📞

EAS-12 và thời cơ của Mỹ

08:00 | 17/11/2017
Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12, diễn ra từ ngày 13 - 14/11 tại Philippines khẳng định vị thế và vai trò của mình trong định hình chính sách khu vực và quốc tế.

Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần đầu tiên tổ chức vào năm 2005 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham gia của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand. Hội nghị này do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, được tổ chức hàng năm nhân dịp họp Cấp cao ASEAN và sẵn sàng mở cửa cho các thành viên mới.

Từ đó đến nay, EAS đã trở thành diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng ở Đông Á. Còn đối với Mỹ, đây là dịp để Washington tăng cường hiện diện chính trị trong khu vực Đông Á nói riêng và Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Cấp cao Đông Á ngày 14/11. (Nguồn: Reuters)

Tiếp nối thành tựu

Kể từ khi được khởi xướng, EAS đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu vực, trong đó phải kể tới Sáng kiến xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) theo kiến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG) từ năm 2001, Sáng kiến Nghiên cứu về Cơ chế Hợp tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA) với mục tiêu nghiên cứu một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) gồm 16 nước Đông Á do Nhật Bản đề xuất vào năm 2009.

Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, EAS lần thứ 12 diễn ra tại Philippines trong hai ngày 13 và 14/11 quy tụ lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối ngoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ. Với 18 quốc gia thành viên này, EAS đã chiếm tới 55% dân số toàn cầu và khoảng 55% GDP của toàn thế giới.

Tại EAS-12 lần này, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các vấn đề chiến lược, chính trị, an ninh và phát triển kinh tế tại khu vực. Hội nghị đã thông qua bốn tuyên bố quan trọng về: chống rửa tiền và chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố; chống lan truyền tư tưởng khủng bố; vũ khí hóa học và hợp tác xóa đói giảm nghèo. Tuyên bố chung của EAS-12 kêu gọi các nước tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, đồng thời mong muốn Bình Nhưỡng “từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách toàn diện”.

Cơ hội của Washington

Một nét đáng chú ý trong EAS-12 lần này liên quan đến sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố ông Trump sẽ tham gia hội nghị tại Philippines, song rốt cuộc ông vẫn không tham dự toàn bộ Hội nghị được do “vấn đề lịch trình”. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte và phát biểu trước phiên khai mạc, ông Trump đã lên đường trở về Washington trong ngày 14/11. Thay thế ông là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đã góp mặt tại phiên toàn thể được tổ chức tại thành phố Angeles, cách thủ đô Manila 84 km. Trong khi đó, đại diện của phía Trung Quốc và Nga lần lượt là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Dẫu vậy, điều đó không làm giảm đi tầm quan trọng của EAS đối với phía Mỹ. Ban đầu, Washington tỏ ý lưỡng lự khi gia nhập EAS, vì cho rằng các mục tiêu của nó không rõ ràng và một cơ chế như thế này sẽ rất dễ bị “loãng” so với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Tuy nhiên, do tác động của tình hình thế giới và khu vực, Mỹ lại muốn EAS trở thành một diễn đàn thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh khu vực và tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời tạo ra một định chế cho các nước không phải thành viên của ASEAN. Đây cũng là cơ hội để Mỹ đưa vấn đề an ninh hàng hải và không phổ biến vũ khí hạt nhân ra cộng đồng các nước trong khu vực và quốc tế.

Quan trọng hơn, trong viễn cảnh về chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” do Tổng thống Trump công bố tại Hội nghị (APEC) vừa qua, EAS sẽ được Mỹ tận dụng tối đa để thực hiện các mục tiêu mới của mình. Một trong số đó là thúc đẩy hợp tác bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tại Philippines, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần lượt trao đổi với ba đối tác còn lại và các nước đều có những tuyên bố khác nhau.

Phía Ấn Độ “nhất trí rằng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa, thịnh vượng sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”. Về phần mình, Mỹ tuyên bố: “Sự hợp tác giữa bốn quốc gia sẽ dựa trên nền tảng giá trị và nguyên tắc dân chủ”. Trong khi đó, Australia cho biết sẽ “ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do đi lại và bay qua”.

Trong thời gian tới, hội nghị EAS vẫn tiếp tục là kênh đối thoại quan trọng cho các nước tại khu vực Đông Á nói riêng và Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung. Ngoài việc tăng cường hợp tác, những vấn đề về an ninh sẽ được thảo luận rộng rãi trong các khuôn khổ hợp tác của hội nghị. Đáng chú ý, vai trò và tiếng nói của Mỹ trong diễn đàn này sẽ ngày càng lớn, khi bản thân họ tìm được sự đồng thuận từ nhiều quốc gia trong đó bao gồm cả Ấn Độ và Australia.

Viện Nghiên cứu châu Mỹ