Ngày 1/7/1997, Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Thoát khỏi chế độ thuộc địa kéo dài 1,5 thế kỷ, Hong Kong bước vào chặng đường mới nhiều rủi ro và bất trắc trong sự tồn tại và phát triển. Hiệp định Trung - Anh ký giữa ông Đặng Tiểu Bình và bà Magareth Thatcher năm 1984 quy định Hong Kong sẽ có hiến pháp riêng, tự chủ nội chính theo nguyên tắc “nhất quốc, lưỡng thể” (một quốc gia, hai chế độ), trong khi Trung Quốc đảm trách lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao.
Nhiều thành tựu lớn
Mô hình "nhất quốc, lưỡng thể" đã chứng tỏ đúng đắn và giàu sức sống. Phương thức này là một mô thức chính trị-xã hội sáng tạo vô tiền khoáng hậu, tạo điều kiện cho Hong Kong duy trì chế độ tự chủ cao, mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa tự do nhất trên thế giới, lối sống của người dân được phát huy và hệ thống pháp lý được duy trì. Người dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do và dân chủ cao. Hong Kong trong nhiều năm qua đứng đầu trong Bảng Chỉ số Tự do Công dân (Human Freedom Index) và thứ hạng về chế độ pháp quyền tăng từ mức 60 năm 1996 lên mức 11 năm 2015.
Lễ trao trả Hong Kong về Trung Quốc, ngày 1/7/1997. (Nguồn: Reuters) |
20 năm đi lên trong khuôn khổ "nhất quốc, lưỡng thể", Hong Kong đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ quyền con người, cải thiện hệ thống tư pháp. Với khoảng 7,34 triệu dân sinh sống trên diện tích hơn 1.000 km2, Hong Kong có tổng sản lượng quốc dân trên 330 tỷ USD, thu nhập tính theo đầu người 43.700 USD năm 2016 (đứng thứ 5 trên thế giới), dự trữ ngoại hối tính đến tháng 3/2017 đạt 120,2 tỷ USD. Là một nền kinh tế mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Cũng trong 2 thập kỷ qua, Hong Kong đã vượt qua 4 cuộc khủng hoảng lớn là Khủng hoảng tài chính châu Á (1997), đại dịch SARS (2003), Khủng hoảng tài chính thế giới (2008) và Phong trào chiếm Trung Hoàn tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên kéo dài 79 ngày năm 2014. Hong Kong vượt qua những giai đoạn khó khăn này một cách thật sự ngoạn mục, hầu như không bị suy suyển gì.
Kể từ khi “chia tay” Anh, kinh tế Hong Kong vẫn tăng trưởng mạnh và tiếp tục là nền kinh tế mở, có sức cạnh tranh lớn trên thế giới. Hong Kong vẫn là điểm du lịch và thị trường mua sắm hàng đầu thế giới, mỗi năm đón khoảng 60 triệu khách du lịch. So với trước khi được chuyển giao, Hong Kong cũng tốt lên nhiều về mặt ổn định chính trị, hiệu quả quản lý nhà nước, an ninh xã hội, chế độ pháp quyền, kiểm soát tham nhũng, minh bạch trách nhiệm chính quyền. Ngoài ra, Hong Kong cũng tự hào về những thành tựu to lớn của mình trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các chính sách xã hội, các chính sách trợ giúp người yếm thế.
Đứng trước cơ hội vàng
Quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc ngày càng gắn bó sâu sắc. Trung Quốc Đại lục là nguồn đầu tư lớn thứ 2 từ bên ngoài và thị trường xuất khẩu số 1 của Hong Kong. Ngược lại, Hong Kong là nguồn đầu tư số 1, đối tác thương mại lớn thứ 2 của Đại lục và là trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất của các doanh nghiệp Đại lục. Đặc khu cũng đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và mở cửa các thị trường tài chính của Đại lục.
Ngày 29/6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hong Kong để dự Lễ kỷ niệm 20 năm Đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc. Tại đây, ông Tập đã gặp Trưởng Đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga). (Nguồn: Reuters) |
Sự phát triển tốt đẹp vừa qua của Hong Kong có được chủ yếu nhờ vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ để thế giới làm ăn với Trung Quốc cũng như để Trung Quốc gắn với thế giới. Hong Kong vì thế luôn đi đầu trong các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Ngày nay, Hong Kong được coi là mắt xích trọng yếu, một "siêu bán dẫn" trong việc thực hiện chiến lược "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Đặc biệt, Hong Kong đóng vai trò là một nguồn tài chính lớn kết hợp với kinh nghiệm quản lý cao thúc đẩy các dự án hợp tác với các nước nằm dọc "Con đường tơ lụa trên biển" thế kỷ 21, nhất là các nước Đông Nam Á. Ngày càng gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Hong Kong đứng trước cơ hội vàng để củng cố vị trí là trung tâm tài chính số 1 ở châu Á, tiếp tục cải thiện đời sống dân sinh.
Từ khi thoát khỏi chế độ thuộc địa, Hong Kong cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư với Việt Nam. Tính đến cuối năm 2016, giới doanh nhân Hong Kong đã đầu tư vào hơn 1.100 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn lũy kế đạt khoảng 17,6 tỷ USD. Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Hong Kong với kim ngạch thương mại đạt 16,3 tỷ USD. Việt Nam cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn với người Hong Kong, hằng ngày có 15 chuyến bay từ Hong Kong đi các Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Năm 2016, khách du lịch Hong Kong đến Việt Nam đạt trên 100.000 lượt, tăng hai lần so với năm 2015.
Nhìn lại tình hình Hong Kong và tâm tư của người Hong Kong trong những năm trước khi chia tay nước Anh, ta mới có thể nhận thức hết được ý nghĩa to lớn của tình hình chính trị-xã hội và sự thịnh vượng của Hong Kong hôm nay. Kỷ niệm 20 năm về với Tổ quốc, Hong Kong đã ghi một dấu ấn trọng đại trong lịch sử phát triển của mình và bước vào cuộc hành trình mới, hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn nữa.