📞

Mỹ: Chiều hướng chính sách dưới thời Tổng thống thứ 45

21:37 | 14/11/2016
Nước Mỹ sẽ như thế nào dưới thời Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump? Đó là một câu hỏi mở, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu cũng như dư luận trong và ngoài nước Mỹ.

Triển vọng tích cực của kinh tế Mỹ

Kinh tế có lẽ là một trong những lĩnh vực dễ dự đoán nhất khi đề cập tình hình nước Mỹ sau bầu cử. Theo đó, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển khá ổn định, dù không ở mức cao. Với những nền tảng lâu đời của hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng cho đến sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng như việc Mỹ đã vượt lên tự chủ về vấn đề năng lượng, dự kiến kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển khá tích cực.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 10/2016, tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến sẽ ở mức 1,6% và 2,2% lần lượt cho năm 2016 và 2017 (dù có điều chỉnh giảm so với dự báo tháng 7/2016 của IMF). Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục kiềm chế được tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp, song song với việc giữ cán cân thương mại ở mức ổn định.

Bản đồ các nước tham gia TPP. (Nguồn: Reuters)

Điều mà nhiều người dân Mỹ và quốc tế rất quan tâm là triển vọng chưa rõ của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như đối thủ của ông là ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đều đã thể hiện thái độ chưa mặn mà và Quốc hội Mỹ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, dù Chính quyền Mỹ để ngỏ khả năng thông qua Hiệp định trong thời gian tới. Về lâu dài, Mỹ tiếp tục phải có những nỗ lực để điều chỉnh những lỗ hổng trong các luật về đầu tư, tài chính... hay để đơn giản hóa những quy định về thuế vốn có thể làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng cho người Mỹ.

“Nóng” vấn đề nhập cư và bảo hiểm

Nhiều năm qua, và đặc biệt trong kỳ tranh cử Tổng thống lần này, nước Mỹ cũng cho thấy người dân rất quan tâm đến việc Chính quyền sẽ tiếp tục các nỗ lực xử lý hàng loạt các vấn đề xã hội như thế nào. Tổng thống mới của Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề như di dân, giáo dục, bảo hiểm…

Trong khi nhập cư luôn là một động lực thúc đẩy nước Mỹ phát triển đa dạng và năng động, việc tranh cãi xung quanh vấn đề nhập cư bất hợp pháp, từng là một chủ đề nóng trong suốt thời gian tranh cử, sẽ còn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian tới.

Việc đảm bảo duy trì vị thế giáo dục hàng đầu của Mỹ (theo QS - một trong những bảng xếp hạng uy tín, đánh giá khách quan và chính xác về chất lượng đào tạo của các trường đại học trên thế giới, Mỹ hiện đang giữ vị trí danh giá số 1 trong bảng xếp hạng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống giáo dục đại học chất lượng nhất thế giới) và liên quan vấn đề công bằng và chất lượng trong giáo dục phổ thông tiếp tục là những chủ đề có thể gây tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ nhiều năm nữa, bất kể dưới thời Chính quyền nào.

Mỹ vẫn được xem là cường quốc giáo dục số 1 thế giới - Ảnh minh họa: Đại học Harvard, Mỹ. (Nguồn: Alamy)

Ngoài ra, việc phí bảo hiểm theo gói Obamacare dự kiến tăng trung bình 22% trong năm 2017 càng đặt gánh nặng thêm cho Chính quyền Mỹ - vốn đang phải đối mặt với thực trạng là hệ thống bảo hiểm đắt đỏ, mang tiếng còn nhiều lãng phí, quan liêu và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khi so sánh với nhiều quốc gia phát triển khác. Là một quốc gia đứng đầu thế giới về các thành tựu y học, nước Mỹ đang và sẽ tiếp tục phải chịu nhiều áp lực trong vấn đề cải thiện hệ thống chăm sóc y tế cho người dân.

Nền chính trị bị chia rẽ

Tình hình tranh cử và đặc biệt là những tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống vừa qua cho thấy có sự chia rẽ khá đặc biệt trong nền chính trị Mỹ. Trên cơ sở nền chính trị đa nguyên và tự do báo chí, có lẽ nước Mỹ và nhiều người (kể cả các ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống) đã buông lỏng quá mức việc kiểm soát tư tưởng và ngôn luận.

Với sự khuyếch đại của truyền thông, những chuyển động của kỳ bầu cử lần này càng làm cho dư luận nội bộ Mỹ nặng nề hơn. Tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể sẽ phải đối diện với sức ép của những cáo buộc vi phạm pháp luật ở những mức độ nhất định, với căng thẳng trong mối hệ giữa Chính quyền và Quốc hội Mỹ, thậm chí là những nghi ngại từ trong chính Đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Những điều này có thể sẽ làm cho tiến trình hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại gặp khó khăn trong những vấn đề nhất định và tác động tiêu cực đến sức mạnh của nước Mỹ.

Ngay trước thềm bầu cử, nhiều tiểu bang đã phải tăng cường và thắt chặt an ninh hơn nhiều vì những căng thẳng do sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Mỹ gây ra. Những tranh luận trong nội bộ Mỹ về vấn đề kiểm soát súng và đối phó với khủng bố trong và ngoài nước tiếp tục là những quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ. Cuối tháng 6/2016, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã ngồi suốt đêm tại trụ sở Hạ viện Mỹ đòi Quốc hội nước này bỏ phiếu biểu quyết về vấn đề kiểm soát súng.

Chính sách đối ngoại

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống thứ 45, chiều hướng chính sách đối ngoại của Mỹ được cho là sẽ không có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Điều này được một số chuyên gia nhận định dựa trên cơ sở việc triển khai chính sách đối ngoại khá cân bằng của Mỹ trong thời gian qua với hầu hết các khu vực và đối tác trên thế giới, sự phức tạp của một số vấn đề đối ngoại khó có thể có giải pháp lớn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, quan hệ và chính sách của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương vẫn được sự ủng hộ khá mạnh mẽ của nội bộ và các đồng minh, đối tác của Mỹ. Theo đó, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác tích cực với khu vực này theo hướng củng cố các mối quan hệ kinh tế – thương mại để hình thành một khu vực mậu dịch tự do mới, tăng cường sự hiện diện quân sự (trong đó có việc tập trung 60% lực lượng hải quân tại đây vào năm 2020), tiếp tục tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại các tổ chức khu vực...

Nhiều khả năng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. (Nguồn: American Progress)

Với Trung Quốc, có nhiều khả năng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đồng thời thúc đẩy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề của khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng tiếp tục tạo sức ép với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, giảm thâm hụt thương mại song phương (năm 2015 Mỹ thâm hụt gần 370 tỷ USD trong buôn bán với Trung Quốc)...

Chiều hướng chính sách của Mỹ trong việc xử lý vấn đề Biển Đông về cơ bản tiếp tục giữ nguyên, song dự kiến Mỹ có thể có thêm nhiều hơn các hành động trong vấn đề này do những quan ngại về hành vi ngày càng tăng của Trung Quốc và tác động tiêu cực đối với sự phát triển của khu vực cũng như lợi ích của Mỹ và các đối tác.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông có thể chứng kiến sự điều chỉnh chính sách linh hoạt trong quan hệ của Mỹ với một số nước (Israel, Iran...) do những tranh luận dai dẳng trong nội bộ Mỹ về vấn đề này và sự phát triển khá phức tạp của tình hình khu vực.

Triển vọng tích cực của quan hệ Việt – Mỹ

Trong bối cảnh khu vực còn nhiều thay đổi, Việt Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực của quốc tế do có sự ổn định cao về chính trị, một nền kinh tế năng động với hơn 90 triệu dân (trong đó có đến một nửa tổng dân số là dưới 30 tuổi) và rất tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam (năm 2015 đạt 45 tỷ USD) liên tục tăng trưởng khoảng 20%/năm trong cả một thời gian dài (kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 – 2009) và việc hai nước đã hoàn tất việc ký kết Hiệp định TPP cùng 10 quốc gia khác đang là động lực quan trọng nhất cho việc thúc đẩy hợp tác phát triển.

Việc Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam (đi từ bình thường hóa quan hệ đến thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, mở ra các lĩnh vực hợp tác sâu rộng và tôn trọng thể chế chính trị của nhau) đã trải qua một quá trình lâu dài, ổn định và được sự ủng hộ của cả Chính quyền và Quốc hội Mỹ. Xu hướng này sẽ tiếp tục là chiều hướng phát triển của quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam từ 23-25/5/2016. (Nguồn: 24h)

Bên cạnh hợp tác kinh tế – thương mại, dự kiến hợp tác đầu tư trực tiếp (hiện đạt trên 10 tỷ USD), giáo dục (Việt Nam đang có khoảng 20.000 sinh viên theo học tại Mỹ, trường Đại học Fulbright Việt Nam – FUV chính thức có giấy phép thành lập vào tháng 5/2016), khoa học công nghệ, y tế, môi trường, nhân đạo… sẽ là những lĩnh vực có các bước tiến nhanh chóng trong tương lai, nhất là khi TPP có tiến triển thực chất hơn. Hợp tác khu vực liên quan vấn đề Biển Đông và hợp tác quốc phòng song phương và đa phương cũng là những lĩnh vực được hai nước chú trọng trong tiến trình thúc đẩy hợp tác toàn diện trong thời gian tới.

Điểm một số nét liên quan tình hình nước Mỹ sau bầu cử Tổng thống 2016, ta có thể thấy về cơ bản Mỹ sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng hiện nay. Tuy nhiên, khi đi vào một số vấn đề cụ thể, có thể có những thay đổi, điều chỉnh, đặc biệt là việc phải xử lý những phức tạp như chia rẽ trong chính trị nội bộ Mỹ hay điều chỉnh chính sách trong một số vấn đề ở Trung Đông.

Với Việt Nam, có nhiều cơ sở để thấy chiều hướng chính sách của Mỹ sẽ khá ổn định, tạo thuận lợi cho việc hai nước cùng tăng cường và đưa vào chiều sâu nhiều mối quan hệ cụ thể nhằm đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước và sự ổn định, phát triển cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Houston, Mỹ