📞

Mỹ: Không thể không tiếp tục “xoay trục”?

21:00 | 07/03/2016
Tầm quan trọng về kinh tế và an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là yếu tố khiến Mỹ tiếp tục chiến lược tái cân bằng bất kể ai là người làm chủ Nhà Trắng. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

David Han, chuyên gia nghiên cứu quốc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore khẳng định trong bài viết đăng tải trên Eurasia Review.

Lợi ích kinh tế và an ninh

Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN diễn ra tháng trước ở Sunnylands, California (Mỹ) là minh chứng rõ ràng cho những cam kết của Washington đối với khu vực Đông Nam Á. Mặc dù chưa rõ những cam kết có được duy trì sau khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ hay không, song nhiều người hy vọng sẽ được Tổng thống Mỹ kế nhiệm tiếp tục thực hiện.

Hội nghị Sunnylands mang tính biểu tượng và đầy ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên Washington tổ chức một hội nghị cấp cao với ASEAN trên đất Mỹ. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng ngày một lớn của ASEAN trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thông qua chiến lược tái cân bằng, Mỹ muốn mở rộng mạng lưới đồng minh và bè bạn ở khu vực với mục đích chung là mang lại an ninh, thịnh vượng kinh tế cho châu Á-Thái Bình Dương. Chính tầm quan trọng về kinh tế và an ninh của khu vực này là yếu tố khiến Mỹ duy trì chiến lược tái cân bằng dù ai là người sẽ thay ông Obama làm chủ Nhà Trắng.

Về kinh tế, với sự ra đời của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vai trò của châu Á – Thái Bình Dương trong đó có ASEAN sẽ trở nên quan trọng trong chính sách của Washington. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ coi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa mới được thành lập là cơ hội kinh doanh tiềm năng và sinh lợi.

Về an ninh, muốn đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên phạm vi toàn cầu, Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với Đông Nam Á, khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của giới truyền thông tại Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN, Tổng thống Obama đã ca ngợi Malaysia, Brunei và Indonesia là các quốc gia tiêu biểu cho “Hồi giáo ôn hòa” và bày tỏ mong muốn cùng hợp tác để đẩy lùi mối đe dọa từ IS.

Bên cạnh vấn đề IS, tranh chấp tại Biển Đông sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của Nhà Trắng. Biển Đông là huyết mạch hàng hải, vì vậy, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông có ý nghĩa sống con đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ sắp tới là ai, vấn đề Biển Đông sẽ luôn là ưu tiên đối ngoại của Washington.

Tiền đề cho hợp tác tương lai

Như vậy, nỗ lực của ASEAN phát triển mối quan hệ với Washington trong khuôn khổ chính sách xoay trục sẽ không hoài phí.

Lâu nay, các thành viên ASEAN nhận thức một cách rõ ràng về chính sách xoay trục của Chính quyền Tổng thống Obama. Trong đó, đặc biệt là Malaysia đã trở thành một đối tác quan trọng khi Washington thực hiện “xoay trục”. Tháng 4/2014, quan hệ Mỹ-Malaysia được cải thiện và nâng cấp thành Đối tác toàn diện. Malaysia cũng hiện là một trong những nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Hai nước còn hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Philippines và Singapore cũng đã xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

Tại Hội nghị Sunnylands, Washington và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đưa ra gói kế hoạch “Kết nối Mỹ-ASEAN”. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp kiến thức kỹ thuật cho nhóm nước thành viên ASEAN chưa tham gia TPP như Philippines và Indonesia để giúp các nước này tự tin tham gia TPP. Mỹ cũng sẽ thành lập các trung tâm kinh tế tại Singapore (Singapore), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa nước này với khu vực.

Về hợp tác trong vấn đề Biển Đông, mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc hay trực tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông, song Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị đã khéo léo kêu gọi “các bên liên quan” kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Như vậy, Hội nghị Sunnylands cho thấy cam kết của Washington đối với khu vực Đông Nam Á không còn chỉ hạn chế trong các vấn đề an ninh truyền thống. Thông qua "sức mạnh mềm", Mỹ ngày càng tăng cường hợp tác với ASEAN trong các vấn đề kinh tế cũng như an ninh phi truyền thống.

Có thể nói, Hội nghị còn đặt tiền đề cho các Tổng thống tương lai của Mỹ tổ chức các cuộc họp, cơ chế hợp tác tương tự với ASEAN. Nhân đây, Tổng thống Obama cũng muốn truyền thông điệp cho Tổng thống kế tiếp của mình rằng Mỹ nên duy trì chiến lược tái cân bằng mà ông nỗ lực thực hiện hết mình trong những năm tại nhiệm.

Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Obama đã bắt đầu đánh giá cao xu hướng hợp tác đa phương như mô hình hợp tác Mỹ - ASEAN. Tuy nhiên, có thể xu hướng này không diễn ra trong chính quyền kế nhiệm. Do đó, để giúp duy trì sự chú ý của Mỹ đối với khu vực, các nước ASEAN cần tích cực hợp tác với Mỹ vì những lợi ích chung. Chia sẻ mục tiêu chung cũng chính là nền tảng, bàn đạp để Mỹ tiếp tục “xoay trục” trong tương lai gần.

(Theo Eurasia Review)