Việc Anh tuyên bố bầu cử sớm hôm 19/4 diễn ra chỉ vài ngày trước vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên. Trong khi đó, Đức cũng đang khởi động cho cuộc bầu cử chính thức vào tháng 9 và Italy cũng không chịu thua kém với dự định bầu cử vào cuối tháng 5/2018.
"Frexit" sẽ nối gót "Brexit"?
Nhiều người cho rằng, sau khi Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, cuộc bầu cử của nước này sẽ không có tác động gì đến tương lai châu Âu. Tuy nhiên, họ chưa tính đến những ảnh hưởng gián tiếp, cụ thể là tới cuộc bầu cử tại Pháp.
Cuộc chạy đua vào Điện Elysee năm nay rất hấp dẫn, với sự có mặt của 4 ứng cử viên hàng đầu – Marine Le Pen đến từ đảng Cực hữu, Emmanuel Macron (đảng Tự do), François Fillon (đảng Bảo thủ) và Jean-Luc Mélenchon (đảng Cực hữu). Cả 4 người đều có cơ hội lọt vào vòng hai và bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử đều có thể tác động lớn đến kết quả của cuộc bầu cử.
Bốn ứng cử viên hàng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (từ trái qua): Emmanuel Macron, Francois Fillon, Jean-Luc Melenchon và Marine Le Pen. (Nguồn: RTL) |
Một kịch bản khiến cho EU hoang mang là bà Le Pen - phe cực tả và ông Mélenchon - phe cực hữu, là hai người cuối cùng lọt vào vòng trong. Mặc dù đến từ hai trường phái chính trị đối lập, cả hai đều được cho là sẽ từ bỏ Eurozone và mong muốn đàm phán lại một cách triệt để các điều khoản của Pháp với tư cách là thành viên EU, trước khi tổ chức trưng cầu dân ý “Frexit”.
Đáng chú ý, bà Le Pen đã cố gắng làm cho hình ảnh của mình trở nên đáng tin cậy và thân thiện hơn bằng cách ca ngợi sự lãnh đạo của Thủ tướng Anh Theresa May, đồng thời nói rằng bà May đang điều hành nước Anh bằng những chính sách mà bà muốn sử dụng để điều hành nước Pháp, hay nói ngắn gọn là can thiệp kinh tế nhiều hơn và giảm tỷ lệ nhập cư.
Thêm vào đó, việc Brexit không gây ra suy thoái kinh tế ngay lập tức đã tạo điều kiện cho bà Le Pen bảo vệ các quan điểm gây tranh cãi của mình như thay thế Eurozone bằng một giỏ các loại tiền mới, hay cho phép chính phủ kiểm soát trực tiếp ngân hàng trung ương. Bà cũng cho rằng, "tất cả những người dự đoán Brexit là tận thế đã sai”.
Cuộc bầu cử của Pháp cũng ảnh hưởng đến những vấn đề gây tranh cãi ở Anh. Những người muốn Anh ở lại EU và những người “nửa muốn nửa không” sẽ ủng hộ ông Macron trên cơ sở chính sách của ông có nhiều khả năng dẫn đến một mối quan hệ Anh - EU thân thiết hậu Brexit. Trong khi đó, những người không chỉ muốn Anh rời khỏi EU mà còn muốn nước Anh đóng cửa hoàn toàn sẽ cổ vũ cho bà Le Pen hoặc ông Mélenchon.
Điều này thực sự sẽ gây thêm khó khăn cho bà May, người đang cần phải cân bằng động thái giữa hai phe ủng hộ và chống đối Anh rời khỏi EU để ngăn ngừa những luận điệu gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán Brexit. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Brexit đang hỗ trợ bà Le Pen và đe doạ sự tồn tại của EU sẽ khiến cho nước Anh khó lòng đạt được những thỏa thuận “rời bỏ” một cách thuận lợi.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tuyên bố tiến hành bầu cử sớm. (Nguồn: Getty Images) |
Những thách thức đang chờ đợi EU
Trong khi đó, ở Đức, cuộc đua chính sẽ là giữa bà Angela Merkel và ông Martin Schulz. Cả hai đều cam kết tiếp tục hội nhập châu Âu sâu rộng. Không như Pháp, bất kỳ ứng cử viên nào chiến thắng cũng không biến nước Đức trở thành “kẻ ngoài cuộc”. Tuy nhiên, bất chấp nhiều trở ngại, đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD), với quan điểm chống người nhập cư, vẫn có khả năng cao giành được ghế trong nghị viện.
Ở Italy, tình hình càng phức tạp hơn, với nhiều đảng phái ủng hộ nước này rời khỏi EU từ đảng cực tả cho đến đảng dân túy Phong trào 5 Sao. Nền kinh tế Italy đã hầu như không tăng trưởng kể từ khi sử dụng đồng Euro. Vì vậy, việc công chúng phản kháng chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên không phải tất cả những người ủng hộ các đảng này đều muốn Italy rời khỏi EU trong bê bối khi việc trưng cầu dân ý để Rome tách mình ra khỏi Brussels sẽ khiến thị trường kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Việc bà Theresa May, một nhà lãnh đạo luôn được tín nhiệm và có sức ảnh hưởng lớn, triển khai chiến dịch chống EU và giành đa số ủng hộ của Quốc hội Anh đang gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo của EU. Nếu Brexit được nhìn nhận như là một thành công, EU sẽ khó lòng thuyết phục quần chúng rằng đây chỉ là một quan điểm thiểu số.
Trong trường hợp chiến thắng của Thủ tướng Anh vẫn chưa đủ góp phần làm tăng uy tín của bà Le Pen hay đảng AfD của Đức mà chỉ đủ để họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia sắp tới, nó vẫn sẽ khiến các nhà lãnh đạo thân châu Âu phải đau đầu trong dài hạn.