Nhỏ Bình thường Lớn

Hậu Thượng đỉnh Bộ tứ: Những điểm nhấn chưa được gọi tên

TGVN. Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ (Quad) ngày 12/3 có nhiều cái đầu tiên: Họp lần đầu tiên, lần đầu tiên của Tổng thống Joe Biden, lần đầu tiên ra tuyên bố chung… Dư luận quan tâm, nhìn nhận khác nhau cũng là chuyện thường. Quan trọng là hành động của các bên.
Thượng đỉnh Bộ tứ lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/3. (Nguồn: AFP)
Thượng đỉnh Bộ tứ lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/3 thu hút sự quan tâm lớn trong dư luận quốc tế. (Nguồn: AFP)

Bước thể chế hóa quan trọng

Trước ngày 12/3, thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ, có những bài viết giật tít khá mạnh: Hội nghị Thượng đỉnh mở ra bước ngoặt lịch sử, chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, ngày Trung Quốc lo sợ đã đến…! Không ít người tin như vậy.

Nhưng hội nghị kết thúc, đưa ra tuyên bố chung, thì góc nhìn của chuyên gia, học giả, truyền thông đa sắc hơn. “Nói có sách, mách có chứng”. Muốn rõ đậm nhạt, cũ, mới, phải xem Bộ tứ bàn gì, tuyên bố gì?

Bộ tứ tiếp tục khẳng định tầm nhìn và vai trò như lời mở đầu của Tổng thống Joe Biden: Một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thiết yếu đối với tương lai của mỗi chúng ta.

Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố Bộ tứ đã chín muồi, là trụ cột quan trọng cho sự ổn định của khu vực. Thủ tướng Australia đồng tình: Khi các chính phủ xích lại gần nhau ở cấp độ cao nhất, cấp độ hợp tác hoàn toàn mới, nhằm tạo ra “một mỏ neo mới” cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

“Tinh thần của Bộ tứ” (tiêu đề Tuyên bố chung) là cam kết “tăng cường hợp tác của chúng ta về những thách thức xác định của thời đại chúng ta”, hành động mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các “thách thức thời đại” được Bộ Tứ xác định bao gồm suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, đại dịch, an ninh hàng hải, an ninh chuỗi cung ứng, cung cấp sản phẩm công nghệ cao, hành vi thay đổi nguyên trạng khu vực và các vấn đề khác.

Thách thức lớn đòi hỏi hợp tác rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, sản xuất vaccine, đến duy trì an ninh, trật tự khu vực dựa trên luật pháp.

Tổng thống Joe Biden cam kết hợp tác với tất cả các đồng minh, đối tác trong khu vực để đạt được sự ổn định.

Bộ tứ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn ASEAN đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; duy trì trật tự, tự do, an ninh hàng hải ở Biển Đông, Biển Hoa Đông dựa trên pháp luật, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chấm dứt bạo lực, khôi phục nền dân chủ ở Myanmar…

Không chỉ thảo luận, ra tuyên bố, Bộ Tứ còn có các thỏa thuận quan trọng. Đáng kể là hợp tác sản xuất 1 tỷ liều vaccine cho khu vực, nhằm đối trọng với chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc.

Công nghệ của hãng Johnson&Johnson, Mỹ, Nhật Bản cung cấp tài chính, Ấn Độ sản xuất, Australia vận chuyển. Thỏa thuận thành lập Nhóm biến đổi khí hậu và hợp tác chuỗi cung cấp công nghệ, sản phẩm công nghệ cao của Bộ tứ và đồng minh.

Chốt lại, Bộ tứ thể chế hóa một bước quan trọng, chính thức quyết định duy trì họp thường niên cấp cao, thường xuyên cấp chuyên gia và Hội nghị Thượng đỉnh lần hai họp trực tiếp vào cuối năm 2021.

Đa chiều dư luận

Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ đã trao đổi, thỏa thuận nhiều vấn đề quan trọng, đúng với tính chất thượng đỉnh, lần đầu tiên cho một quá trình, dưới ngọn cờ mới. Hậu hội nghị, dư luận dành sự chú ý và bình luận đa chiều, theo các trạng thái khác nhau. Những điểm đáng chú ý là:

Các thành viên Bộ Tứ đều va chạm trực tiếp với Trung Quốc, trên diễn đàn, trong hoạt động, trên nhiều lĩnh vực và nhiều lần phản đối. (Nguồn: Washington Times)
Các thành viên Bộ tứ đều va chạm trực tiếp với Trung Quốc, trên diễn đàn, trong hoạt động, trên nhiều lĩnh vực và nhiều lần phản đối. (Nguồn: Washington Times)

Thứ nhất, Bộ tứ tuyên bố không tập trung vào một đối thủ cụ thể nào! Không có tuyên bố nào chỉ đích danh Trung Quốc.

Nói vậy mà không hẳn vậy. Tổng thống Joe Biden đã xác định: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”. Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời của Mỹ và phát biểu của Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 3/3 nêu rõ: Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kủ XXI mà Mỹ phải đối phó.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và mở rộng. Các thành viên Bộ Tứ đều va chạm trực tiếp với Trung Quốc, trên diễn đàn, trong hoạt động, trên nhiều lĩnh vực và nhiều lần phản đối.

Không chỉ đích danh, nhưng đều hiểu là nhằm vào ai và thách thức từ Trung Quốc vẫn là vấn đề nóng.

Sự trỗi dậy cứng rắn của Trung Quốc, nhất là hành vi thay đổi nguyên trạng vẫn là mối lo ngại và là “chất keo” gắn kết Bộ tứ. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Đối đầu căng thẳng sẽ thúc đẩy Trung Quốc phản ứng cứng rắn hơn. Đòn kinh tế có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Cách tiếp cận theo Ngoại trưởng Mỹ là: “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và thù địch khi buộc phải như vậy. Trước đây thường nói “kiềm chế Trung Quốc”, nay dùng nhiều cụm từ “đối trọng”. “Kiềm chế” và “đối trọng” không đối lập, nhưng sắc thái có phần khác nhau. Như vậy, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là cách tiếp cận.

Thứ hai, dự báo Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên có thể nâng Bộ Tứ thành cơ chế chính thức về quân sự, là “NATO châu Á” không xảy ra. Phải chăng tính quân sự, “sức mạnh cứng” của Bộ Tứ hiện nay nhạt hơn?

Chính thức hóa cơ chế đối thoại thành “NATO châu Á” dễ gây phản ứng trái chiều, chưa hẳn trùng khớp với ý định của các thành viên Bộ Tứ và khó thu hút, mở rộng đối tác, đồng minh.

Các thỏa thuận ký kết tay đôi, tay ba về hỗ trợ hậu cần, tiếp cận dịch vụ, thông tin, trao đổi tình báo, lực lượng đồn trú… giữa các thành viên Bộ Tứ và đồng minh vẫn nguyên giá trị. Diễn tập quân sự Bộ tứ mở rộng tiếp tục tiến hành với mật độ dày hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Mỹ có kế hoạch làm việc với đồng nghiệp ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai các thỏa thuận, biện pháp đã thống nhất.

Như vậy, Bộ Tứ vẫn duy trì sức mạnh quân sự cần thiết ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ xác nhận: Chúng ta sẽ hành xử với Trung Quốc từ vị thế đầy sức mạnh. Ở đây là sức mạnh tổng hợp của các đồng minh, đối tác, trên nhiều lĩnh vực, biện pháp quân sự không phải là ưu tiên, duy nhất.

Thứ ba, phản ứng của Trung Quốc. Trước Hội nghị, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố Bộ Ttứ là liên minh quân sự chống Trung Quốc, gây bất ổn, chia rẽ ở khu vực. Trung Quốc liên tục tổ chức diễn tập quân sự, tiến hành nhiều hoạt động cảnh báo thành viên, đối tác, đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết sẵn sàng duy trì liên lạc với Nga về các mối quan hệ tương ứng với Mỹ để bảo vệ tốt hơn các lợi ích chiến lược và sự phát triển của 2 nước. Sau Tuyên bố chung của Bộ tứ, học giả quốc tế và Trung Quốc bình luận “Bắc Kinh thở phào”!

Thứ tư, nhiều học giả, chuyên gia cho rằng mục đích, bản chất của Bộ tứ không thay đổi, tiếp tục “hoàn thiện chiến lược đối phó với Trung Quốc” và gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Nhưng cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, tinh thần “tự do và rộng mở” bao trùm hơn, tạo cho Bộ tứ bộ mặt dễ hấp dẫn, có thể liên kết, kết nối đồng minh, đối tác rộng hơn, nâng cao mức độ hợp tác và có nhiều biện pháp để xử lý hiệu quả hơn quan hệ giữa Mỹ, đồng minh với Trung Quốc.

Thứ năm, cũng không ít ý kiến cho rằng Bộ tứ “nói cứng” về Trung Quốc nhưng “thiếu mục đích và định nghĩa”. Hội nghị, diễn tập quân sự, FONOPs mang tính biểu tượng, không làm Trung Quốc từ bỏ hành vi cứng rắn. Bộ tứ cần phải chứng minh bằng hành động thực tế, hiệu quả hơn.

Thứ sáu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình tại khu vực, trong đó có chính sách đối ngoại của các nước lớn.

Việt Nam mong rằng các nước tiếp tục đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.

Đó có thể xem là tiêu chí đánh giá, được nhiều nước đồng tình.

Vĩ thanh

Ý nghĩa của một sự kiện được đánh giá bởi bối cảnh, chủ thể, phạm vi, đặc biệt là nội dung và tác động của nó đối với thế giới, khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ lần đầu tiên cũng vậy. Cùng một sự kiện nhưng góc nhìn khác nhau là điều bình thường.

Hành động của Bộ tứ, Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác đều vì lợi ích của chính họ. Tận dụng mặt thuận lợi, tranh thủ sự hợp tác của các nước lớn là cần thiết, là bản lĩnh. Nhưng kỳ vọng họ gánh vác, giải quyết vấn đề của mình là sai lầm.

Các nhà chính trị, chiến lược thường không bộc lộ hết ý định và muốn một mũi tên nhắm nhiều đích. Người cao cờ thường tính nhiều nước. Lần đầu tiên quan trọng nhưng cũng vẫn là bước khởi đầu. Tình hình thế giới, khu vực hậu Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ thế nào, còn phải chờ xem hành động của tất cả các bên.

TIN LIÊN QUAN
Thượng đỉnh Bộ tứ: Những lý do không được tuyên bố
Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ: Trung Quốc cảnh báo, tuyên bố chung 'Tinh thần Bộ tứ' có gì?
Thượng đỉnh Bộ tứ đầu tiên sẽ bàn về những vấn đề lớn nào?
Thượng đỉnh Bộ tứ - Bước ngoặt cho quan hệ Ấn-Mỹ
Bộ tứ cùng Pháp, UAE tổ chức tập trận hải quân, mục đích là gì?

Vũ Đăng Minh