Với chủ đề “Một ASEAN tự cường và đổi mới” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore muốn thể hiện vai trò là một trung tâm kinh tế, sáng tạo hàng đầu ở khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến cạnh tranh gay gắt và sự thu hẹp khoảng cách nhanh chóng giữa các trung tâm quyền lực, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, việc chèo lái ASEAN mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức cho Singapore.
Thể hiện sự khác biệt
Tháng 11/2017, phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và chuyển giao Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 ở Manila (Philippines), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy và duy trì trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc, qua đó giúp ASEAN giải quyết tốt hơn những thách thức an ninh mới nổi như an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN 2018 cho Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tháng 11/2017. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, Singapore sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, góp phần làm cho ASEAN trở nên thịnh vượng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, Singapore sẽ tìm ra những phương pháp sáng tạo trong quản lý và khai thác công nghệ số, nâng cao kỹ năng và năng lực cho người dân nhằm dần thích ứng với nền kinh tế số.
Có thể thấy, Singapore tiếp quản cương vị Chủ tịch ASEAN từ tay Philippines đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp hội khiến trọng trách đối với Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long càng nặng nề hơn. Đây cũng là lần thứ tư Singapore đảm nhiệm vai trò quan trọng này.
Năm 1992, khi lần đầu tiên giữ vai trò chèo lái “con thuyền” ASEAN, Singapore đã đưa ra khái niệm và thời gian biểu cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Đến năm 2000, Singapore xây dựng Kế hoạch hành động nhất thể hóa và ký kết Hiệp định khung e-ASEAN. Năm 2007, Singapore thúc đẩy các quốc gia thành viên ký kết Hiến chương ASEAN, đồng thời ra Tuyên bố về môi trường bền vững nhằm giải quyết vấn nạn môi trường, tạo cơ sở cho kinh tế phát triển bền vững.
TS. Malcolm Cook (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak) nhận định, trong năm 2018, Singapore muốn thể hiện sự khác biệt so với các nước Chủ tịch ASEAN khác, với việc tập trung vào các lĩnh vực mới mẻ như công nghệ số, thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh… Trên thực tế, khi lần thứ hai đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN vào năm 2000, Singapore đã thúc đẩy ASEAN ký kết Hiệp định khung e-ASEAN, đặt cơ sở nền móng đầu tiên cho công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Hiện nay, trình độ công nghệ thông tin của các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được tầm cao nhất định, việc Singapore một lần nữa dẫn dắt thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử càng mang ý nghĩa quan trọng, cả trước mắt cũng như lâu dài.
Chuyển thách thức thành cơ hội
Tuy vậy, theo GS. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), Singapore phải đối mặt với một số thách thức khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2018. Theo ông Thayer, trước tiên Singapore cần tăng cường, hoặc ít nhất là duy trì được sự thống nhất và đoàn kết nội khối để chống lại các tác động từ tình hình chính trị nội bộ của một số nước thành viên, chẳng hạn như Myanmar, Philippines, Campuchia.
Đặc biệt, khi chức Chủ tịch ASEAN được Philippines chuyển giao cho Singapore, các nước trong khu vực mong muốn Singapore có thể tìm ra một cách tiếp cận hiệu quả cho vấn đề Biển Đông. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) nhận định, với khả năng ngoại giao điêu luyện, Singapore sẽ cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự tại các cuộc họp ASEAN.
Thách thức thứ hai, theo GS. Thayer, là Singapore cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực ra bên ngoài Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tăng cường quan hệ kinh tế của ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đẩy mạnh kết nối khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang có nguy cơ bùng phát trở lại như hiện nay, việc khẳng định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tăng cường các hoạt động thương mại nội khối cũng như với các đối tác của ASEAN, duy trì tốc độ tăng trưởng cùng sự bền vững kinh tế của các quốc gia thành viên.
Với những phân tích kể trên, có thể nói Singapore sẽ có một năm bận rộn với nhiều mục tiêu lớn. Dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, với kinh nghiệm của một trong những nước thành viên sáng lập ASEAN và từng nhiều lần đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN, Singapore sẽ chuyển hóa thách thức thành cơ hội để đưa ASEAN tiếp tục phát triển, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho các nước thành viên.