Một chuỗi các cuộc gặp thượng đỉnh, từ Bàn Môn Điếm tới Tokyo và sắp tới là Singapore, đang tạo động lực mạnh mẽ đưa khu vực Đông Bắc Á tiến tới đối thoại và hòa bình, thay vì duy trì căng thẳng và bất ổn.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Tư, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đồng ý phối hợp với Mỹ và Trung Quốc nhằm kết thúc bảy thập kỷ căng thẳng sau Chiến tranh Triều Tiên và theo đuổi tiến trình “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo này, dù triển vọng này giờ đây vẫn còn khá mơ hồ.
Một tháng sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng thể hiện thiện chí hợp tác trong thượng đỉnh ba bên diễn ra tại Tokyo. Điểm nổi bật trong thượng đỉnh lần này là mối quan hệ ấm dần lên giữa Nhật Bản – Trung Quốc và Nhật Bản – Hàn Quốc, vốn từng bị chi phối bởi những vấn đề nhạy cảm như phụ nữ mua vui và chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong thượng đỉnh ba bên Trung - Nhật - Hàn tại Tokyo ngày 10/5. (Nguồn: Reuters) |
Động lực ban đầu, được kiến tạo từ thượng đỉnh liên Triều, đã được "tiếp sức" bởi Thượng đỉnh ba bên tại Tokyo. Đối thoại và hợp tác đang dần trở thành xu thế tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, liệu dòng chảy này có tiếp tục được duy trì, để mang lại sự ổn định lâu dài cho khu vực nhiều biến động này?
Nó sẽ phụ thuộc không nhỏ vào thăng trầm quan hệ giữa những "người chơi" chính trên "bàn cờ" khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Chính trị: Bắt tay để tồn tại
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều đang phải đối mặt với bất ổn đến từ cạnh tranh thương mại với Washington, mà nguy hiểm là khả năng diễn ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản. Điều này sẽ đòi hỏi chính quyền của Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong vấn đề tự do thương mại.
Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Có tới hơn một nửa hoạt động tại nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản là tại Trung Quốc. Những công ty này nhiều khả năng sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường trù phú này nếu hợp tác kinh tế song phương giữa hai Chính phủ tiếp tục được cải thiện.
Nỗ lực gần đây của phía Trung Quốc nhằm cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc nới hạn ngạch đầu tư của Nhật Bản vào thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tài khoản khác lên mức 200 tỷ Nhân Dân Tệ (tương đương 31,4 tỷ USD), là tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã được hưởng ưu đãi này từ lâu và chưa thể biết được, liệu động thái này có thể hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư từ xứ sở Mặt trời mọc hay không.
Nhiều người cho rằng, Chính phủ Trung Quốc cũng cần xem xét cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tham gia vào Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tại Hải Nam, Trung Quốc, sáng 10/4. (Nguồn: SCMP) |
Thêm vào đó, mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước này và Hàn Quốc, cũng như đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), song vẫn tồn tại nhiều khoảng cách rất lớn. Nhật Bản luôn theo đuổi những chuẩn mực tự do hóa kinh tế cao như giảm thuế nhập khẩu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong khi đó, với RCEP, Trung Quốc muốn điều này diễn ra một cách tuần tự hơn. Giữa những căng thẳng thương mại đang ngày càng lớn, quốc gia có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới này cần thể hiện ý chỉ theo đuổi một chuẩn mực tự do hóa kinh tế cao hơn, duy trì tốc độ phát triển kinh tế bền vững cho chính quốc gia này, cũng như cả thế giới. Tuy nhiên, hiện thực hóa tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn châu Á – Bác Ngao hồi tháng Tư về “tuân thủ luật pháp quốc tế, cải thiện tính minh bạch và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” sẽ không hề đơn giản.
Chính trị: Hợp tác cùng thắng
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển thế giới. Một số chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng, các đồng minh truyền thống của Mỹ khó có thể dựa dẫm vào Washington và Bắc Kinh nên nắm bắt cơ hội này để trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu.
Tuy nhiên, Nhật Bản cho rằng về mặt lợi ích quốc gia, mối quan hệ của Tokyo với Washington không thể bị thay thế bởi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc và ngược lại. Do đó, Nhật Bản cần nỗ lực duy trì và phát triển quan hệ với cả hai quốc gia này.
Liên minh an ninh Nhật – Mỹ khiến cho quan hệ giữa Washington và Tokyo ổn định và bền vững hơn nhiều so với quan hệ Trung – Nhật. Chỉ khi lãnh đạo hai bên có ý chí mạnh mẽ hơn thì Nhật Bản và Trung Quốc mới có thể cải thiện được quan hệ, sau 40 năm “sáng nắng, chiều mưa” kể từ sau Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật – Trung.
Một số chuyên gia cho rằng xu thế hòa bình này khó có thể được duy trì, đặc biệt là khi nhiều vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh như tranh chấp trên Biển Nhật Bản hay tội ác chiến tranh vẫn chưa được giải quyết.
Chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư là tâm điểm tranh chấp từ lâu giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, quan hệ song phương nào cũng có những song trùng và xung đột về mặt lợi ích. Với tư cách quốc gia láng giềng, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc có một bề dày lịch sử vô cùng phức tạp và khác biệt về quan điểm trong nhiều vấn đề là khó có thể tránh khỏi. Dẫu vậy, tập trung vào số ít điểm gây tranh cãi, thay vì phát triển những mặt tích cực, có thể hủy hoại mối quan hệ vốn đã mong manh này.
Cả Tokyo và Bắc Kinh hiểu rõ điều này và việc ký kết “Cơ chế liên lạc trên không và trên biển” giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, tránh xảy ra đụng độ là một bước tiến vượt bậc trong quan hệ song phương. Trong tương lai, Nhật Bản và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mang lại lợi ích cho cả hai bên, khéo léo giải quyết các vấn đề còn tồn tại có thể đe dọa tới quan hệ chung, như Tuyên bố chung năm 2008.
Nhằm đạt được mục tiêu này, Tokyo và Bắc Kinh phải tăng cường đối thoại ở mọi ngành, mọi cấp, đặc biệt là thông qua các cuộc gặp và trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao. Chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Lý Khắc Cường kể từ khi nhậm chức là một khởi đầu tốt, tạo tiền đề cho chuyến thăm của nguyên thủ hai nước thời gian tới, mở màn cho một kỷ nguyên hòa bình, ổn định và cùng phát triển của Trung – Nhật nói riêng và của Đông Bắc Á nói chung.