📞

Giữa dịch Covid-19, Mỹ cắt tài trợ WHO: Lợi bất cập hại

19:45 | 16/04/2020
TGVN. Xung đột giữa Washington và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa thời khắc then chốt trong nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom. (Nguồn: Reuters)

Bất đồng giữa Mỹ và WHO xung quanh đại dịch Covid-19 đã đến đỉnh điểm khi ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đóng băng ngân sách tài trợ hàng năm cho WHO trị giá 400 – 500 triệu USD và cho đến khi có đánh giá cụ thể về công tác chống dịch của tổ chức này.

Ông cáo buộc WHO đã “mắc sai lầm nghiêm trọng khi không thể kiểm soát, thậm chí che đậy sự lây lan mạnh mẽ của SARS-CoV-2”, chỉ trích quan hệ gần gũi của tổ chức này với Trung Quốc.

Ngay lập tức, tuyên bố của ông gặp phải phản ứng quyết liệt. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, việc ngừng tài trợ cho WHO là vô nghĩa, “nguy hiểm và bất hợp pháp”. Hiệp hội Y khoa Mỹ cho đây là một bước đi nguy hiểm sai hướng, thúc giục ông chủ Nhà Trắng xem xét lại.

Về phía cộng đồng quốc tế, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom lấy làm tiếc về quyết định của ông Trump, song hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục hào phóng như trong quá khứ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định giờ “không phải lúc để cắt giảm nguồn tiền cho các hoạt động của WHO, hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống virus”, cho rằng giờ không phải là lúc để truy cứu trách nhiệm.

EU “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ, trong khi Bắc Kinh kêu gọi Washington thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế một cách thiết thực, hỗ trợ WHO.

Kiểu cũ, thời mới

Có một vài chi tiết đáng chú ý trong quyết định của ông Donald Trump.

Như vậy, ông Trump cho thấy ông vẫn theo đuổi cách tiếp cận cũ, công kích đối tượng mà ông cho là chịu trách nhiệm để hướng sự chú ý của cử tri khỏi thực trạng khó khăn hiện nay. Trung Quốc và giờ đây là WHO là nạn nhân của cách tiếp cận này. Điều này lý giải giọng điệu gay gắt mà ông dành cho hai đối tượng trên, dù phần nhiều cáo buộc trong số này không có nhiều cơ sở.

Quan trọng hơn, ông duy trì lập trường theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, cho rằng các tổ chức hay thỏa thuận đa phương không mang lại hiệu quả, lợi ích cho Mỹ và do đó, rút khỏi các cơ chế này nhằm tiết kiệm nguồn lực là cần thiết.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Khí hậu Paris (COP-21), Hiệp định Thượng mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), giờ đây là WHO đã minh chứng cho thực tế ấy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi JCPOA ngày 8/5/2018. (Nguồn: AP)

Hệ quả khôn lường

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang chuyển mình sang một giai đoạn then chốt, đòi hỏi tất cả chung sức đồng lòng chống lại kẻ thù nhân loại, virus SARS-CoV-2. Việc cường quốc hàng đầu thế giới duy trì cách tiếp cận cũ trong giai đoạn mới sẽ khiến loài người nói chung và nước Mỹ nói riêng chịu tổn thất nghiêm trọng.

Thứ nhất, việc mất 15% ngân sách sẽ giới hạn hoạt động của WHO và khiến nỗ lực kiểm soát đại dịch toàn cầu khó khăn hơn. Bản thân WHO có tiềm lực và tầm ảnh hưởng hạn chế, với ngân sách của WHO ở mức 2,5 tỷ USD và không thay đổi nhiều trong ba thập kỷ trở lại đây. Con số này chỉ tương đương với một bệnh viện cỡ lớn của Mỹ và không đủ để đáp ứng nhu cầu y tế toàn cầu.

WHO cũng không có tiếng nói trong chính sách phòng dịch quốc gia, khi đại diện tổ chức này đã rất vất vả trong tiếp cận vùng dịch Vũ Hán, thu thập thông tin cần thiết. Như vậy, động thái của Mỹ khiến nỗ lực điều phối của WHO nói riêng và chống dịch của thế giới nói chung khó càng khó.

Thứ hai, quyết định trên sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới công tác chống dịch của Mỹ. Việc cắt giảm ngân sách tài trợ cho WHO có thể làm nguôi lòng một bộ phận người Mỹ giận dữ với phản ứng ban đầu của WHO trước đại dịch song về lâu dài, nó hẳn sẽ khiến họ tiếc nuối.

Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới và một phần không nhỏ ngân sách, nỗ lực điều phối của WHO là để hỗ trợ xứ cờ hoa dập dịch. Việc cắt giảm tài trợ cho WHO vì thế chẳng khác gì ông Trump “tự bắn vào chân mình”.

Thứ ba, quyết định này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tái cử của ông Donald Trump. Sau khi lạc nhịp giai đoạn đầu chống dịch, ông đã trở lại ấn tượng khi triển khai một số chính sách hợp lý nhằm chặn sự lây lan của dịch.

Tuy nhiên, sau phát biểu này, mọi chuyện có thể rất khác. Cắt nguồn ngân sách cho WHO sẽ cản trở nỗ lực hỗ trợ công tác chống dịch toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng. Bất chấp những lời trấn an từ Nhà Trắng, chưa có gì đảm bảo Mỹ đã qua đỉnh dịch.

Thêm vào đó, ông Trump đã chưa thể tận dụng cơ hội này để cải thiện tỷ lệ ủng hộ. Cụ thể, theo số liệu của hãng thống kê Morning Consult, lãnh đạo các nước phương Tây đã tận dụng thành công cơ hội này để cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri: Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tăng 8%, Thủ tướng Anh Boris Johnson 14% và Thủ tướng Canada Justin Trudeau là 18%.

Biểu đồ của The Economist cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông Trump không tăng nhiều và ổn định trong khủng hoảng như các lãnh đạo tiền nhiệm. (Nguồn: The Economist)

So với những người tiền nhiệm, ông Trump cũng yếu thế hơn. Cụ thể, 5 sự kiện thảm họa, mang tính bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ là trận Trân Châu Cảng năm 1941, khủng hoảng con tin tại Iran năm 1979, khởi đầu Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, sự kiện 11/9/2001 hay cuộc tấn công Iraq năm 2003 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ thường tăng vọt ngay sau cuộc khủng hoảng và duy trì trong vòng 2 tháng tiếp theo trước khi trở lại mức bình thường sau một năm.

Trong khi đó, hiệu ứng này dưới thời ông Trump chỉ kéo dài 26 ngày và đang có dấu hiệu tan dần sau 2 tháng.

Kết quả khảo sát do The EconomistYouGov cùng tiến hành, công bố ngày 15/4 cho thấy ông Trump giành được 43% sự ủng hộ, so với 48% của ứng cử viên Tổng thống duy nhất của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đáng chú ý, ông Biden nhận được 79% lá phiếu của cử tri da màu và 44% người gốc Tây Ban Nha, trong khi con số của ông Trump chỉ là 13% và 40%. Ưu thế của ông Trump đến từ tỷ lệ ủng hộ của cử tri da trắng, 49% so với 43% của ông Biden.

Như vậy, việc ngưng tài trợ cho WHO rõ ràng là bước đi lợi bất cập hại và sẽ mang lại nhiều hệ quả khó lường đối với thế giới nói chung và nước Mỹ cùng Tổng thống Donald Trump nói riêng.