Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp cấp cao ba bên ở La Hay, ngày 25/3. |
Diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Hạt nhân và Hội nghị G7, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực Âu, Á đang có nhiều biến động, cuộc gặp cấp cao ba bên Mỹ - Nhật - Hàn được cho là một hành động nhằm củng cố liên minh tay ba và tăng cường phối hợp trong nhiều vấn đề.
Củng cố liên minh
Có thể nói Hội nghị cấp cao Mỹ - Nhật - Hàn không chỉ là nỗ lực hòa giải của Mỹ, mà còn là sự nhượng bộ lẫn nhau của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan hệ Nhật - Hàn đã bị đóng băng hơn một năm qua kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên cầm quyền và tỏ thái độ cứng rắn liên quan đến vấn đề lịch sử trong Thế chiến II và tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc.
Mặc dù luôn kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc gác vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ sang một bên để thúc đẩy quan hệ đối tác, Mỹ thường tránh làm trung gian hòa giải giữa hai đồng minh châu Á này. Nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực Đông Á đang có nhiều diễn biến phức tạp, rạn nứt kéo dài trong quan hệ Nhật - Hàn đang có nguy cơ làm ảnh hướng đến liên minh của Mỹ ở Đông Bắc Á, cũng như Chiến lược Tái cân bằng châu Á của Washington nên Mỹ buộc phải can thiệp. Trong bối cảnh Mỹ đang phải gặp phải những khó khăn về tài chính, sự đoàn kết giữa ba đồng minh là quan trọng hơn bao giờ hết để đối phó với nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như chương trình hạt nhân và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, leo thang tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á.
Về phía Nhật Bản, dù chính sách Abenomics đã đạt được thành công bước đầu trong việc phục hồi kinh tế cũng như nâng cấp quan hệ của Nhật với các nước ASEAN, Nhật Bản vẫn gần như bị cô lập về ngoại giao ở Đông Bắc Á do các vấn đề lịch sử và những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và Hàn Quốc… Với những hạn chế đó, chính quyền Abe cố gắng thể hiện Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Seoul, kể cả Bắc Kinh, ngay trước chuyến thăm Nhật Bản của Obama vào tháng 4 tới. Đó là lý do gần đây chính quyền Abe hoãn lại tuyên bố kết quả của việc thẩm định sách giáo khoa có nội dung biện minh cho những tội ác của Nhật trong Thế chiến II và tôn trọng Tuyên bố Kono về việc xin lỗi nhân dân các nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc, về những tội ác của Phát xít Nhật trong Thế chiến II.
Đối với Hàn Quốc, dù "thắng lợi" bước đầu trong việc ép Nhật Bản thừa nhận các tội ác chiến tranh, nước này cũng đang ở vị thế ngày càng khó khăn do sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc Seoul đứng về phía phương Tây lên án Nga sáp nhập Crimea đã khiến Hàn Quốc phải từ bỏ giấc mơ làm sâu sắc các mối quan hệ chiến lược với Nga. Chính vì vậy Hàn Quốc rất cần tranh thủ Mỹ, đặc biệt là trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới nước này vào tháng 4 tới.
Thống nhất hành động
Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, nội dung của Hội nghị cấp cao Mỹ - Nhật - Hàn là không mới. Bắt nhịp theo chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần này là "sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình và không phổ biến vũ khí hạt nhân", lãnh đạo ba nước đã thảo luận sâu rộng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trước các vụ thử bắn tên lửa liên tiếp nhiều ngày qua của Triều Tiên, thậm chí ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã cùng tái khẳng định "các hành động khiêu khích và đe dọa của Triều Tiên sẽ bị phối hợp đáp trả".
Liên quan đến việc cải thiện quan hệ Nhật - Hàn, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định "đây là bước đi đầu tiên cho việc hợp tác tương lai giữa hai nước", trong khi Tổng thống Park Geun-hye cho rằng "Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra các tín hiệu rõ ràng và có các biện pháp để khôi phục lòng tin". Đồng thời, Tổng thống Park cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản xin lỗi là chắc chắn nhưng câu hỏi đặt ra là "Các hành động đó nghiêm túc ra sao?" Điều đó cho thấy về thực chất nỗ lực hòa giải giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ chỉ có kết quả hạn chế khi kết thúc Hội nghị, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra kế hoạch cho cuộc gặp cấp cao tiếp theo.
Với nhiều nội dung không mới và kết quả không quá đột phá của cuộc gặp, có thể thấy Hội nghị cấp cao Mỹ - Nhật - Hàn lần này mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn thực chất. Trong bối cảnh tình hình Đông Á chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, Hội nghị là cơ hội để ba quốc gia đồng minh chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn luôn đoàn kết và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.
Nguyễn Văn Bình
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao