Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ tạm ngưng tài trợ cho WHO với lý do tổ chức này đã “thất bại khi thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm”. Theo AFP, Tổng thống Donald Trump chỉ đạo Chính phủ tạm “bắt đầu tiến trình đánh giá vai trò của WHO trong việc quản lý không đúng và che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc” và tiến trình đánh giá sẽ kéo dài 60-90 ngày.
Đáp lại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mỹ là một người bạn lâu năm và hào phóng đối với WHO và chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tiếp tục như vậy. Với sự hỗ trợ của chính phủ và người dân Mỹ, WHO đã và đang hoạt động trên khắp toàn cầu để cải thiện sức khỏe của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Dù việc ông Trump quyết định dừng đóng góp cho WHO vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích từ các nước, nhưng WHO cũng đối mặt với hàng loạt chê trách trong cách quản lý dịch bệnh. Tuy nhiên, WHO còn có nhiều nhiệm vụ khác, không chỉ là phản ứng với đại dịch với quy mô khổng lồ, mà đến bản thân tổ chức này còn chưa từng bao giờ đối đầu kể từ khi ra đời đến nay. Giờ đây, sự thiếu hụt về mặt tài chính có thể khiến sức khỏe thế giới dễ bị tổn thương hơn, không chỉ từ Covid-19 mà còn là những căn bệnh quen thuộc khác.
Nguồn gốc của sự chỉ trích
Trong những ngày khó khăn của đại dịch Covid-19, WHO bỗng nhiên nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế, nhưng những lời chỉ trích này không liên quan đến chuyên môn y tế mà lại mang yếu tố chính trị.
WHO bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh, thiên vị Trung Quốc dù có nhiều bằng chứng cho thấy nước này cố tình che đậy dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019. Cá nhân Tổng Giám đốc Tedros thì bị chỉ trích chậm chạp trước khi chịu công bố đại dịch toàn cầu.
WHO không kịp thời phản ứng khi virus SARS-CoV-2 hoành hành tại Vũ Hán trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020. Phải đến ngày 11/3, khi chủng mới của virus corona làm chết biết bao người trên khắp thế giới, Covid-19 mới được gọi là “đại dịch” toàn cầu và phần còn lại của thế giới mới bắt đầu có biện pháp đối phó.
Theo ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu thuộc Đại học Seton Hall (Mỹ), WHO lẽ ra nên gây sức ép nhiều hơn lên Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng. WHO không nắm trong tay bất cứ bằng chứng khoa học về chủng virus mới này vì Trung Quốc cấm chuyên gia nước ngoài đến Vũ Hán mãi cho đến tận giữa tháng Hai. Trong khoảng thời gian đó, việc mà WHO có thể làm là đưa lại thông tin của Trung Quốc như dịch bệnh “có thể kiểm soát được” hay “không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể lây từ người sang người trên quy mô lớn”...
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: Reuters) |
WHO nhận được kinh phí hoạt động nhờ sự đóng góp của các quốc gia thành viên và từ các nhà tài trợ. Ngân sách dành cho WHO vào khoảng 4,4 tỷ USD/năm. Mỗi năm, các thành viên sẽ phải nộp vào quỹ một số tiền dựa trên dân số và thu nhập của đất nước. Tuy nhiên, chi phí đóng góp của 194 quốc gia thành viên hiếm khi được thanh toán đúng hạn và chỉ chiếm 1/5 tổng số ngân sách của WHO. 80% còn lại là từ các nguồn đóng góp tự nguyện từ các nước và các tổ chức tư nhân. |
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mối liên hệ gần gũi giữa Tổng Giám đốc WHO với chính quyền Bắc Kinh khi hồi cuối tháng Giêng, trong một cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tedros không tiếc lời ca ngợi Bắc Kinh, trong khi chính Trung Quốc trước đó đã để virus lây lan nhanh chóng.
Nhìn lại năm 2003, thế giới cũng bị bất ngờ với dịch SARS bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng khi đó WHO còn công khai chỉ trích Trung Quốc vì sự thiếu minh bạch và che đậy thông tin.
Ngoài ra, khi Tổng thống Trump gọi virus SARS-CoV-2 là virus Trung Quốc, WHO đã nhanh chóng lên tiếng phản đối điều này. Còn khi ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có bình luận trên Twitter ngày 12/3 rằng “Có thể chính quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán” thì WHO lại im bặt.
“Đây là một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện trong các tổ chức quốc tế. Họ sẽ không làm hài lòng mọi quốc gia, nhưng họ sẽ tác động lên nghị trình của WHO”, ông Yanzhong Huang giải thích.
Lý do riêng của Mỹ
Trên thực tế, WHO không có quyền quyết định chính sách cho các quốc gia mà chỉ đảm nhiệm việc điều phối hoạt động kiểm dịch, đưa ra các báo động và kiến nghị. Lẽ ra, với cuộc chiến chống lại Covid-19 sẽ mang lại cho WHO khả năng lãnh đạo thế giới vượt qua khủng hoảng nhưng tổ chức này lại không có quyền cưỡng chế.
Theo Le Monde, mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS hay Ebola, WHO luôn bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm: hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu. Bác sĩ Sylvie Briand, người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO, cho rằng những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là “rất quen thuộc” và “vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm”.
Tuy nhiên, Mỹ có lý do riêng khi cắt tài trợ cho WHO bởi chính quyền Tổng thống Trump nghi ngờ ảnh hưởng của Trung Quốc lên tổ chức này. Nhưng không vì thế mà Mỹ bỏ qua trách nhiệm quốc tế của mình.
Ông John Barsa, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết sẽ dùng khoảng thời gian đánh giá WHO để tìm kiếm đối tác thay thế nhằm tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ quan trọng” như vaccine và đảm bảo sẽ không có sự gián đoạn với nỗ lực tài trợ của Mỹ.
Mặt khác, Mỹ trước đó đã tuyên bố sẽ chi 270 triệu USD trong nỗ lực hỗ trợ bổ sung cho quốc gia nước ngoài. Nguồn quỹ này đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Có thể, Mỹ sẽ nối lại cam kết với WHO một khi Tổng Giám đốc Tedros nghỉ việc và xác định được Trung Quốc không thể gây thêm áp lực cho tổ chức.
Theo Atlantic, việc cắt tài trợ cho WHO không chỉ là một điều không nên làm, nó lại còn rất nguy hiểm. Với một đại dịch mang tính chất toàn cầu thì WHO là chỗ dựa đặc biệt và duy nhất đối với các quốc gia nghèo. Chỉ WHO mới có khả năng, tầm với và cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc này. Nếu thiếu đi 15% ngân sách do Mỹ tài trợ, tổ chức vốn mỏng manh này khó có thể nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của hàng tỷ người, không chỉ riêng Covid-19, mà còn rất nhiều bệnh khác đang hoành hành mà không được thế giới chú ý tới nhiều như bại liệt hay Ebola và những dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong tương lai.
Theo bà Zeynep Tufecki, giáo sư Đại học North Carolina, có thể, khi thế giới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, WHO sẽ cần thay đổi, nhất là ở vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, ngay bây giờ đây, chúng ta nên dừng sự chỉ trích tới một WHO tuy có khiếm khuyết, nhưng vẫn là “viên ngọc quý” trong cộng đồng y tế quốc tế và hướng tới việc chung tay dập tắt đại dịch nguy hiểm này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một cơ quan của Liên hợp quốc được thành lập vào ngày 7/4/1948 với sứ mệnh tăng cường sức khỏe cho mọi người trên toàn thế giới. WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người, đứng ra giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người. WHO có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) với 6 văn phòng khu vực và khoảng 150 văn phòng đại diện trên thế giới, hơn 7.000 nhân viên, bao gồm từ bác sĩ, nhà khoa học, nhà dịch tễ học đến quản trị viên, chuyên gia về chính sách và chuyên gia kinh tế. WHO đã đạt được một số thành tựu lớn trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe như xóa bỏ bệnh đậu mùa năm 1979, giảm 99% số ca mắc bệnh bại liệt năm 2006, phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch SARS (2003), cúm gia cầm H1N1 (2009), Ebola (2014) ở Tây Phi. |