Trong chiều dài lịch sử, quan hệ Trung – Nhật chưa bao giờ thực sự bình yên. Xung đột, căng thẳng trong hai cuộc Chiến tranh Thế giới và vết thương thời hậu chiến càng khiến bang giao song phương trắc trở, bất chấp nỗ lực từ các bên.
Tuần này 40 năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tới Tokyo ký kết Hiệp ước Hữu nghị Trung – Nhật, mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Giờ đây, đến lượt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thân chinh tới Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Ngày 24/10, ông cùng đoàn đại biểu đã được tiếp đón bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hữu nghị Trung – Nhật. Ngày 25/10, hai nhà lãnh đạo hội đàm và bàn thảo về mở rộng hợp tác kinh tế tại Trung Quốc và Nhật Bản cũng như nhiều nước khác, đi đến đồng thuận trong hơn 30 dự án cơ sở hạ tầng.
Quá khứ chưa ngủ yên
Trong chuyến thăm 40 năm trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản, từng khẳng định: “Trong tình hình thế giới biến động hiện nay, Bắc Kinh cần xây dựng quan hệ hữu nghị với Tokyo và ngược lại.” Giờ đây, khi đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song Trung Quốc vẫn cần hữu hảo với xứ sở mặt trời mọc nhằm đương đầu với sóng gió đến từ nước Mỹ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Làm thân với “bạn golf” của ông Trump, khơi mở lại tiềm năng từ thị trường lớn thứ hai sẽ giúp Trung Quốc phần nào vượt qua khó khăn trước mắt.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ngày 12/9 vừa qua tại Vladivostok, Nga. (Nguồn: Kyodo) |
Bà Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, lại cho rằng không chỉ Trung Quốc mà cả Nhật Bản cũng đang cảm nhận thấy hơi nóng phả ra từ phía Mỹ trong vấn đề thương mại. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng đại biểu các tập đoàn lớn sẽ tìm kiếm những thỏa thuận và hợp tác thương mại mới với Trung Quốc thay thế cho Mỹ, khi mà chủ nghĩa bảo hộ đang thống trị Washington. Tuy nhiên, nhiệm vụ này là không hề đơn giản khi đây là lần đầu tiên ông Abe chính thức tới Trung Quốc sau 7 năm, giữa bộn bề những khác biệt cần được giải quyết.
Một trong số đó chính là vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc Nhật Bản “quốc hữu hóa” khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc vào năm 2012 đã kéo quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, với biểu tình chống Nhật Bản bùng phát nhiều nơi tại Trung Quốc. Gần đây nhất, Tokyo đã ra thông báo phản đối tàu Trung Quốc đi vào khu vực quần đảo này. Tìm kiếm đồng thuận về chủ quyền lãnh thổ chưa bao giờ là câu chuyện một sớm một chiều và điều duy nhất hai bên có thể làm ở thời điểm hiện tại là tránh các xung đột không cần thiết.
Thêm vào đó, hồi tháng Chín, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (JSMDF) đã tiến hành tập trận tàu ngầm trên Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và tuyên bố quyền chủ quyền. Ngay lập tức, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Nhật Bản cần “thận trọng và không có hành động gây tổn hại hòa bình và ổn định trong khu vực”. Tuy nhiên, với bầu không khí kỷ niệm Hiệp ước Hữu nghị, nhiều khả năng vấn đề này khó được đề cập công khai và song phương sẽ chủ trương không có động thái khiêu khích nào trong thời gian tới.
Tình hình Triều Tiên cũng được thảo luận trong cuộc họp này. Hai bên có thể đồng ý về mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song Nhật Bản có lập trường cứng rắn hơn nhiều so với Trung Quốc và có thể thúc giục Bắc Kinh tác động mạnh mẽ hơn tới Bình Nhưỡng.
Hợp tác vì tương lai
Gạt sang một bên những bất đồng, Trung Quốc và Nhật Bản rõ ràng có lý do để lạc quan về một quan hệ song phương tốt đẹp hơn. Đầu năm nay, quan chức cấp cao của hai bên đã có nhiều chuyến trao đổi, nổi bật là chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn của Nhật Bản. Năm 2017, hơn một phần ba lượng hàng hóa toàn châu Á chảy về Bắc Kinh, tăng hơn 20% so với năm 2016. Tương tự, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc, với giá trị hàng hóa lên tới 137,26 tỷ USD trong năm qua. Con số này dự kiến tiếp tục tăng thời gian tới, đặc biệt là sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo. Giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ là một trong những cách khiến Trung Quốc vượt qua khó khăn trước mắt.
Quan trọng hơn, Nhật Bản đang cho thấy nhiều tín hiệu rằng nước này có thể hợp tác với sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Sự tham dự của Nhật Bản có thể khiến ông Abe nhận được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, vốn mong chờ cơ hội để tiếp cận những thị trường mới, đặc biệt về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Noriyuki Kawamura, giáo sư về quan hệ Trung - Nhật tại Đại học Quan hệ Quốc tế Nagoya cảnh báo nhiều người ủng hộ ông Abe vẫn duy trì lập trường chống Trung Quốc, lo ngại rằng hợp tác với Bắc Kinh có thể khiến quan hệ Tokyo - Washington gặp khó.
Thực tế hiện nay sẽ đòi hỏi nhà lãnh đạo này khéo léo trong cách tiếp cận vấn đề nhằm tìm kiếm điểm đồng lợi ích từ cả hai bên. Tương tự, cải thiện quan hệ với Nhật Bản sẽ là một phương thức để Trung Quốc vượt qua khó khăn đến từ xung đột thương mại với Mỹ. Do đó, chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Thủ tướng Shinzo Abe nhiều khả năng sẽ tạo ra bước khởi đầu mới trong quan hệ song phương.