Quan hệ Nga-Trung sau cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vừa qua đã có bước tiến lớn, song còn vướng nhiều rào cản. (Nguồn: Sputnik) |
Điểm yếu về kinh tế
Trước hết, một mối quan hệ “đồng minh” bền vững cần được xây dựng không chỉ dựa trên nền tảng chính trị, mà còn được vun đắp thông qua liên kết về kinh tế. Tuy nhiên, trong khi khía cạnh chính trị của mối quan hệ Nga-Trung ngày càng cải thiện, các liên kết kinh tế lại đang tụt hậu.
Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm liên kết Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) với Liên minh Kinh tế Á-Âu của Moscow không có nhiều tiến triển. Đồng thời, thương mại song phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh cấm vận từ phương Tây. Kể từ khi Nga sát nhập Crimea, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã liên tục sụt giảm, từ 90 tỷ USD trong năm 2014 xuống dự kiến còn 64 tỷ USD trong năm tới.
Liên kết kinh tế song phương sẽ còn lung lay hơn khi Bắc Kinh, trong nỗ lực theo đuổi cam kết chống biến đổi khí hậu, ưu tiên sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo thay vì dầu thô, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga sang Trung Quốc.
Trong khi khía cạnh chính trị của mối quan hệ Nga-Trung ngày càng cải thiện, các liên kết kinh tế lại đang tụt hậu. |
Thêm vào đó, thời gian gần đây, Bắc Kinh cho thấy năng lực sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng càng mạnh mẽ, thể hiện qua việc tự đóng thành công tàu sân bay Sơn Đông và tiếp tục nâng cấp tiêm kích J-15, từ máy bay chiến đấu thế hệ 4 lên thế hệ 4+. Điều này sẽ tác động đáng kể tới các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Moscow sang Bắc Kinh.
Ngoài ra, khí tài Trung Quốc với giá cả phải chăng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Thái Lan, Pakistan, Bangladesh hay Algeria, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của công nghiệp quốc phòng Nga, vốn là một nguồn thu quan trọng trong cơ cấu kinh tế của xứ bạch dương.
Trung Quốc ý thức rõ được thực trạng này. Do đó, danh sách đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “hai bên cần thực hiện Lộ trình phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao”. Điều này không hề đơn giản, nhất là khi Nga vẫn đặt hợp tác kinh tế với Trung Quốc xếp sau các chủ đề chiến lược và địa chính trị quan trọng hơn.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác sâu rộng trong phát triển công nghệ và công nghiệp quân sự. Đặc biệt, Bắc Kinh và Moscow kêu gọi sử dụng nhiều hơn các đồng tiền quốc gia trong thương mại quốc tế, trước những lo ngại về sự bấp bênh xung quanh đồng USD, cũng như giảm thiểu khả năng Washington sử dụng đồng tiền này để hạn chế các giao dịch.
Tuy nhiên, cả Nga lẫn Trung Quốc không thể đảm bảo rằng giao dịch song phương sẽ an toàn một khi Mỹ và châu Âu đẩy mạnh trừng phạt xứ bạch dương vì Ukraine.
Mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Kiev khiến Bắc Kinh gặp khó trong tình hình hiện nay tại Ukraine - Ảnh: Tuyến tàu chở hàng hóa giữa Trung Quốc và Ukraine. (Nguồn: 112 International) |
Khác biệt về mục tiêu
Ngay cả trong lĩnh vực chính trị, Nga và Trung Quốc cũng có không ít khác biệt.
Đầu tiên, Nga vẫn đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ và Đông Nam Á, vốn vẫn tồn tại tranh chấp về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc. Báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS) Mỹ cho thấy kể từ năm 2010, New Delhi chiếm tới 1/3 tổng sản lượng vũ khí xuất khẩu của Moscow trên toàn cầu. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng của vũ khí Nga.
Đồng thời, trong vấn đề Biển Đông và biên giới Trung-Ấn, Nga vẫn giữ thái độ trung lập, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Quan điểm này giúp Moscow giữ được quan hệ với New Delhi và các đối tác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song chắc chắn không thể khiến Bắc Kinh hài lòng.
Đáp lại, Trung Quốc cố gắng duy trì thái độ trung lập trong căng thẳng tại Ukraine. Đây là điều dễ hiểu, bởi Kiev có vai trò chiến lược và kinh tế đặc quan trọng với Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng là khách hàng mua thiết bị quân sự quan trọng của Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2016-2020, Bắc Kinh mua tới 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Kiev. Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự sản xuất cũng được phát triển dựa trên tàu Liêu Ninh, vốn là tàu sân bay chưa hoàn thiện của Ukraine từ thời Liên Xô.
Đáp lại, Trung Quốc cố gắng duy trì thái độ trung lập trong căng thẳng tại Ukraine. Đây là điều dễ hiểu, bởi Kiev có vai trò chiến lược và kinh tế đặc quan trọng với Bắc Kinh. |
Quan trọng hơn, nằm ở phía Bắc Biển Đen, Ukraine là hành lang thương mại quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông và một tâm điểm trong BRI của Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Năm 2020, một tuyến tàu chở hàng đã được mở giữa hai nước. Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Fan Xiaorong khẳng định các công ty nước này “ngày càng sẵn sàng” khám phá cơ hội đầu tư trong chế biến thực phẩm, xây dựng cảng, sản xuất phụ tùng xe hơi và vaccine ở Ukraine.
Thực tế này đặt Trung Quốc vào thế khó khi phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế từ Ukraine và liên kết chính trị với Nga. Tuyên bố chung sau thượng đỉnh giữa ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình phản ánh rõ điều này.
Dù thể hiện lập trường phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông châu Âu, song văn bản này lại không đề cập trực tiếp tới tên Ukraine và chỉ nói về “một số người chơi… đơn phương sử dụng vũ lực… trong giải quyết các vấn đề quốc tế”.
Tất nhiên, nhận định này nhằm ám chỉ Mỹ bổ sung lực lượng hỗ trợ Ukraine tại biên giới với Nga, song trong bối cảnh khác, nó hoàn toàn có thể được dùng để nói về các cuộc tập trận gần đây của Moscow ở khu vực này.
Vì thế, dù thượng đỉnh vừa qua tại Bắc Kinh đã chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực, song có thể nói quan hệ Nga-Trung vẫn chỉ dừng ở mức “trên tình bạn, dưới tình yêu” mà thôi.