Tăng cường và giữ vững hiện trạng
Cuốn sách “Những suy ngẫm và những kịch bản tầm nhìn EU-27 đến năm 2025” nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm ra đời Hiệp ước Rome diễn ra cuối tháng 3/2017. Cuốn sách nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng liên tiếp hiện nay, nhất là sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc rời khỏi EU (Brexit) và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trên thực tế, hai sự kiện này có thể gây ra những lo ngại cho tương lai của EU nhưng cũng có thể đem lại những cơ hội mới cho liên minh này. |
Kịch bản thứ nhất có tên gọi “Tăng cường và giữ vững hiện trạng”. Điều này có nghĩa là các nước EU chỉ cam kết tiếp tục theo đuổi những cải cách đang diễn ra mà không tăng đáng kể ngân sách EU, ngoại trừ một số trường hợp cụ thể.
Đây được coi là một kịch bản tương đối tham vọng, bởi có nhiều dự án đang được cân nhắc như tăng cường Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), điều chỉnh chiến lược tài chính (như hướng đến một liên minh ngân hàng, thậm chí liên minh thuế quan), chính sách quốc phòng hay chính sách đối ngoại chung…
Tuy nhiên, kịch bản này cũng làm phát sinh những nguy cơ khủng hoảng trong việc đàm phán những hiệp định thương mại song phương hay nguy cơ bất đồng về chính sách quốc phòng chung. Đối với những vấn đề này, những bất đồng quan điểm sẽ khó có thể tìm được sự đồng thuận.
Không gì khác ngoài thị trường chung
Kịch bản thứ hai là “Không gì khác ngoài thị trường chung”, có nghĩa là khoanh vùng việc xây dựng châu Âu ở khía cạnh kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kịch bản này cũng đánh dấu sự quay trở lại của các quan hệ song phương mà không có sự đồng thuận, đồng nghĩa với việc từ bỏ bản chất "đoàn kết" của EU. Đây được xem là một kịch bản khả thi khi liên minh đối mặt với nguy cơ tan rã.
Tuy nhiên, thiếu vắng sự đoàn kết sẽ làm suy yếu các quốc gia thành viên, suy yếu toàn khu vực châu Âu. Kịch bản này cũng không phải là đáp án cho những thách thức đang được đặt ra đối với người dân châu Âu như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay cuộc chiến chống bất bình đẳng.
Mạnh ai nấy làm
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhiều lần thể hiện quan điểm cứng rắn với Anh về vấn đề nước này rời khỏi EU - Brexit. (Nguồn: Getty) |
Kịch bản thứ ba mang tên “Mạnh ai nấy làm”. Kịch bản này là một giải pháp mang tính linh hoạt. Mỗi quốc gia chỉ tham gia vào những vấn đề hay những dự án mà họ quan tâm. Đây là giải pháp liều lĩnh của EC khi cho rằng mỗi dự án sẽ thu hút các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ở một số dự án, một số quốc gia đóng vai trò như một “hành khách lậu vé”, nghĩa là họ không tham gia nhưng lại hưởng lợi. Điều này có vẻ đúng với tình trạng quốc phòng châu Âu hiện nay.
Đối với những dự án kinh tế hoặc các dự án xã hội thì nguy cơ lại là "bán phá giá". Một số quốc gia lợi dụng việc không tham gia vào dự án để kiếm lời từ việc "tự do" thu hút các doanh nghiệp và những nguồn vốn, gây thiệt hại cho các quốc gia khác tham gia dự án.
Làm ít nhưng hiệu quả
Kịch bản thứ tư là “Làm ít nhưng hiệu quả”. Đây là kịch bản mang tính tái tập trung và cởi mở hơn so với kịch bản thứ hai. Kịch bản này để ngỏ khả năng cho các quốc gia thành viên hay EC thúc đẩy những phương pháp mới trong những lĩnh vực mới như xã hội hay cuộc chiến chống khủng bố.
Với phương án này, EU sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề khẩn cấp hoặc những vấn đề có thể được giải quyết một cách hiệu quả hơn ở cấp độ châu Âu. Phương án này sẽ cho phép thúc đẩy tiến trình đưa ra quyết định và tiếp nhận phản hồi của dư luận cũng như hợp pháp hóa quá trình xây dựng châu Âu, vốn thường xuyên được nhìn nhận là quan liêu.
Tuy nhiên, theo Sách Trắng, EC cần phải “chăm chút” thực sự đến những vấn đề mà các quốc gia thành viên không thể tự mình giải quyết.
Cùng nhau hợp sức
Những người biểu tình phản đối toàn cầu hóa đeo mặt nạ phỏng theo các nhà lãnh đạo G20 tại Hamburg ngày 2/7. (Nguồn: Getty) |
Cuối cùng là kịch bản “Cùng nhau hợp sức nhiều hơn”. Đây được cho là kịch bản "đi trước thời đại" trong bối cảnh hiện nay, khi EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về xây dựng châu Âu từ 28 xuống còn 27 thành viên.
Kịch bản này hướng tới một EU có chân trong tất cả các tổ chức quốc tế lớn, có nền quốc phòng mang tính bổ trợ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một chính sách đối ngoại được củng cố và tăng cường nhờ vào uy tín lớn trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, hỗ trợ phát triển và chính sách nhập cư chung…
Kịch bản nào?
Với một chuỗi sự kiện diễn ra như G7, G20, bầu cử tổng thống Pháp và trong viễn cảnh bầu cử Đức vào tháng 9 tới, việc dự báo tương lai của EU là cần thiết.
Đặc biệt, có nhiều vấn đề đòi hỏi thời gian dài, thậm chí rất lâu mới tìm được sự đồng thuận tại EU. Điều này đặt ra yêu cầu lớn về một sự cải tổ thể chế trong EU nhằm đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Kịch bản thứ ba và kịch bản thứ tư dường như là những kịch bản đang thu hút được sự quan tâm lớn nhất. Tuy nhiên, nếu EU không nhanh chóng thực hiện các dự án của châu Âu trong bối cảnh hiện nay, kịch bản thứ nhất hay thứ hai có thể sẽ cần phải tính tới.