Nhỏ Bình thường Lớn

Malaysia bắt đầu cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông

“Nếu các báo cáo mà Bộ nhận được từ nhiều nguồn khác nhau về việc xây dựng và lắp đặt trang thiết bị quân sự ở Trường Sa là có thật, chúng tôi sẽ buộc phải phản ứng lại Trung Quốc”. 
malaysia bat dau cung ran voi trung quoc tai bien dong
 Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein. (Nguồn: Reuters)

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein khi trả lời phỏng vấn báo chí tại Kuala Lumpur tuần trước. Bộ trưởng Hunssein cho biết, ông có kế hoạch thảo luận với những người đồng cấp từ Australia, Philippines về những hoạt động mang tính “quân sự hoá” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự thay đổi giọng điệu này rất đáng chú ý. Bởi trước đó, vào tháng 8/2013, khi được hỏi về vụ tàu Trung Quốc tuần tra ở bãi Tăng Mẫu (James Shoal), chính vị Bộ trưởng Quốc phòng này đã cho rằng “Trung Quốc có thể tuần tra hàng ngày, nhưng nếu nước này không có ý định tiến hành chiến tranh thì đây chưa phải là quan ngại”.

Không thể ngồi yên

Vậy lý do nào đã thúc đẩy Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia chuyển sang lập trường cứng rắn hơn trước sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông?

Thứ nhất, những hành động ngang nhiên của Trung Quốc đã làm các cơ quan an ninh của Malaysia không thể ngồi yên. Những vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia không còn là một, hai trường hợp cá biệt mà đã trở thành gần như thường xuyên. Trong báo cáo lên Thượng viện, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia, đồng thời phụ trách Cơ quan Thực thi Pháp luật trên Biển (MMEA) Shahidan Kassim cho biết, cơ quan này đã phải tăng cường hoạt động ở khu vực bãi Nam Luconia (cách bờ biển Sarawak 84 hải lý) từ 269 ngày tuần tra năm 2014 lên 345 ngày tuần tra năm 2015. Hai năm qua, Trung Quốc đã triển khai một tàu hải cảnh tại khu vực này.

malaysia bat dau cung ran voi trung quoc tai bien dong

Trung Quốc đã nhiều lần tập trận ở bãi cạn James cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km. (Nguồn: Đất Việt)

Thứ hai, các hành động của Trung Quốc đang ngày càng có những tác động to lớn lên chính trị nội bộ, buộc chính quyền Malaysia không thể làm ngơ, nhất là khi ngày 30/4 tới Malaysia sẽ tiến hành bầu cử bang. Việc các tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục đe doạ, xua đuổi tàu cá Malaysia ra khỏi khu vực bãi Nam Luconia đã tước đi sinh kế của ngư dân nước này. Tháng 12 năm ngoái, 20 đại diện của bang Sarawak đã tổ chức phản đối trước Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Kuching. Chính quyền trung ương và Đảng cầm quyền chắc chắn không muốn bị coi là yếu thế trước Trung Quốc hay hy sinh lợi ích địa phương để đổi lấy những lợi ích trong quan hệ song phương với Trung Quốc, nhất là khi một số lượng lớn ghế trong Quốc hội được phân bổ cho khu vực này.

Thứ ba, có lẽ Malaysia đã nhận ra rằng “thái độ tử tế” với Trung Quốc đã không mang lại kết quả tích cực nào trong vấn đề Biển Đông. Những diễn biến trên thực địa đã cho thấy sự nhẫn nhịn của Malaysia chỉ càng khuyến khích Trung Quốc hung hăng hơn.

Sẵn sàng bảo vệ lợi ích chính trị, an ninh

Với tuyên bố phản ứng lại, Malaysia dường như đang cố gắng lấy lại vị thế trong vấn đề Biển Đông, cũng như gửi tới Trung Quốc thông điệp mạnh mẽ rằng nước này sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực đang tranh chấp. Bộ Quốc phòng Malaysia đang lên kế hoạch lập căn cứ hải quân mới ở Bintulu, Sarawak cùng một lữ đoàn hải quân mới. Đây là những biện pháp nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của Malaysia tại Biển Đông, dù việc này hiện mới chỉ dừng ở mức tuyên bố với tình hình tài chính hiện nay.

Tháng 11/2015, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã lên tiếng cáo buộc một “cường quốc khu vực đã vi phạm vùng biển của Malaysia thông qua việc xây dựng đường băng và các cơ sở khác trên 3 bãi đá chỉ cách Sabah 155km”, và tuyên bố Malaysia sẽ “không ngồi yên” vì cường quốc này đã xâm phạm vào khu vực EEZ của nước này.

Hiện tại, Malaysia chưa bước vào nhóm “chống Trung Quốc” và chắc chắn nước này không bao giờ muốn vậy. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và cả hai bên đều thiệt hại nếu quan hệ thương mại trắc trở. Rõ ràng Malaysia đã bắt đầu có thái độ cứng rắn hơn và ưu tiên hơn cho các lợi ích chiến lược, chính trị thay vì các lợi ích kinh tế của mình.

Hằng Phạm (theo Today)