Mỹ đang trong tình trạng suy yếu tương đối về dài hạn. Tuy nhiên về mặt tuyệt đối, cường quốc số một thế giới này vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và các vùng lãnh thổ khác như châu Phi đang ngày càng phát triển, sức mạnh kinh tế Mỹ sẽ ngày càng thu hẹp, kéo theo sức mạnh quân sự của nước này.
Nền kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ đang bị đe dọa. (Nguồn: Xconomy) |
Nền kinh tế không còn là số 1
Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia đến năm 2050 bởi các chuyên gia, ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn đều có một điểm chung đó là trong tương lai, thế giới sẽ có ba trụ cột kinh tế chính: Trung Quốc, Mỹ và châu Âu – hoặc cũng có thể là 4 nếu Ấn Độ tiếp tục tốc độ phát triển nhanh chóng và bền vững như hiện nay.
Báo cáo “Thế giới năm 2050” của PwC (Anh) cho thấy, Trung Quốc sẽ chiếm 20% GDP toàn cầu, 14% thuộc về Mỹ và Ấn Độ, và gần 12% thuộc về châu Âu (nếu coi toàn bộ châu Âu là một khối) vào năm 2050. Một dự báo năm 2015 của Tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu Economist Intelligence Unit (EIU) cũng đã vẽ nên một bức tranh về nền kinh tế thế giới khá tương đồng. Dự báo cho rằng, “đến năm 2030, ba nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Đến năm 2050, GDP của mỗi nước Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ lớn hơn tổng GDP của 5 nền kinh tế tiếp theo (gồm Indonesia, Đức, Nhật Bản, Brazil và Anh)”.
Sự chênh lệch về quy mô như vậy trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Thật vậy, nếu cộng những con số trong bản báo cáo của PwC có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và châu Âu chiếm đến 60% GDP toàn cầu.
Cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh (Brexit) cùng với sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, dân túy tại châu Âu đã và đang hủy hoại công cuộc thiết lập một siêu cường EU trong nền chính trị thế giới. Châu Âu sẽ trở thành một khối các quốc gia giàu có, thịnh vượng nhưng không đồng nhất mà bao quanh nó là các cường quốc lục địa khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc và có thể có cả Ấn Độ.
Trật tự thế giới trong tương lai vẫn sẽ là đa cực và không đơn giản chỉ là hai hay ba cực. Sự vươn lên của Trung Quốc và Ấn Độ trở thành các cường quốc trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam hay Brazil, phát huy vai trò và theo đuổi những lợi ích riêng của mình.
Cặp quan hệ Mỹ - Trung đã và đang tác động mạnh mẽ đến trật tự thế giới đương đại. (Nguồn: Huffington Post) |
Lịch sử đang lặp lại?
Giai đoạn từ năm 1914 - 2014 có thể được coi là “Kỷ nguyên bá chủ của Mỹ”. Tại một thời điểm trong Chiến tranh thế giới I, GDP của Mỹ đã vượt lên GDP của nước Anh – vốn đang là thế lực hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Một thế kỷ sau, vào năm 2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo GDP của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
Sau một trăm năm tận hưởng những lợi thế vô cùng to lớn về của cải vật chất cũng như quyền lực so với các đối thủ khác, giờ đây với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ cuối cùng đã có thể gặp được một “đối thủ ngang hàng” đích thực.
Mặc dù về thu nhập bình quân trên đầu người của Bắc Kinh vẫn còn thua xa Washington, tuy nhiên Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên ngang giá sức mua (PPP) và là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới – sản xuất 52% TV màu, 75% điện thoại di động và 87% máy tính cá nhân của toàn thế giới. Ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc lớn nhất thế giới, gấp đôi Mỹ về quy mô. Ngoài ra, Trung Quốc còn đứng đầu thế giới về dự trữ ngoại hối. Trong khi Mỹ là đối tác thương mại chính của 76 quốc gia, thì con số của Trung Quốc là 124. Tất nhiên, tiềm lực kinh tế càng lớn thì sức mạnh càng gia tăng, hiện nay Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ trong chi tiêu quốc phòng.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi vượt Anh vào đầu những năm 1900, Mỹ phải đối đầu với một đối thủ, tuy thấp hơn về thu nhập bình quân trên đầu người và thua kém về nhiều mặt, nhưng lại cũng có một nền kinh tế với quy mô ngang bằng với nó. Đây thực sự là một diễn biến chưa từng có. Những đối thủ trước đó của Mỹ như Đức hay Liên Xô dường như không thể nào sánh được với Washington về quy mô cũng cũng như nguồn lực. Các quốc gia khác như Nhật Bản cũng không đủ khả năng để có thể thách thức nền kinh tế cũng như tính ưu việt về tiềm năng quân sự của Mỹ.
Hình minh họa. (Nguồn: E-ir) |
Xu hướng dịch chuyển sức mạnh
Bên cạnh đó, nỗi thất vọng ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Mỹ không chỉ đến từ vấn đề lãnh đạo mà còn xuất phát từ xu hướng dịch chuyển kinh tế và sức mạnh từ Mỹ - châu Âu sang phương Đông.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân gián tiếp, như một tác nhân xúc tác đối với những thất bại của Mỹ trên nhiều mặt. Trung Quốc đã hậu thuẫn Nga đối kháng với Mỹ và các nước đồng minh châu Âu trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Sự khẳng định sức mạnh của Trung Quốc tại Đông Á đã khiến Mỹ xích lại gần hơn với Nhật Bản, để rồi đề xuất một hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) mà không với sự tham gia của nền kinh tế hàng đầu khu vực này - Trung Quốc.
Tuy nhiên, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác đã cùng Trung Quốc thiết lập lên những thể chế, cơ chế quốc tế thế hệ mới mà trong đó Mỹ không thể phát huy quyền bá chủ của mình. Như “thêm dầu vào lửa”, ngay đến cả những đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Đức và Pháp cũng đã phớt lờ yêu cầu đề nghị từ Washington rồi đi đến tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu.
Mức sống tại Mỹ chắc chắn sẽ cao hơn so với tại Trung Quốc và Ấn Độ cho đến tận cuối thế kỷ XXI, hoặc cũng có thể lâu hơn. Nhưng lời an ủi này vẫn chưa đủ. Ngay cả khi chỉ có một phần nhỏ dân số Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng mức sống tại Mỹ thì con số ấy cũng có thể lên tới hàng trăm triệu người. Tuyên bố rằng “nền văn hóa sáng tạo đặc biệt kiểu Mỹ” sẽ luôn là đầu tàu cho sự phát triển công nghệ thế giới dường như đang mâu thuẫn với thực tế tại Thung lũng Silicon, rằng Washington sẽ không thể tiếp tục phát triển, đổi mới nếu thiếu đi số lượng sinh viên và nhân công lành nghề đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.
Phần II: Các siêu cường không bao giờ rút lui - đón đọc lúc 9 giờ ngày 22/9.