“Một quốc gia, một lá cờ, một tổ quốc, một chính quyền” - khẩu hiệu của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố như một biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia.
Tuy nhiên, một vài tháng trước khi cuộc đảo chính bất thành nổ ra hôm 15/7, sự đoàn kết ở Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã trở nên rất mong manh khi xung đột gay gắt xảy ra ở phía Đông Nam. Bên cạnh đó, khẩu chiến giữa phe đối lập và chính quyền diễn ra không ngừng và ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều đối với nhà lãnh đạo Erdogan.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường phản đối đảo chính, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Erdogan. (Nguồn: You Tube) |
Tuy nhiên, sự đoàn kết của người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại “le lói” hiện hữu khi hàng chục nghìn người dân và các lãnh đạo phe đối lập đã tập hợp tại một cuộc mít tinh tràn ngập sắc cờ đỏ ở Istanbul hôm 7/8 để bày tỏ sự phẫn nỗ đối với cuộc đảo chính nói trên. Chính sự kiện này đã tạo ra một cơ hội hiếm có đối với chính quyền Ankara để có thể phát huy sức mạnh toàn dân trước nhiều thách thức trong và ngoài nước.
Mặt "lợi" của cuộc đảo chính
Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AFP (Pháp), ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện nghiên cứu Washington, nói: “Người dân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang lo lắng, tức giận và bi quan, song lại đồng lòng ủng hộ ông Erdogan. Trong giai đoạn này, ông Erdogan có thể đóng vai trò là người đoàn kết dân tộc, điều ông chưa làm được nhiều trong quá khứ… hoặc ông có thể quay về với cương lĩnh chính trị gây chia rẽ của mình”.
Ông Ozgur Unluhisarcikli - Giám đốc Văn phòng Quỹ Marshal (Đức) ở Ankara cho rằng, sự phẫn nộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước những hành động của phe đảo chính đã giúp chính quyền có được sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các cuộc trấn áp quy mô lớn và cả việc chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ông nói: “Mặc dù nhiều người e ngại nguy cơ Tổng thống Erdogan lợi dụng nỗ lực đảo chính bất thành để tiếp tục củng cố quyền lực, song sự phẫn nộ đã khiến quần chúng đoàn kết ủng hộ các biện pháp của ông”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: Reuters) |
Nhằm thể hiện thái độ hòa giải, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh rút lại đơn kiện những người bôi nhọ danh dự ông, trong đó có lãnh đạo của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu. Ông Kilicdaroglu từng gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là “nhà độc tài kém cỏi” song lại tham dự và phát biểu trong cuộc mít tinh hôm 7/8 vừa qua. Thậm chí, vị lãnh đạo đảng CHP này và lãnh đạo đảng Phong Trào Quốc gia (MHP) Devlet Bahceli đã được mời đến Phủ Tổng thống để thảo luận với ông Erdogan. Đây là một động thái gây ngạc nhiên lớn bởi chỉ mới vài tuần trước, điều này có thể được coi là không tưởng.
Tính toán của Tổng thống
Trong khi đó, ông Selahattin Demirtas, đồng Chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), đảng chính trị chính của nhóm dân tộc thiểu số người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ, lại không hề được mời đến Phủ Tổng thống hay cuộc mít tinh. Mặc dù HDP có nhiều ghế ở Quốc hội hơn MHP và cũng kịch liệt lên án cuộc đảo chính, song Ankara đã cáo buộc đảng này có mối quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) hiện đang tiến hành một cuộc nổi dậy mãnh mẽ chống lại chính quyền.
Thế giới đang chờ đón một Thổ Nhĩ Kỳ "mới" với sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. (Nguồn: Flickr) |
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài suốt hai năm rưỡi bị phá vỡ vào năm 2015, cho tới nay người ta vẫn chưa thấy có bất kỳ tín hiệu nào của việc khôi phục các cuộc hòa đàm trước đây giữa Ankara và PKK - sự kiện từng làm dấy lên không ít kỳ vọng về một dấu chấm hết cho cuộc xung đột kéo dài suốt 3 thập kỷ qua.
Chuyên gia Cagaptay nói: “Ông Erdogan sẽ đóng vai trò đoàn kết các lực lượng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ HDP và những người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc. Thái độ của ông đối với HDP sẽ chỉ thay đổi sau khi ông có thể đánh bại PKK”.
Trong khi đó, ông Erdogan đang phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc duy trì sự đoàn kết dân tộc nhằm phục vụ những mục tiêu mà ông theo đuổi. Nhiệm kỳ của Tổng thống Erdogan có thể kéo dài tới tận năm 2024 và ông đang lên kế hoạch xây dựng một “Thổ Nhĩ Kỳ mới”, bằng các dự án từ xây dựng đường tàu cao tốc cho đến một kênh đào kiểu Panama ở Istanbul.
Giới quan sát nhận định: Mục tiêu chính trị lớn nhất của ông Erdogan là sửa đổi hiến pháp nhằm thâu tóm thêm quyền lực. Đây là một tham vọng gây ra rất nhiều tranh cãi trước thời điểm diễn ra đảo chính. Ngày 10/8, Tổng Thư ký đảng Công lý và Phát triển (AKP) Abdulhamit Gul cho biết, các cuộc hội đàm với phe đối lập về hiến pháp sẽ bắt đầu từ tuần này. Ông Unluhisarcikli nói: “Sự đoàn kết mong manh hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tan vỡ vào giây phút Tổng thống Erdogan cố tìm cách đạt được mục đích cá nhân của mình”.