TIN LIÊN QUAN | |
Anh: Thủ tướng Theresa May chuẩn bị tổ nội các | |
Anh chặn đứng âm mưu ám sát Thủ tướng Theresa May |
Một thời kỳ mới đang mở ra với cả London và Bắc Kinh. Trong khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh “Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa” đã bước sang kỷ nguyên mới, thì tại xứ sở sương mù, tham vọng “nước Anh hướng tới toàn cầu” cũng dần được hé mở hậu Brexit. Trong bối cảnh đó, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Theresa May và Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ song phương trở lại “kỷ nguyên vàng”.
Tối 29/1, trong bài phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Theresa May khẳng định: “Anh và Trung Quốc đều là những cường quốc lớn trên thế giới, cùng có tầm nhìn toàn cầu. Tôi cam kết sẽ nỗ lực thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược bền vững với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20, tháng 9/2016. (Nguồn: Reuters) |
Tìm về “thời kỳ hoàng kim”
Dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron, cụm từ “kỷ nguyên vàng” luôn được nhấn mạnh và trở thành một thuật ngữ chiến lược trong quan hệ London - Bắc Kinh. Ông Cameron đã gọi Trung Quốc là “đối tác tốt nhất của Anh”. Hai bên từng ký kết thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 40 tỷ Bảng, trong đó có khoản đầu tư 6 tỷ Bảng của Trung Quốc vào Hinkley Point, dự án điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, khi còn là một trụ cột của Liên minh châu Âu (EU), London vẫn thường ủng hộ các lợi ích thương mại và kinh tế của Bắc Kinh tại Brussels. Đó là lý do khi Brexit diễn ra, Trung Quốc đã tỏ ra hoang mang trước nguy cơ mất đi một tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ trong lòng châu Âu.
Tình bạn giữa Bắc Kinh và London bắt đầu trục trặc vào năm 2016 khi bà May quyết định tạm thời trì hoãn dự án Hinkley Point. Thời điểm đó, truyền thông Trung Quốc cho rẳng “cái lắc đầu” của London đang làm phai nhạt “Thời đại hoàng kim” của mối quan hệ Trung Quốc - Anh. Ngoài ra, quyết định rời khỏi EU cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế và tiếng nói của London trước Bắc Kinh.
Bởi vậy, chuyến thăm của bà Theresa May sẽ là cơ hội để hai bên cùng nhìn lại tổng thể bức tranh quan hệ song phương, tìm lại “kỷ nguyên vàng”, khi Trung Quốc luôn coi Anh là đồng minh quan trọng hàng đầu tại EU. Theo giới phân tích, trước khi chính thức “đoạn tuyệt” với EU vào năm 2019, Anh phải vượt ra ngoài các mối quan hệ hợp tác truyền thống trong khối và Mỹ, đồng thời cần coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược mới.
Sợi dây kinh tế
Đoàn hộ tống chuyến công du gồm hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Anh là động thái chưa từng có tiền lệ kể từ khi bà May đắc cử. Điều này cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Thủ tướng Anh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại đầy tiềm năng với Trung Quốc hậu Brexit. Bà May khẳng định: “Trung Quốc là một miền đất hứa hẹn tạo nhiều cơ hội để khai thác đầu tư cho các doanh nghiệp của Anh”.
Trên thực tế, Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, còn Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của London. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 79 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2016. Xuất khẩu của Anh sang Trung Quốc cũng tăng 19,4%.
Trong khi đó, hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng và đầu tư 21,8 tỷ USD vào dự án tại Anh, từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại, tài chính, viễn thông đến những lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, sản xuất hàng hóa công cao cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng và những trung tâm nghiên cứu. Trung Quốc còn được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của London năm 2020.
Do đó, hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của bà Theresa May đến Trung Quốc. Giới quan sát kỳ vọng hai bên sẽ ký kết được nhiều thỏa thuận mang tính chiến lược, đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, tìm kiếm cơ hội gặt hái những “trái ngọt” thông qua các dự án chung ở nhiều lĩnh vực dựa trên nền tảng Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngay khi đặt chân đến Vũ Hán, Thủ tướng May đã công bố một chương trình hợp tác giáo dục đào tạo với trị giá lên tới 450 triệu Bảng.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh và Bắc Ireland Liam Fox nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong bối cảnh Anh đang nỗ lực thiết lập liên kết thương mại với những thị trường hàng đầu thế giới sau khi rời EU. Hiện tại, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang bùng nổ với tốc độ mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử và ước tính sẽ đạt con số 600 triệu người vào năm 2020 - cao hơn toàn bộ dân số hiện tại của châu Âu. Đó chính là “thời cơ vàng” cho những chiến lược thương mại mà Anh dự tính trong tương lai.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song vẫn còn quá sớm để kết luận liệu “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc có quay trở lại. Tất cả vẫn cần phải chờ đợi kết quả từ chuyến đi của bà Theresa May và nỗ lực không ngừng của cả hai bên trong thời gian tới.
EU hoan nghênh đường hướng Brexit của Thủ tướng Anh Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao "tinh thần xây dựng" của Anh sau khi nghe Thủ tướng Theresa May trình bày về đường ... |
Brexit: Đảng Bảo thủ nắm quyền kiểm soát các ủy ban soạn luật Sau khi Quốc hội Anh thông qua dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ngày 12/9, Thủ tướng ... |
Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề hậu Brexit Hiệp hội các nhà máy chế tạo Anh (EEF) yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhanh chóng làm rõ vấn đề quyền ... |