Giới quan sát cho rằng, số phận của nền dân chủ Mỹ là điều khiến “bà đầm thép” Pelosi bận tâm nhất trong những năm gần đây - và bà đã nhiều lần chỉ ra điều đó trong bài phát biểu ngày 17/11.
“Nền dân chủ Mỹ rất hùng mạnh nhưng nó rất mong manh. Nhiều người trong chúng ta ở đây đã tận mắt chứng kiến sự mong manh đó. Và vì vậy, nền dân chủ phải được bảo vệ mãi mãi khỏi những thế lực muốn làm hại nó”, bà khẳng định.
Ai sẽ kế vị bà Pelosi?
Hiện bà Pelosi vẫn chưa chọn người kế nhiệm, nhưng bà cho biết sẵn sàng trao lại quyền lực cho một thế hệ mới. “Tôi cho rằng đã đến lúc một thế hệ mới nên dẫn dắt các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ mà tôi vô cùng kính trọng. Và tôi rất biết ơn vì có rất nhiều người đã sẵn sàng và sẵn lòng gánh vác trọng trách lớn lao này”, bà nhấn mạnh.
Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries tranh cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ sau khi bà Nancy Pelosi tuyên bố từ chức. (Nguồn: Getty) |
Các đảng viên đảng Dân chủ dường như đang dành nhiều sự ủng hộ cho Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries, nhà lập pháp 52 tuổi đến từ bang New York, dự kiến sẽ tiếp quản vị trí của bà Pelosi.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện vào ngày 30/11 tới, ông Hakeem Jeffries sẽ trở thành nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của đảng này tại Quốc hội và bắt đầu một thế hệ lãnh đạo mới trong Hạ viện. Ông sẽ đại diện cho sự thay đổi mang tính thế hệ so với bộ ba lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện hiện tại, những người lớn hơn ông ba thập kỷ.
Trong bức thư được văn phòng công bố hôm 18/11, ông Jeffries đã gửi lời ca ngợi tới ban lãnh đạo trước đây nhưng nhấn mạnh rằng “cần phải làm nhiều hơn nữa để chống lạm phát, bảo vệ nền dân chủ của chúng ta”.