Mở đầu, tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi là các nhà phân tích, học giả, nhà báo, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Làm việc và hoạt động trong nhiều lĩnh vực với năng lực chuyên môn khác nhau, chúng tôi đã tham gia vào việc nghiên cứu, giảng dạy và báo cáo về chính sách đối ngoại Indonesia".
Danh sách các học giả đã ký vào tuyên bố tính đến ngày 27/7: 1. Evan A. Laksmana, Nhà nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Jakarta. 2. Tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar, Ban Thư ký của Phó Chủ tịch và đồng sáng lập của Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI), Jakarta. 3. René L Pattiradjawane, Nhà báo, Nhật báo Kompas và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Jakarta. 4. Alexander R Arifianto, tiến sĩ, Nhà nghiên cứu, Chương trình Indonesia, Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược, Singapore. 5. Alexander C. Chandra, Thành viên của Trung tâm Habibie, Jakarta. 6. Yohanes Sulaiman, Giảng viên, Đại học Jendral Achmad Yani, Bandung. 7. Beni Sukadis, nhà phân tích an ninh quốc gia tại Lesperssi, Jakarta. 8. Heru Prama Yuda, Thạc sĩ, nhà phân tích chính sách đối ngoại, Jakarta. 9. Fitriani, Peneliti / Nhà nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc phòng An ninh (IDSPS), Jakarta. 10. Mutti Anggitta, học giả Quan hệ Quốc tế , Jakarta. 11. Iqra Anugerah, Nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị, Đại học Bắc Illinois, Mỹ. 12. Ristian Atriandi Supriyanto, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Trung tâm Quốc phòng, Canberra. 13. Wirya Adiwena, Nhà nghiên cứu, Trung tâm Habibie, Jakarta. 14. Muhamad Arif, Nhà nghiên cứu, Chương trình Nghiên cứu ASEAN, Trung tâm Habibie, Jakarta. 15. Anton Aliabbas, Giảng viên Quan hệ Quốc tế, Jakarta. 16. Janet Dyah Ekawati Gibson, Đồng sáng lập & Tư vấn cao cấp, Srikandi Adhirajasa Nayyotama (SAN), Tập đoàn Tư vấn Ngôn ngữ quân sự và quốc phòng, Jakarta. 17. Angguntari C. Sari, Giảng viên, Đại học Công giáo Parahyangan, Bandung. 18. Curie Maharani, Trường Đại học Bina Nusantara, Jakarta. 19. Riefqi Muna, Tiến sĩ, Nhóm Nghiên cứu ASEAN (ARG), Trung tâm Nghiên cứu Chính trị, Indonesia Viện Khoa học, Jakarta. Danh sách vẫn tiếp tục cập nhật. |
Các chuyên gia về đối ngoại này khẳng định, họ là đại diện cho cộng đồng nghiên cứu chiến lược luôn tin tưởng vào chính sách ngoại giao độc lập và chủ động của chính phủ Indonesia giúp phục vụ lợi ích quốc gia, trong đó có việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, duy trì sự tự chủ chiến lược của Indonesia trước những can thiệp từ bên ngoài, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc khu vực giúp nâng cao sự thịnh vượng và an ninh chung.
Chính vì lẽ đó, các học giả đã theo dõi sát sao phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 (với Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) đóng vai trò là ban thư ký). Tòa Trọng tài đã ra phán quyết ủng hộ với phần lớn các khiếu nại pháp lý của Philippines đối với các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuyên bố nêu rõ: "Với sự thách thức và bác bỏ của Trung Quốc đối với quá trình tố tụng và phán quyết của Tòa Trọng tài, chúng tôi cảm thấy buộc phải đưa ra các tuyên bố sau:
1. Phán quyết Tòa Trọng tài là một bước tiến trong cộng đồng các quốc gia tôn trọng quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ và hỗ trợ làm rõ phán quyết trong các khía cạnh liên quan đến UNCLOS – nền tảng cho hòa bình giải quyết các tranh chấp và kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi cũng lưu ý rằng phán quyết của Tòa - tương tự như quan điểm bấy lâu nay của Indonesia, rằng yêu sách “đường chín đoạn” (được quốc gia tuyên bố yêu sách này viện dẫn “quyền lịch sử”) là đi ngược lại UNCLOS 1982.
2. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về những tuyên bố được các quan chức Trung Quốc đưa ra với ngụ ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài, bằng cách nào đó, đã bị bôi bẩn (tainted) và chỉ là con số không hoặc vô hiệu; bên cạnh đó là việc Bắc Kinh sẵn sàng xem xét việc tuyên bố thành lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quan điểm của chúng tôi là việc gạt bỏ luật pháp quốc tế – đặc biệt là UNCLOS 1982 và thủ tục tố tụng của nó – trong khi đó lại ngang ngược gia tăng căng thẳng khu vực không phải là hành vi có trách nhiệm mà chúng tôi mong đợi từ một đối tác chiến lược của Indonesia và một thành viên đáng kính của cộng đồng khu vực chúng ta.
3. Chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả các bên về tầm quan trọng của ASEAN và các chế định của nó, đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á về việc từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác ngoài khu vực như Trung Quốc, Mỹ là các bên ký kết. TAC là một trong những nền tảng chiến lược cho tất cả các công cụ duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực, bao gồm cả khuôn khổ hợp tác ASEAN – Trung Quốc đang được tiến hành để hoàn thiện bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
4. Chúng tôi nhận thức được vai trò nổi bật đang suy giảm của ASEAN cũng như việc Hiệp hội đang dần bị đứng ngoài công tác kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông. Tình hình này có thể sẽ tồi tệ hơn khi mà phán quyết Tòa Trọng tài chỉ có thể mang lại một chút sự tự tin vào vai trò trung tâm của tổ chức. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng đánh giá rằng, về lâu dài, ASEAN và các các chế định của nó đang đại diện cho khuôn khổ khu vực tốt nhất để duy trì và tăng cường không gian chiến lược cần thiết giúp kiềm chế hòa bình các căng thẳng – điều kiện tiên quyết cho bất kỳ vòng đàm phán hòa bình nào.
5. Theo ý kiến của chúng tôi, việc tái lập vai trò dẫn dắt của Indonesia là chìa khóa để hồi sinh vai trò trung tâm của ASEAN trong quản lý khu vực Biển Đông. Do đó, ngoài việc ủng hộ quan điểm chung của Bộ Ngoại giao Indonesia về duy trì hòa bình sau phán quyết của Tòa trọng tài, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Joko Widodo đóng vai trò lãnh đạo một cách chủ động, nhất quán và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề Biển Đông của ASEAN. Thời điểm sau phán quyết của Tòa Trọng tài là cơ hội để Indonesia thể hiện cam kết của mình nhằm hướng đến một trât tự quốc tế dựa trên luật lệ và một cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt.
6. Việc tái lập vai trò lãnh đạo của Indonesia trong việc kiểm soát tình hình Biển Đông của ASEAN là quan điểm nhất quán và sẽ củng cố cho tầm nhìn Hàng hải Toàn cầu Fulcrum của Tổng thống Widodo. Do đó, chúng tôi đề nghị chính phủ Indonesia cần xem xét bước đi trước mắt, thực tế, chủ động và có hiệu quả. Tuy nhiên, bất kỳ bước đi thực tế nào để tái lập vai trò trung tâm của ASEAN có thể không được thực hiện nếu không có một cam kết chân thành của tất cả các bên để chứng minh sự kiềm chế và giảm bớt căng thẳng dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài.
7. Do đó, Indonesia cần phải làm rõ rằng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, cũng như tổng thể mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc không nên bị nhấn chìm hay chỉ được xác định bởi vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Indonesia nên xem xét những hoạt động hợp tác thiết thực mới giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật, an toàn trên biển, bảo vệ tài nguyên – hệ sinh thái biển trong khu vực.
Chúng ta không nên quên rằng một chính sách ngoại giao độc lập và chủ động “không cho phép Indonesia đứng ngoài nhìn cuộc khủng hoảng chiến lược trong khu vực của mình”. Thực tế, các vế “chủ động” của học thuyết “tự do và chủ động” (bebas aktif) của Indonesia buộc chúng ta có sự lãnh đạo và đóng góp cần thiết cho hòa bình khu vực.
Đây là niềm hy vọng chân thành của chúng tôi và hy vọng rằng chính phủ Indonesia có thể thực sự nghiêm túc xem xét những đề nghị này trong vấn đề Biển Đông.