Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Canada) |
Trên thực tế, mặc dù xung đột Nga-Ukraine thu hút sự chú ý của thế giới dành cho châu Âu, song Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không vì thế mà đánh mất tầm quan trọng vốn có. Thậm chí, với 40 quốc gia, 37.400 tỷ USD trong hoạt động kinh tế cùng nhiều tuyến đường hàng hải then chốt, khu vực này còn là động lực tăng trưởng, phục hồi của thế giới sau đại dịch Covid-19, cũng như là nơi có thể tìm kiếm giải pháp khắc phục hệ quả từ xung đột Nga - Ukraine.
Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương càng được khẳng định khi tháng 11 vừa qua, lãnh đạo các nền kinh tế lớn đã tụ hội về Đông Nam Á dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị liên quan, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC).
Có thể thấy, vai trò của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với thế giới nói chung và Canada nói riêng đòi hỏi chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau cần sớm công bố chiến lược khu vực với định hướng rõ ràng, khả thi để đảm bảo lợi ích tại đây. Trong bối cảnh đó, nối bước Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc cùng một số nước khác, Canada đã chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình vào ngày 27/11.
Bao trùm, toàn diện
Văn bản chiến lược dài 26 trang của Canada phản ánh cách tiếp cận hướng bao trùm, toàn diện của Canada.
Đầu tiên, đó là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Chân trời cơ hội”, nêu rõ tầm quan trọng của khu vực nêu trên, những cơ hội kinh tế, thách thức chiến lược, câu chuyện về phát triển bền vững, cũng như vị trí của Ottawa tại đây. Tuy nhiên, trong phần này, cả cơ hội kinh tế, thách thức chiến lược được nêu chủ yếu tập trung ở Đông Bắc Á và Trung Quốc, một số đề cập tới khu vực Biển Đông.
Ở mục thứ hai, “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada”, tài liệu nêu rõ một số định hướng tiếp cận của xứ sở lá phong với Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Phần này đặc biệt phản ánh cách tiếp cận hướng bao trùm, toàn diện, từ thách thức lớn nhất (Trung Quốc) tới một trong những đối tác quan trọng nhất (Ấn Độ), từ Đông Bắc Á sang ASEAN.
Cuối cùng, văn bản này nêu rõ năm mục tiêu chiến lược, sáng kiến triển khai của Ottawa. Đây cũng là phần dài, chi tiết nhất của văn bản và chiếm hơn một nửa nội dung. Nó vạch rõ các mục tiêu chiến lược của Canada tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như cách thức để đạt những mục tiêu đó. Nếu phần hai đề cập tới một số nước và khu vực cụ thể, phần ba lại cho thấy cách tiếp cận chung của Canada với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là sự phản ánh về việc Ottawa có lợi ích toàn diện ở khu vực và sẵn sàng hành động nhằm bảo đảm những lợi ích này, cho dù là về hòa bình, an ninh, thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng, nhân lực hay tăng trưởng bền vững. Tài liệu khẳng định: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ định hình tương lai nền kinh tế, quan hệ thương mại, chính sách nhập cư, môi trường và an ninh của chúng ta”.
Điểm nhấn Trung Quốc
Không khó để thấy Trung Quốc là điểm nhấn trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada. Tài liệu này khẳng định cách tiếp cận mới của Ottawa với Bắc Kinh là “một phần then chốt”. Cường quốc châu Á được nhiều lần đề cập trong cả ba phần với tần suất cao với các nội dung chi tiết.
Đồng thời, Ottawa cũng nêu rõ cách tiếp cận đa chiều với Bắc Kinh, từ nội bộ của Canada, trong quan hệ với Trung Quốc, tới bình diện khu vực và quốc tế.
Trong nội bộ và quan hệ với Trung Quốc, Canada sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng, nền dân chủ và người dân trước các can thiệp nội bộ, tăng cường đối thoại bảo vệ lợi ích và các ưu tiên quốc gia mà không đánh mất các giá trị cốt lõi.
Tại khu vực, Canada sẽ cân bằng cách tiếp cận với Trung Quốc, phối hợp cùng các đồng minh và đối tác vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Đồng thời, Ottawa khẳng định sẽ phản đối các hành động đơn phương đe dọa tình hình eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ở tầm quốc tế, Canada sẽ cùng các nước đối mặt “thực tế phức tạp” từ tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, tích cực xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, chống lại các hành vi đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, văn bản này cũng nhìn nhận thị trường tỷ dân của Trung Quốc ẩn chứa nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Canada khai thác. Đồng thời, Ottawa cần hợp tác với Bắc Kinh “để giải quyết một số áp lực hiện hữu với thế giới” như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sức khỏe toàn cầu và phổ biến vũ khí hạt nhân.
Xét cho cùng, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ottawa đã cho thấy một số hướng đi trong bài toán với Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện của Canada tại khu vực. Thế nhưng “nói thì dễ, làm thì khó”. Kết quả của chiến lược phụ thuộc vào quá trình triển khai, vì tương lai của Canada tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực giàu tiềm năng, song cũng nhiều thách thức.