Nhỏ Bình thường Lớn

Bác Hồ: Tổng công trình sư Hội nghị Paris

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã đi trước một bước trong việc lựa chọn, thử thách và bố trí đúng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đồng thời đã dự liệu đúng thời điểm Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, quay lại bàn đàm phán.
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị cán bộ ngoại giao, ngày 16/03/1966.
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao tháng 03/1966.

Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi làm việc với đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Bác Hồ đã chỉ đạo: Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bài học truyền thống về kết hợp đánh với đàm đã được Người vận dụng sáng tạo và phát triển tới đỉnh cao nghệ thuật: Một tay đánh, một tay mở cho Mỹ ra, trước cửa cần có rèm chống. Sau 50 năm, nhìn lại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (từ tháng 05/1968-01/1973), có thêm cơ hội để “ôn cố tri tân”.

Chiến lược cán bộ

Để triển khai chiến lược đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã đi trước một bước trong việc lựa chọn, thử thách và bố trí đúng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngang tầm nhiệm vụ. Năm 1962, đồng chí Nguyễn Thị Bình đã được điều trở lại miền Nam giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia các hoạt động đối ngoại và tới năm 1969 là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Hội nghị Paris. Tháng 04/1963, Bí thư Trung ương Đảng Xuân Thủy đã được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao (tới tháng 03/1965) và từ năm 1968 là Trưởng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán ở Paris.

Sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam tháng 03/1965, ngày 01/04/1965, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã được cử kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao và từ 1968 là Thường trực của “Tiểu ban Việt Nam - CP.50” do Bộ Chính trị quyết định thành lập và trực tiếp lãnh đạo. CP.50 làm công tác nghiên cứu các phương án đấu tranh giúp Bộ Chính trị chỉ đạo đàm phán. Vào nửa cuối tháng 08/1965, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lê Đức Thọ đã được cử dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm Pháp. Trong đoàn có các đồng chí Lưu Văn Lợi và Mai Văn Bộ sau này tham gia hai đoàn đàm phán của ta ở Paris. Mục đích của chuyến thăm của đoàn là vận động dư luận Pháp và dư luận quốc tế lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước.

Một sự trùng hợp - đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí khác đã được tới Paris “tiền trạm” trước khi ta mở mặt trận ngoại giao. Đối ngoại Đảng đã đi trước một bước. Tháng 02/1968, đồng chí Lê Đức Thọ được cử vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (đồng chí đã làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ 1952-1954). Tháng 05/1968, Bác Hồ viết thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí Lê Đức Thọ ra Hà Nội và cuối tháng Sáu sang Paris làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với trọng trách là đại diện toàn quyền của Lãnh đạo Việt Nam đối với tất cả các cơ quan và các phái đoàn chính thức của ta, cũng như các tổ chức thuộc lực lượng kháng chiến hai miền Nam - Bắc Việt Nam tham gia đấu tranh ngoại giao tại Paris.

Người dân cả nước chúc mừng sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Người dân cả nước chúc mừng sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Chủ động mở đầu đàm phán

Để chủ động mở đầu đàm phán thì trước hết phải tìm ra quy luật khách quan đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bác Hồ căn dặn: tư tưởng nhất định phải hợp với quy luật khách quan. Không hợp thì trong lúc thực hành sẽ bị thất bại. Từ những thắng lợi đầu tiên ở Núi Thành và Vạn Tường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng đã đúc kết phương châm quân sự độc đáo “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Nhờ vậy, ta đã tiêu diệt được cả tiểu đoàn Mỹ ở Đất Cuốc tháng 11/1965 và đánh thiệt hại nặng 2 sư đoàn cơ động Mỹ ở Plây-me, Bầu Bàng tháng 10 và 11/1965. Đây là cơ sở thực tiễn quyết định để trong phiên họp bế mạc Hội nghị Trung ương 12 ngày 27/12/1965, Bác Hồ khẳng định: Ta nhất định thắng.

Sau những thắng lợi to lớn tiếp theo trên chiến trường miền Nam trong năm 1966, Hội nghị Trung ương 13 tháng 01/1967 đã ra Nghị quyết Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhưng để tạo thời cơ mở mặt trận ngoại giao thì cần phải có thực lực đủ mạnh. Đáp lại thông điệp thương lượng “kẻ cả” của Mỹ, trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Johnson” ngày 22/03/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn.

“Chiêng có to thì tiếng mới lớn”, Người đã cùng Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam nhằm giáng những đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh. Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất đột ngột ngày 06/07/1967, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng. Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28/12/1967, để quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho chỉ huy các chiến trường: Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; hợp đồng phải thật ăn khớp; bí mật phải thật tuyệt đối; hành động phải thật kiên quyết; cán bộ phải thật gương mẫu.

Thắng lợi to lớn của đợt một Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã làm nhụt ý chí và làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ trên chiến trường. Đêm ngày 31/03/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã buộc phải đơn phương tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt vai trò chiến đấu trực tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam, trao trách nhiệm cho quân đội Sài Gòn, ngừng mọi hành động không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và sẵn sàng cử đại diện đàm phán với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đợt hai được bắt đầu vào đêm mùng 04 rạng sáng ngày 05/05/1968 và tám ngày sau - ngày 13/05/1968, phiên họp công khai đầu tiên giữa đoàn Mỹ với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai mạc tại Hội trường Kléber, Paris.

Trong thư “Gửi chú Ba Duẩn” ngày 10/03/1968 từ Bắc Kinh, Bác Hồ đã đề nghị tổ chức chuyến thăm miền Nam: thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em.... Đợt ba của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân mở màn ngày 17/08/1968. Bốn ngày sau khi ta mở “màn thứ ba”- ngày 21/08/1968, tại Paris, phía Mỹ đã ngỏ ý tiếp xúc cấp cao. Ta chấp nhận. Tới thời điểm này, hai bên đã có 18 phiên họp công khai và 4 cuộc tiếp xúc riêng cấp Phó Đoàn.

Bác Hồ: Tổng công trình sư Hội nghị Paris
Bút tích của Bác Hồ cử đồng chí Lê Đức Thọ đi dự Hội nghị Paris về Việt Nam.

“K.g. B.C.T

B và anh Tô đã bàn và đồng ý đề nghị B.C.T điện cho anh Sáu: “những công việc cần phải thảo luận, thì anh Sáu nên bàn ngay với anh Bảy và các đ/c phụ trách. Thảo luận xong anh Sáu nên về ngay (độ trước tháng 5) để tham gia fái đoàn ta đi gặp đoàn đại biểu Mỹ”.

Chào thân ái và quyết thắng”

Kết thúc đúng dự liệu

Thành công đầu tiên của Đoàn đàm phán ở Paris là đã chủ động kiến nghị Bộ Chính trị điều chỉnh yêu cầu đối với đối phương, nhờ vậy đã tranh thủ thời gian để kịp đi tới thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện vào ngày 31/10/1968 và sau đó tiến hành họp 4 bên vào ngày 25/01/1969. Thắng lợi này có tác động hỗ trợ lớn cho chiến trường miền Nam khi đó đang gặp khó khăn và Bộ Chính trị đã khẳng định: Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong Nghị quyết tháng 04/1969.

Sau khi Bác Hồ mất, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gánh vác trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo kết hợp đánh với đàm. Trong gần ba năm đàm phán, phía Mỹ khăng khăng đòi hai bên phải cùng rút quân. Tới ngày 11/10/1971, trong đề nghị chuyển cho Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ mới không còn nêu vấn đề quân miền Bắc. Trong giai đoạn này, để hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao, ta đã đẩy mạnh tiến công quân sự, làm thất bại cuộc tấn công của địch ở Mỏ Vẹt (Đông Bắc Campuchia) (tháng 04/1970) và làm phá sản cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang đường 9 Nam Lào (tháng 02/1971).

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống R. Nixon vào tháng 02/1972, ngày 22/03/1972, Mỹ đã tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô điều kiện với hy vọng dùng tác động bên ngoài để ép ta. Ngày 30/03/1972, quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 06/04/1972, Mỹ ném bom lại miền Bắc Việt Nam. Tháng 05/1972, Tổng thống Nixon thăm Moscow. Hai lần Mỹ gợi ý Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ có thể tới Bắc Kinh và Moscow để “thảo luận nghiêm chỉnh” với H. Kissinger tháp tùng các chuyến thăm của tổng thống, ta đều nhã nhặn từ chối và buộc Mỹ phải tiếp tục đàm phán trực tiếp với ta ở Paris.

Khi cuộc gặp riêng được nối lại ngày 28/06/1972, Lê Đức Thọ nói thẳng với H. Kissinger: Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi. Năm 1972, ta giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh, Bộ Chính trị quyết định đã tới lúc có thể đi vào giải pháp trong đàm phán Paris trước bầu cử ở Mỹ. Ngày 08/10/1972, trong cuộc gặp riêng, Lê Đức Thọ trao cho H. Kissinger bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon xác nhận: “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31/10/1972 tại Paris. Tuy nhiên, sau đó Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II không kích Hà Nội bằng B52 từ tối ngày 18-30/12/1972 nhằm ép ta ký Hiệp định theo sửa đổi của Mỹ. Nhưng rốt cuộc Mỹ đã thất bại thảm hại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” và buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, quay lại bàn đàm phán đúng như dự liệu của Bác Hồ từ 1967: “Mỹ chỉ chịu thua Việt Nam sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23/01/1973 và được ký chính thức ngày 27/01/1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta đưa ra hồi tháng 10/1972. Với thắng lợi ngoại giao này, tư tưởng chiến lược của Bác Hồ về “đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện để sau đó, ta tiếp tục “đánh cho ngụy nhào” trong Tổng tiến công Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình đàm phán Paris (Bài 2)

Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình đàm phán Paris (Bài 2)

Những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình đàm phán Paris hết sức phong phú và sâu sắc, để lại cho ...

Hiệp định Paris, sự ủng hộ của một cộng đồng mạnh

Hiệp định Paris, sự ủng hộ của một cộng đồng mạnh

Trong những thỏa thuận và những hiệp định quốc tế, chỉ có ngày ký và tên của những người ký là xuất hiện trước lịch ...

Hội nghị và Hiệp định Paris qua những con số

Hội nghị và Hiệp định Paris qua những con số

Hội nghị Paris gồm 2 giai đoạn, kéo dài tổng cộng 4 năm, 8 tháng, 14 ngày.

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ...

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân ...