Trước sự chứng kiến của gần 2300 đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19 hôm 18/10, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đọc Báo cáo chính trị dài 68 trang. Báo cáo đã khái quát toàn bộ chín lĩnh vực quan trọng, định hình đường hướng phát triển của Trung Quốc đến giữa thế kỷ này với hai mốc thời gian 2035 và 2050.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã bế mạc ngày 25/10. (Nguồn AP) |
Tín hiệu lạ về cải cách
Báo cáo toàn diện và giàu tham vọng này tập trung vào ba lĩnh vực: (i) xác định tư tưởng thời đại mới cho sự phát triển của Trung Quốc; (ii) công tác Đảng, chính trị nội bộ, an ninh quốc gia; (iii) định vị Trung Quốc trong trật tự toàn cầu. Bằng việc nêu lên “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, ông Tập Cận Bình đã trực tiếp gửi đi thông điệp rằng sự phát triển của Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới sau thời đại của tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình. Muốn vậy, Trung Quốc cần hoàn thành “hai mục tiêu 100 năm” do chính ông Tập Cận Bình nêu ra sau Đại hội 18. Mục tiêu 100 năm đầu tiên là đến mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2021, GDP bình quân của nước này sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010. Sự tự tin của Trung Quốc rõ ràng phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh kinh tế của quốc gia này. Cùng với các nội dung quan trọng khác được đề cập tại Đại hội, các nội dung kinh tế đã được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tại Đại hội 19, do đó đã phác họa tương đối rõ nét đường hướng phát triển của nền kinh tế thứ hai thế giới trong 5 năm tới.
Thông điệp chủ yếu của cải cách kinh tế trong nhiệm kỳ tới ở Trung Quốc được thể hiện trong Báo cáo chính trị tại Đại hội 19 cho thấy sẽ không có cải cách thị trường hoá ồ ạt mà quá trình này sẽ được dẫn dắt bởi nhà nước. Tại Hội nghị trung ương 3 khoá 18, Trung Quốc đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ để “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”. Nhiều cải cách được tiến hành nhằm hiện thực hoá Nghị quyết. Nhưng Báo cáo chính trị lần này đã không nhắc đến cách thức biểu đạt cải cách “dò đá qua sông” – mang hàm ý để thị trường dẫn dắt – như trước đó. Rõ ràng, các tín hiệu phát đi cho thấy ổn định chính trị và theo đuổi lợi ích quốc gia được Trung Quốc đặt ở vị trí ưu tiên so với việc xác lập các nguyên tắc kinh tế thị trường.
Sáng 25/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã bầu Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên. Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới gồm có: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính, Dương Khiết Trì, Quách Thanh Côn, Hứa Kỳ Lượng, Đinh Tiết Tường, Tôn Xuân Lan, Trương Hựu Hiệp, Lý Hồng Trung, Dương Hiểu Độ, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Hồ Xuân Hoa, Hoàng Khôn Minh, Thái Kỳ, Trần Hy, Lý Hy, Lý Cường, Lưu Hạc, Vương Thần. Thường vụ Bộ Chính trị gồm: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Tại phiên họp, ông Tập Cận Bình cũng được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các ông Hứa Kỳ Lượng và Trương Hữu Hiệp cùng được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trong khi đó, ông Triệu Lạc Tế được bầu làm Trưởng Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa mới. |
Mô hình kinh tế nào?
Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cùng lúc hai mô hình. Trong nước, ông nhấn mạnh việc Trung Quốc kết hợp sự can dự sâu rộng của Nhà nước với thị trường để đạt mục tiêu có một nền kinh tế hiện đại, mang sức mạnh toàn cầu. Về bản chất, điều này giống với mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước. Để can dự, nhà nước sẽ sử dụng cả chính sách định hướng và công cụ doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ những kế hoạch lớn nhằm nâng cấp ngành công nghiệp như chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” đến các giải pháp kĩ thuật trên thị trường chứng khoán và ngân hàng đều được chính phủ thiết kế tỉ mỉ. Một quan chức cao cấp Trung Quốc đã phát biểu: “Với tư cách là động lực chính của phát triển kinh tế quốc gia, DNNN cần đóng vai trò là nhân tố dẫn dắt trong cải cách tổng cung (SSSR). Các DNNN phải đảm trách nhiệm vụ định vị mô hình cải cách này, và trở thành người dẫn đường, là lực lượng chính của cải cách”.
Về đối ngoại, ông Tập Cận Bình tự tin giới thiệu “giải pháp Trung Quốc”, “mô hình Trung Quốc” như một cách thức mới để các nước có thể vừa phát triển nhanh, vừa tránh khủng hoảng của nền kinh tế thị trường tự do. Ông nói, mô hình này “dành cho những quốc gia và dân tộc muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình trong khi vẫn duy trì được sự độc lập”. Xuất khẩu ý tưởng và mô hình Trung Quốc đã được chú trọng từ trước Đại hội 19 thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” do chính Tổng Bí thư Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Sau Đại hội này, Đại dự án Vành đai, Con đường và “Mô hình Trung Quốc” sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Những ưu tiên
Để tiếp tục phát triển sau Đại hội 19, Trung Quốc sẽ triển khai cải cách thông qua các tiểu ban lãnh đạo - mô hình tập quyền tinh anh. Đặc điểm quyết sách của Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình là tập trung quyền lực. Vì vậy, để thiết kế và triển khai cải cách, ông Tập Cận Bình đã thành lập hàng chục tiểu ban công tác. Đặc điểm của những người đứng đầu các tiểu ban này vừa là người am hiểu chuyên môn sâu sắc, vừa có khả năng vận động
con thoi với chính quyền các cấp. Trung Quốc hiện có 26 tiểu ban lãnh đạo trực thuộc Đảng Cộng sản (ông Tập Cận Bình làm chủ nhiệm của 8 tiểu ban) và 57 tiểu ban trực thuộc Quốc vụ viện (chính phủ), trong đó Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu tám tiểu ban). Trong tám tiểu ban do ông Tập Cận Bình lãnh đạo, có hai tiểu ban quan trọng liên quan đến kinh tế là Tiểu ban Lãnh đạo Công tác Tài chính kinh tế (thành lập năm 1980) và Tiểu ban Lãnh đạo Đi sâu cải cách toàn diện (thành lập năm 2013).
Năm mục tiêu cải cách được xác định tại Đại hội 18 tiếp tục được cam kết cải cách ở nhiệm kỳ này, bao gồm: (i) tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm giảm dư thừa sản lượng và ngăn ngừa rủi ro tín dụng; (ii) xây dựng nền kinh tế sáng tạo tầm cỡ thế giới; (iii) chống ô nhiễm môi trường: (iv) xây dựng một xã hội an toàn hơn, gồm cả hệ thống chăm sóc y tế và hưu trí; (v) giảm bất bình đẳng giữa các khu vực, giữa thành thị với nông thôn.
Hai lĩnh vực được đẩy mạnh có thể gồm: (i) cải cách tài chính tiền tệ và (ii) cải cách DNNN. Cải cách tài chính tiền tệ với trọng tâm là ngăn ngừa các rủi ro tài chính, đặc biệt là khủng hoảng nợ, có thể sẽ được ưu tiên. Tháng 4/2017, trong một buổi học tập của 25 uỷ viên Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu “không được coi thường bất kỳ rủi ro nào, không để lọt sàng bất kỳ ẩn họa nào”. Tại Hội nghị Công tác Tài chính được tổ chức vào tháng 7/2017, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “phải coi việc giảm nợ của các DNNN là trọng tâm hàng đầu”. Cải cách DNNN sẽ tiếp tục theo quỹ đạo (i) thúc đẩy sở hữu hỗn hợp, chỉ tăng vốn tư nhân, không chấp nhận tư nhân hoá; (ii) sử dụng các công ty đầu tư vốn nhà nước như cửa ngõ chính để tiến hành cải cách chế độ sở hữu; (iii) hạn chế phá sản, khuyến khích sáp nhập quy mô lớn.
Năm 1976, ông Tập Trọng Huân – thân phụ ông Tập Cận Bình đã triển khai quyết sách của Trung ương, thí điểm đưa làng chài Thâm Quyến nghèo khó thành một đặc khu kinh tế. Với quyết tâm không để Thâm Quyến nghèo khó hơn Hong Kong - khi đó dưới sự quản lý của Anh – ông Tập Trọng Huân đã đưa Thâm Quyến đi vào quỹ đạo phát triển hình mẫu cho toàn bộ Trung Quốc. Có lẽ, ông không thể nghĩ được rằng, 40 năm sau, con trai ông còn đi xa hơn khi quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành hình mẫu phát triển của thế giới, quyết tâm “chấn hưng Trung Hoa”. Nếu ông Tập Cận Bình hoàn thành được các mục tiêu ông nêu trong Báo cáo chính trị vừa rồi, ông sẽ xác lập được vị trí lịch sử ấy. Nhưng chúng ta còn ít nhất 10 năm nữa để xem liệu những khả năng ấy có trở thành hiện thực hay không?
(*) Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
TS. Phạm Sỹ Thành
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES)