Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. (Nguồn: RT) |
Cam kết bảo vệ đồng minh
Hôm 25/4, lần đầu tiên hai chiếc F-22 Raptor cùng với một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 của Mỹ đã xuất phát từ Anh và hướng thẳng đến căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu của Romania ở Biển Đen.
Tiếp đó, ngày 27/4, hai F-22 Raptor nói trên của Mỹ tiếp tục bay đến Lithuania, hạ cánh tại căn cứ không quân Siauliai.
Phát biểu về sự kiện này, chỉ huy phi đội chiến đấu cơ F-22 của Mỹ – ông Daniel Lehosk tuyên bố: "Chúng tôi ở đây để thể hiện năng lực của mình trong việc có thể triển khai F-22 đi bất kỳ nơi nào cần thiết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc khắp Châu Âu”.
Trong khi đó, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho rằng, sự xuất hiện của hai máy bay chiến đấu F-22 ở căn cứ của họ đã chứng minh cho cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh cho khu vực Đông Âu.
"Đó là một dấu hiệu cho thấy liên minh đã sẵn sàng và có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào”, bà Grybauskaite phát biểu tại căn cứ không quân Siauliai trước lá cờ của Lithuania, Mỹ và NATO.
“Báu vật” của Không quân Mỹ
F-22 vốn là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này, đồng thời là vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ.
F-22 luôn đứng đầu trong danh sách những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không hề hấn gì.
Công nghệ tàng hình là một trong những tính năng vượt trội của F-22 so với bất kỳ loại chiến đấu cơ tối tân nào khác trên thế giới. Tiết diện radar của F-22 chỉ bằng kích thước một viên bi nên nó gần như không thể bị phát hiện bởi các hệ thống radar. Công nghệ tàng hình vượt trội như vậy nên F-22 có thể phát hiện và khóa mục tiêu bằng radar rồi khai hỏa nhanh chóng, khiến kẻ thù không kịp biết mình đang đối mặt với cái gì. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong.
F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử.
Dù được đánh giá là chiến đấu cơ thiện chiến hàng đầu thế giới nhưng F-22 cũng có một vài điểm yếu so với đối thủ ngang tầm của nó là Su-35S của Nga. F-22 được cho là không có khả năng cơ động và linh hoạt như Su-35S. Khả năng phát hiện các mục tiêu trên không của F-22 thấp hơn so với Su-35S.
Chiến đấu cơ F-22 chính thức gia nhập vào Lực lượng Không quân Mỹ từ tháng 12/2005. Vì sức mạnh hàng đầu của F-22, chiến đấu cơ này được coi là “báu vật” trong kho vũ khí của Mỹ và nước Mỹ cấm xuất khẩu loại máy bay này. |
Nguy cơ gây ra xung đột
Việc Mỹ đưa hai chiếc F-22 đến Romania và Lithuania diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên Đông Âu của NATO đang kêu gọi liên minh này tăng cường sự hiện diện quân sự lớn hơn ở trong khu vực để đối phó với Nga.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đặc biệt là cuộc chiến ở miền Đông Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, một số quốc gia trong khu vực Đông Âu tỏ ra hoài nghi và lo ngại về nước láng giềng Nga. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Ba Lan thậm chí còn miêu tả Nga là “mối đe doạ hiện hữu nguy hiểm hơn cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”.
Mỹ và NATO được cho là đã dựa vào cái cớ là mối đe doạ từ Nga để tìm cách thiết lập một sự hiện diện quân sự lớn ở Đông Âu nhằm bao vây Nga. Rất dễ nhận thấy rằng, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở khu vực đang trở nên nhộn nhịp, cấp tập hơn bao giờ hết.
Động thái đưa F-22 đến hai nước Đông Âu là cách để Mỹ làm hài lòng các thành viên NATO, thể hiện cam kết bảo vệ các đồng minh Đông Âu của họ trong khu vực và trên hết là để phát đi thông điệp cảnh báo, răn đe Nga.
Tuy nhiên, về mặt công khai, Mỹ vẫn bác bỏ việc tung F-22 là nhằm để “hù doạ” Nga. “Chúng tôi ở đây không phải để khiêu khích bất kỳ ai. Chúng tôi ở đây để hợp tác với các đồng minh”, ông Dan Barina – phi công lái F-22 đã phát biểu như vậy.
Dù vậy, sau vụ chạm trán căng thẳng giữa các máy bay chiến đấu của Nga với tàu khu trục của Mỹ ở biển Baltic hồi đầu tháng Tư, tình hình mới nếu không được kiểm soát thận trọng sẽ đẩy cả hai bên vào một cuộc xung đột không mong muốn, vì những sơ suất hay hiểu lầm không đáng có.