Câu hỏi thứ nhất dễ trả lời về mặt lý thuyết. Tăng cường kết nối sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí thương mại. Nhưng trong thực tế, câu hỏi cần đặt ra là các kết nối hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ thúc đẩy thương mại phát triển như thế nào. Tình hình hiện nay cho thấy, tăng kết nối sẽ giúp các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia hay Thái Lan tăng xuất khẩu hàng nông sản và khoáng sản sang Trung Quốc. Nhưng không có bằng chứng cho thấy hệ thống hạ tầng này sẽ làm gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp FDI tại các nước này nhiều hơn giao thông đường biển.
(Ảnh minh họa: mt.gov.vn) |
Hơn nữa, việc đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng cứng (như đường xá, năng lượng …) không có nhiều ý nghĩa nếu kết nối hạ tầng mềm (như hài hòa hóa thủ tục hải quan, chia sẻ thông tin…). Người Nhật từng phải thốt lên: ngay cả khi rút ngắn được tuyến vận chuyển hàng hóa bằng cách xây tuyến đường nối từ Bangkok qua Vientiane đến Quảng Trị, điều này không giúp tiết kiệm được thời gian bởi thủ tục hải quan của mỗi nước quá khác biệt và chậm trễ.
Đối với câu hỏi thứ hai, điểm dễ nhận thấy là hệ thống hạ tầng giao thông trên bộ của Việt Nam hiện nay là kết nối Bắc - Nam theo hình chữ Y. Các kết nối Đông Tây hoặc không có vốn để triển khai, hoặc ít được bàn tới. Tây Ninh là cửa ngõ quan trọng nối toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đông Nam Á. Khai thông được tuyến đường từ Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh có thể tạo sức sống cho cảng Cái Mép - Thị Vải đang bị lãng phí. Cảng nước sâu Tam Dương (Hà Tĩnh) với các kết nối cắt ngang Việt Nam sang Lào sẽ là một tính toán thiếu thận trọng về an ninh chiến lược.
Cuối cùng, Việt Nam đã luôn tìm cách đa dạng hóa việc huy động vốn, nhưng cũng có thể cần đa dạng hóa cả kỹ thuật và thiết bị sử dụng trong các dự án kết nối hạ tầng. Đối với Việt Nam, điều quan trọng là cần đưa các quy định về điều kiện môi trường vào trong từng dự án cụ thể. Tác động của việc môi trường bị hủy hoại không đòi hỏi các chi phí trực tiếp để phục hồi môi trường nguyên trạng mà còn tạo các chi phí gián tiếp lớn hơn nhiều - nó có thể ảnh hưởng sinh kế của người dân tại khu vực đó.
Với nhu cầu lớn về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, với sự xuất hiện của hàng loạt sáng kiến về kết nối, rõ ràng điều Việt Nam cần quan tâm là làm sao tối ưu hóa các lợi ích từ kết nối không chỉ trong lãnh thổ mà còn từ các kết nối xuyên quốc gia. Nếu Tiểu vùng sông Mekong là trái tim của địa thể Đông Nam Á, Việt Nam có thể đang nằm ở vị trí trung tâm của trái tim này. Đó là tài sản lớn nhất mà Việt Nam không được phung phí từ việc đầu tư không có tính chiến lược dài hơi 30-50 năm cho hoạt động kết nối.