Hội nghị thượng đỉnh EU đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt và điều kiện đối thoại với Nga. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã bác bỏ đề xuất tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. (Nguồn: AP) |
Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo EU cho biết: "Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng, EU cần có sự phối hợp và phản ứng quyết liệt đối với bất kỳ động thái không mang tính tích cực, bất hợp pháp và gây rối nào nữa của Nga".
Liên minh này đồng thời yêu cầu Đại diện cấp cao của Ủy ban về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đề xuất các biện pháp trừng phạt Nga để các thành viên xem xét trong một số vấn đề như khí hậu và môi trường, y tế, các chính sách đối ngoại và an ninh cũng như các vấn đề đa phương như thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Syria và Libya.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm bị đóng băng.
Phát biểu sau cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo EU, bà Merkel nhấn mạnh, hiện liên minh này chưa nhất trí về việc tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất ngay lập tức với Nga, thay vào đó Brussels đồng ý duy trì và phát triển "một định dạng cho cuộc đối thoại" với Moscow.
Đề xuất họp Thượng đỉnh Nga-EU được hai nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Putin ở Geneva (Thụy Sỹ) vào tuần trước, lưu ý rằng châu Âu cần thay đổi hướng đi trong hợp tác với Moscow để từng bước cải thiện quan hệ.
Đề xuất này được Tổng thống Putin ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nước ở Đông Âu.
Đại diện các nước này cho rằng, vẫn còn "quá sớm" để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh "khi có vấn đề tích cực để thảo luận".
Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ "về định dạng cho cuộc đối thoại này", ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhận định, EU và Nga nên ngồi vào bàn đàm phán vì không thể chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt và trục xuất ngoại giao với Nga, tuy nhiên, lưu ý rằng, hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc gặp cấp cao EU-Nga.
Mối quan hệ của EU và Nga xấu đi kể từ khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Kể từ thời điểm này, hai bên không tiến hành Hội nghị thượng đỉnh.
EU đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan vấn đề Bán đảo Crimea, trong khi Moscow cũng có nhiều biện pháp đáp trả.