Tin tức về lực lượng khủng bố Hồi giáo đốt nhà thờ tại miền Nam Philippines, bắt giữ một linh mục cùng vài giáo dân và công khai chém đầu một cảnh sát địa phương đã gợi nhớ cách mà Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trong các ngôi làng Thiên Chúa giáo 3 năm trước.
Không nên áp đặt thiết quân luật
Để cứu vãn tình hình, đích thân Thị trưởng Marawi đã yêu cầu quân đội không ném bom xuống thành phố này, nơi có khoảng 200.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, đang sinh sống. Đức Giám mục Edwin De la Pena cũng cho biết phía Giáo hội hy vọng có thể đàm phán với những kẻ khủng bố về việc thả con tin, đồng thời cũng cho biết rằng trong một vài tháng trước, nhà thờ cũng từng nhận được nhiều lời đe dọa.
Dẫu vậy, những nỗ lực này dường như không thành công và buộc Tổng thống Duterte ban bố thiết quân luật trên toàn hòn đảo, ngay sau khi rút ngắn chuyến thăm Nga để trở về Philippines.
Tuy nhiên, chuyên gia về khủng bố Tom Smith lại cho rằng cách tốt nhất để đối phó với vấn đề này không phải là áp đặt thiết quân luật như ông Duterte đang làm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố thiết quân luật trên đảo Mindanao. |
Ông Smith, chuyên gia về các hoạt động khủng bố tại Đông Nam Á, giảng viên quan hệ quốc tế (Đại học Portsmouth - Anh) đã thảo luận về mối liên hệ giữa nhóm chiến binh Maute với IS trong vụ tấn công thị trấn Marawi trên đảo Mindanao vừa qua. Theo ông Smith, có lẽ sẽ tốt hơn nếu quân đội dành thời gian triệt tiêu gốc rễ của vấn đề, thay vì tập trung vào việc áp dụng thiết quân luật của Tổng thống Duterte.
Truyền cảm hứng từ IS
Ông Smith cho biết nhóm Maute, do một cặp anh em lãnh đạo, được thành lập 2 năm trước và là một phần nhỏ tách ra từ lực lượng ly khai Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Nói về lịch sử của nhóm chiến binh này, ông cho biết thêm: "Chúng dường như đang học tập cách thức của nhóm Abu Sayyaf khi liên tục thực hiện các vụ tấn công dã man, bắt cóc người nước ngoài và đòi tiền chuộc". Anh em nhà Maute thường hoạt động ở những khu làng tỉnh lẻ, gây ra hỗn loạn trong một vài ngày rồi sau đó rời đi. Tuy nhiên, liệu lực lượng này có thực sự là một bộ phận của IS hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Theo ông Smith, "cùng với Abu Sayyaf và một vài nhóm khác, Maute đang tỏ ra gắn bó mật thiết với với IS… nhưng rõ ràng họ không phải là IS''. Ông cũng cho biết: "Những kẻ này có nguồn gốc địa phương nhưng chúng đang sử dụng lá cờ đen của IS để có thể đòi được nhiều tiền chuộc hơn của các gia đình có thân nhân bị bắt cóc".
Lực lượng khủng bố Maute treo cờ IS. (Nguồn: ABS-CBN) |
Vị chuyên gia của Đại học Portsmouth cũng tin rằng không ai có thể xác minh liệu bất kỳ thành viên nào của nhóm đã đến Syria và khẳng định: "Các hoạt động của tổ chức này không có sự phối hợp hay kiểm soát từ trung tâm IS, cũng như chuyển nhượng quỹ hay thu nhập và đào tạo. Điều duy nhất tôi có thể nói là chúng được truyền cảm hứng từ những hoạt động của IS".
Ông Smith cũng chỉ ra rằng quân đội Philippines, với kinh nghiệm đối phó nhiều năm với những nhóm như vậy, đã bác bỏ những liên kết của nhóm này với al-Qaeda hay IS, đồng thời kết luận rằng Maute chỉ là một lực lượng khủng bố địa phương. Tuy nhiên, việc thế giới và cả Tổng thống Duterte đều tin rằng nhóm này là một phần của IS có lẽ đã là một thành công ngoài sức tưởng tượng cho anh em nhà Maute.