Trong khi đó, Việt Nam – hiện là nước điều phối trong quan hệ Ấn Độ và ASEAN, đang nỗ lực mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ bằng nhiều cách. Hà Nội và Singapore là hai đối tác chiến lược lớn nhất của Ấn Độ trong ASEAN. Trên cơ sở quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng phát triển, Hà Nội và Delhi đã đạt được tầm nhìn chung về hợp tác an ninh hàng hải và an ninh mạng. Do đó, kết quả nổi bật của chuyến thăm có thể là văn bản hợp tác về an ninh mạng.
Delhi dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội về quân sự, gồm tài chính và huấn luyện, hỗ trợ về lĩnh vực không gian, đầu tư lớn hơn bên cạnh việc mua cổ phần tại các lô dầu khí bổ sung. Nổi bật trong chuyến thăm lần này sẽ là việc ký hợp đồng cung cấp 4 tàu tuần tra cho quân đội Việt Nam theo gói tín dụng trị giá 100 triệu USD.
Ngoài ra, Ấn Độ có thể cung cấp tài chính bổ sung để tăng cường xây dựng năng lực quân sự cho Hà Nội và có thể tăng hạn ngạch đào tạo cán bộ lực lượng vũ trang và tiến hành sửa chữa và bảo trì phần cứng quốc phòng. Việc hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các cơ sở quân sự của các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Narendra Modi. (Nguồn: Economic Times) |
Hơn một thập kỷ qua, Delhi và Hà Nội đã xích lại gần nhau hơn trước tham vọng và sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á, trong đó có khu vực Biển Đông. Việc Thủ tướng Modi chọn thăm Việt Nam, một bên yêu sách tại Biển Đông, trước khi đến Trung Quốc và Lào mang nhiều ý nghĩa tượng trưng.
Tuy nhiên, các chuyên gia về quan hệ Ấn – Việt lại chỉ ra rằng cả hai bên đều giữ quan hệ Đối tác chiến lược một cách thận trọng. Đồng thời với việc không tham gia hoạt động quân sự và ủng hộ giải pháp hòa bình ở Biển Đông, Delhi cũng khẳng định ủng hộ các nguyên tắc trật tự toàn cầu dựa vào Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và phản đối các hành động đơn phương sau khi Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague ngày 12/7 bác bỏ yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông trong vụ kiện Philippines đưa ra.