Trong nhiều năm nay, bà Irina Bokova lãnh đạo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO). Vốn liếng ngôn ngữ của bà gồm vài thứ tiếng châu Âu, nhưng bà đã học chuyên ngành quan hệ quốc tế ở Moscow, do đó bà nói tiếng Nga rất thành thạo. Điều này, theo đánh giá của tạp chí Le Nouvel Observateur, là tố chất rất quan trọng đối với tân Tổng Thư ký.
Bà Irina Bokova. (Nguồn: Euroactive) |
Tuy nhiên, ứng viên Bokova đang gặp phải sự phản đối lớn từ phía Mỹ. Nhà quan sát viên chính trị Sergei Manukov của tạp chí “Ekspert” cho rằng bà Bokova trở nên không hợp ý Washington từ năm 2011, khi UNESCO do bà lãnh đạo đã lên tiếng công nhận Palestine. Khi đó, Israel và Mỹ thậm chí ngừng đóng góp kinh phí, khiến ngân quỹ của UNESCO giảm gần 22%. Hiện nay, do những năm bà học tập ở Moscow, phương Tây hầu như cho rằng bà Irina Bokova là bạn của ông Vladimir Putin, và chừng đó là đủ để các lãnh đạo phương Tây phản đối việc bầu chọn nữ ứng viên này vào chức vụ lãnh đạo LHQ.
Có thể thấy, Mỹ, Anh đang cố gắng thuyết phục những thành viên khác trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) bỏ phiếu chống lại bà Bokova. Có lẽ điều đó phần nào phát huy tác dụng khi trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bà chỉ đứng ở vị trí thứ ba, mặc dù từ rất lâu trước đó bà Bokova vẫn luôn là nhân vật được yêu thích.
Phương Tây cho rằng bà Bokova là bạn của Tổng thống Nga Putin, do những năm tháng bà học tập ở Moscow. (Nguồn: AFP) |
Ứng viên Bokova quả thực có những lợi thế nổi bật. Nhờ quan hệ tốt với Moscow, bà sẽ dễ dàng hơn tìm ra sự thỏa hiệp giữa các nhóm mâu thuẫn nhau trong HĐBA. Bà cũng có thể gánh vác vai trò tích cực của một chính khách - nhà bảo vệ hoà bình, đủ sức dung hoà những quan điểm đối lập. Tuy nhiên, mọi quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa 5 thành viên thường trực HĐBA, đặc biệt là vai trò của Nhà Trắng và Điện Kremlin.
Những toan tính xung quanh việc bầu chọn Tổng Thư ký LHQ đã dấy lên từ lâu và trong số 12 ứng cử viên quả thực có nhiều người xứng đáng. Nhưng liệu phương Tây có sẵn sàng để trao dây cương quyền lực vào tay một đại diện Đông Âu? Chuyên gia Georgy Toloraya đánh giá: “Cá nhân tôi không mấy tin rằng vị trí Tổng Thư ký LHQ sẽ được trao cho một đại diện của Đông Âu, vì rằng LHQ từ lâu đã trở thành sàn đấu dành riêng cho phương Tây”.