📞

Mỹ ký cam kết hòa bình với Taliban: “Thỏa thuận thập kỷ” là đây?

08:51 | 01/03/2020
TGVN. Liệu thỏa thuận hòa bình mới ký kết giữa Mỹ và Taliban có thể thực sự chấm dứt hiện diện của Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 18 năm tại Afghanistan? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.    
Ngày 29/2, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã ký thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban tại Doha, Qatar. (Nguồn: AP)

Ngày 29/2, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã ký thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban tại Doha, Qatar, với 4 điểm chính.

Đầu tiên, nếu các điều kiện được đáp ứng, các lực lượng Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan sẽ tiến hành đợt rút quân đầu tiên, cuối cùng là toàn bộ binh sỹ trong 14 tháng. Thứ hai, Taliban cam kết sẽ không sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để đe dọa an ninh của Mỹ. Thứ ba, tiến trình đàm phàn giữa các phe phái chính trị tại Afghanistan sẽ được triển khai vào ngày 10/3. Thứ tư, hai bên sẽ tiến hành ngừng bắn lâu dài và toàn diện.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hoan nghênh ký kết thỏa thuận, song cảnh báo “nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ đánh mất cơ hội đàm phán với Chính phủ Afghanistan và thỏa thuận về tương lai của đất nước. Ngoài ra, Mỹ sẽ không ngần ngại hủy bỏ thỏa thuận này”.

Về phần mình, trong thông cáo chính thức, Taliban cho biết đã đạt thỏa thuận về việc Mỹ “hủy bỏ chiếm đóng Afghanistan”: “Thỏa thuận về việc các lực lượng nước ngoài rút lui hoàn toàn và không can dự vào công việc nội bộ của tại Afghanistan chắc chắn là một thành tựu lớn”. Trước thềm lễ ký, Taliban đã chỉ đạo các lực lượng ngừng bắn và “kiểm chế các hoạt động tấn công”. Đại diện của Taliban tại Doha Mohamed Naaem nhận định đây là “bước tiến về phía trước”.

Rủi ro còn đó

Tuy nhiên, tương lai “phía trước” mà ông Naaem đề cập chưa hẳn đã là màu hồng, nếu cân nhắc những yếu tố sau.

Thứ nhất, thành công “thỏa thuận thập kỷ” phụ thuộc rất nhiều vào quá trình triển khai từ phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump rõ ràng đạt được lợi ích khi tiến gần hơn tới cam kết rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ông Trump cũng từng tuyên bố rút quân khỏi Syria, nhưng đã ít nhiều đảo ngược quyết định của mình sau khi đánh giá kỹ tình hình và tham khảo ý kiến nội các. Afghanistan, với xung đột thường xuyên và bất ổn kéo dài, có thể là một trường hợp tương tự.

Thứ hai, khả năng trên càng hiện hữu hơn khi Taliban là một tổ chức có tính thống nhất thấp, với bộ máy tổ chức và phân chia quyền lực không rõ ràng. Ngay cả khi Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Taliban đại diện ký kết “thỏa thuận thập kỷ” trên, chẳng có gì đảm bảo rằng thỏa thuận này sẽ được các lãnh đạo còn lại của Taliban, vốn có tầm ảnh hưởng lớn và độc lập tại địa phương, tuân thủ. Khác biệt quan điểm, xung đột trong quá trình triển khai có thể khiến thỏa thuận hòa bình đổ vỡ.

Thứ ba, “thỏa thuận thập kỷ” này sẽ khó thành hiện thực nếu thiếu sự tham dự chủ động, tích cực và hiệu quả của Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, Kabul đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là bất ổn chính trị xung quanh chiến thắng mập mờ của đương kim Tổng thống Ashraf Ghani trước đối thủ Abdullah Abdullah, sau khi kết quả bầu cử tháng 9/2019 được công bố sau 5 tháng trì hoãn với số phiếu công nhận chưa đầy 18% (1,8/9,6 triệu cử tri). Đó là tình trạng tham nhũng tràn lan – năm 2017, Afghanistan đứng thứ tư trên thế giới về tham nhũng, chỉ sau Syria, Nam Sudan, Somalia và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Cần nhớ rằng, bản “thỏa thuận thập kỷ” nêu trên sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan nói chung và viện trợ của Washington dành cho Kabul nói riêng. Thiếu vắng sự giúp đỡ này, Chính phủ Afghanistan sẽ khó trụ vững, chưa nói đến đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình và tái xây dựng đất nước và khi đó, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ quay trở lại với chế độ Taliban, khiến mọi nỗ lực quân sự, ngoại giao của Mỹ tại đây sau gần 20 năm trở nên vô nghĩa.

Do đó, “thỏa thuận thập kỷ” hay nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến Afghanistan của Mỹ và Taliban là đáng hoan nghênh, song nó cần đi kèm nhiều hợp tác cụ thể, nỗ lực từ cả hai phía cùng sự tham gia tích cực của chính phủ Afghanistan để có thể thành công.