📞

Hậu Brexit: Nỗi buồn “đảo ngọc” Ireland

22:05 | 05/07/2016
Việc Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hai miền “đảo ngọc” Ireland.

Những rào chắn và tháp canh quân sự, kéo dài gần 500km ngăn cách Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, được xem là một trong những biểu tượng rõ nét nhất cho cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia này. Tuy nhiên, kể từ Hiệp định hòa bình Thứ sáu tốt lành (Good Friday) được ký kết năm 1998, đường biên giới nói trên không còn mang nhiều ý nghĩa, ngoại trừ sự khác nhau về đơn vị tiền tệ (Bảng Anh – Euro) và đơn vị độ dài (dặm – km). Hoạt động giao lưu của người dân Cộng hòa Ireland và vùng Bắc Ireland ngày càng phát triển và gắn kết, qua đó khiến cho vấn đề tái thống nhất Ireland ít được quan tâm.

Một tháp canh ở biên giới Cộng hòa Ireland - Bắc Ireland. (Nguồn: Magnum)

Tuy nhiên, việc người dân Anh mới đây quyết định rời EU đang đặt hai miền Ireland vào tương lai khó khăn. Người dân Ireland lo lắng rằng đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland có thể được thiết lập trở lại, thậm chí còn gắt gao hơn trước đây. Bởi lẽ, một khi Anh hoàn toàn tách khỏi EU, vương quốc này sẽ chỉ còn một tuyến đường bộ nối với Liên minh qua eo biển Manche. Nếu Anh thắt chặt kiểm soát việc nhập cư, như phe ủng hộ Brexit từng tuyên bố, các chốt kiểm tra an ninh và hải quan chắc chắn sẽ được tăng cường.

Thủ tướng Cộng hòa Ireland Enda Kenny từng cho rằng, việc Anh rời EU là một “chấn động chính trị”. Chính phủ của ông Kenny đã ủng hộ cho chiến dịch vận động người Anh bỏ phiếu ở lại liên minh. Hiện nay, thay vì chỉ trích Anh hay dự đoán những tác động của Brexit, Chính phủ Ireland đang tìm cách duy trì sự mở cửa biên giới với Bắc Ireland.

Ông Kenny mong đợi rằng, khi đàm phán Anh – EU bắt đầu, những mâu thuẫn giữa tự do thương mại và hạn chế nhập cư có thể được giải quyết êm thấm, tạo điều kiện cho việc duy trì tự do đi lại trong liên minh. Trong bối cảnh đó, ông Kenny không muốn Anh nhanh chóng rời EU là bởi chính khách Ireland này đang muốn tranh thủ thêm thời gian để hòa giải hai bên.

Bản đồ Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland. (Nguồn: BBC)

Giới chuyên gia cho rằng, một khi Brexit xảy ra, nền kinh tế của Ireland sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Những ngày vừa qua, thị trường Ireland rơi vào hỗn loạn, khi chỉ số cổ phiếu Iseq rớt điểm mạnh chỉ trong vòng hai ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh hôm 23/6. Mặc dù 34% lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Ireland là đến Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), song xuất khẩu đến Anh cũng chiếm đến 16%. Đáng chú ý, một khi Ireland vẫn nằm trong EU, nước này không thể chủ động ký kết cũng như triển khai một thỏa thuận tự do thương mại song phương với Anh.

Kể từ ngày có kết quả trưng cầu dân ý ở Anh (24/6) đến nay, số người Anh nộp hồ sơ xin hộ chiếu Ireland không ngừng tăng cao. Theo luật, người Anh có thể xin cấp hộ chiếu Ireland nếu họ được sinh ra ở nước này, hoặc có bố mẹ, ông bà là người Ireland. Khi Anh quốc và Ireland còn ở trong “mái nhà chung” EU, chẳng mấy ai bận tâm làm chuyện nói trên. Thế nhưng hiện nay, hình ảnh những công dân Anh chen chúc nhau tại Đại sứ quán Ireland ở London để xin cấp hộ chiếu báo hiệu sự chia rẽ đang đến gần.

(theo The Economist)