TIN LIÊN QUAN | |
Giá dầu giảm thê thảm, cựu Thủ tướng Nga nghi ngờ nguyên nhân | |
Lao dốc lịch sử, giá dầu dưới 0 USD/thùng, Tổng thống Trump tranh thủ cơ hội |
Giá dầu chạm mức âm lần đầu tiên trong lịch sử sàn giao dịch New York (NYMEX) tại Mỹ ngày 20/4. (Nguồn: SPE.org) |
Ngày 20/4 sẽ đi vào lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5 giảm còn -40,32 USD/thùng; giá dầu giao tháng 6 giảm 10% còn 22,54% USD mỗi thùng, giao tháng 7 giảm 5%, còn 28 USD mỗi thùng. Như vậy, người bán phải trả người mua 40,32 USD mỗi thùng dầu. May mắn thay, tối ngày 20/4 trên thị trường New York, giá dầu giao tháng 5 đã tăng nhẹ, đạt 1,1 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm còn 26,13 USD/thùng.
Theo CNN, đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm và thấp nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983. Tại sao giá dầu lại sụt giảm mạnh mẽ đến vậy?
Cuộc chiến giá dầu và Covid-19
Đầu tiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 buộc nhiều chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm, cách ly xã hội, với hơn 1/3 dân số thế giới đang ở trong tình trạng khuyến cáo về hạn chế đi lại, làm gián đoạn hoạt động kinh tê và đình trệ các tuyến vận tải thương mại. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới hậu Covid-19 là không khả quan.
Điều này đã tạo ra cú sốc về nhu cầu chưa từng có ở các thị trường năng lượng, trong khi nguồn cung chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông Steve Pucket, Chủ tịch điều hành công ty chuyên tư vấn năng lượng TRI-ZEN International, lưu trữ dầu toàn cầu đang nhanh chóng được lấp đầy, vượt 70% và tiệm cận mức vận hành tối đa. Nguồn cung bỏ xa cầu đã khiến giá dầu giảm mạnh.
Thứ hai, cuộc chiến giá dầu đã khiến tình hình trầm trọng hơn. Bất đồng về giảm sản lượng khai thác để ngăn trượt giá, Saudi Arabia đã làm giá dầu tiếp tục giảm, còn Nga cũng trả đũa bằng cách tăng lượng dầu khai thác và giao hàng ngày. Điều này khiến giá dầu giảm nhanh hơn dự kiến.
Thỏa thuận song phương ngày 9/4 với cam kết cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày được đánh giá là quá muộn và không đủ để ngăn đà giảm sâu của giá dầu. Điều này khiến cả hai quốc gia, với nền kinh tế có tỷ trọng lớn từ xuất khẩu năng lượng, chịu thiệt hại đáng kể.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. So với dầu Brent sản xuất tại Biển Bắc, WTI được khai thác trong lục địa Mỹ. Yếu tố về địa hình khiến dầu Brent dễ tiếp cận các tàu chở dầu hơn, vốn ngày một khan hiếm trong bối cảnh ngành vận tải đình trệ. Nói cách khác, dầu Brent tuy giá cao hơn nhưng chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn nhiều so với dầu WTI. Đây là yếu tố then chốt, giữ cho dầu Brent không giảm sâu, song lại đẩy ngành năng lượng Mỹ vào thế khó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau khi giá dầu đạt mức âm ngày 20/4. (Nguồn: Reuters) |
Có nhưng khó
Giải pháp cho tình trạng hiện nay là có, song không dễ để thực hiện.
Đầu tiên, các quốc gia cần hạn chế sự lây lan, kiểm soát diễn biến dịch Covid-19 càng sớm càng tốt, khẩn trương nối lại hoạt động của nền kinh tế và vận tải. Tuy nhiên, ngày 21/4, số ca nhiễm tại Mỹ đã đạt mức 792.074, với 42.483 người tử vong. Tây Ban Nha, Italy và Pháp cũng trong tình trạng tương tự. Do đó, điều này khó thành hiện thực trong thời gian ngắn. Ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt và nền kinh tế hoạt động lại, giá dầu sẽ mất thời gian dài để phục hồi.
Thứ hai, Chính phủ Mỹ có thể xem xét trợ cấp cho doanh nghiệp ngành năng lượng qua cơn khó này. Tổng thống Donald Trump có mối quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo cấp cao các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ. Phát biểu sau khi giá dầu hạ xuống mức âm, ông nhận định thực trạng này chỉ là ngắn hạn và xem xét nhập thêm 75 triệu thùng dầu vào Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia, đồng thời ngưng nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia để đẩy giá dầu lên cao.
Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng. Đầu tiên, nó sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ Saudi Arabia – Mỹ, vốn được vun đắp dưới thời ông Donald Trump và Thái tử Mohammed Bin Salman. Thêm vào đó, nó có thể không hiệu quả, khi từ lâu Mỹ đã giảm nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia.
Thứ ba, Washington có thể xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp ngành năng lượng thông qua việc xây dựng mạng lưới vận tải ngắn hạn, tăng cường hoạt động trung chuyển dầu. Giải pháp này có hạn chế tác động ngắn hạn, song sẽ tiêu tốn ngân sách không hề nhỏ, trong khi nước Mỹ đang tập trung toàn bộ sức lực vào công tác hạn chế lây lan và kiểm soát dịch Covid-19.
Thứ tư, các nhà khai thác dầu của Mỹ cần giảm mạnh sản lượng khai thác dầu hơn, nhằm đẩy giá dầu lên. Đây là biện pháp khả thi nhất ở thời điểm hiện tại, khi nó phụ thuộc vào sự điều chỉnh của doanh nghiệp mà không đòi hỏi sự hỗ trợ về chính sách hay tài chính từ Chính phủ.
Tuy nhiên, các kho dự trữ dầu Mỹ đang ùn ứ, trong khi chi phí từ việc ngừng khai thác là không hề nhỏ. Theo Reuters, Bộ Năng lượng Mỹ đang trong quá trình cho các công ty dầu khí Mỹ thuê kho chứa 77 triệu thùng trong Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia để giúp doanh nghiệp trữ dầu thương mại.
Về lâu dài, giải pháp duy nhất cho ngành năng lượng Mỹ và thế giới chỉ đến khi dịch Covid-19 chấm dứt và nền kinh tế hoạt động trở lại. Hạn chế lây lan và kiểm soát dịch bệnh vì thế là ưu tiên hàng đầu của cả thế giới và sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng quốc tế.
| Nga và Mỹ nhất trí phối hợp vượt qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ và Covid-19 TGVN. Ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các vấn đề ... |
| OPEC+ 'chốt' cắt giảm sản lượng dầu mỏ 'khủng', Tổng thống Trump lên tiếng ca ngợi TGVN. Ngày 12/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác (OPEC+) đã nhất ... |
| G20 cam kết đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ, Canada 'từ chối' đề cập giảm sản lượng TGVN. Ngày 10/4, các bộ trưởng năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ... |