📞

Nếu Quốc hội Anh phủ quyết thỏa thuận, Brexit sẽ đi về đâu?

09:00 | 21/11/2018
Brexit không thỏa thuận, tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai, khởi động đàm phán lại được cho là 3 hướng đi của Brexit nếu Quốc hội Anh phủ quyết.

Tối ngày 14/11, cuộc họp quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Anh Theresa May đã kết thúc. Cuộc họp nội các vốn dự định tổ chức trong 3 tiếng đã kéo dài hơn 5 tiếng. Sau cuộc họp, tuy rất mệt mỏi do phải đối mặt với việc có người lớn tiếng phản đối, nhưng bà phải miễn cưỡng tỏ ra vui vẻ, tuyên bố dự thảo thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đạt được qua các cuộc đàm phán giữa Anh và EU đã nhận được sự ủng hộ của nội các.

Kỳ thực, để vượt qua cửa ải này và tránh xuất hiện tình cảnh khó xử có 2 quan chức quan trọng trong nội các từ chức để phản đối sau cuộc họp được tổ chức ở Chequers, trước cuộc họp lần này, bà May đã làm tất cả mọi việc có thể. Chiều tối ngày 13/11, bà đã có cuộc nói chuyện riêng với các thành viên quan trọng trong nội các, mỗi người khoảng 20 phút.

Người dân Anh theo dõi buổi truyền hình trực tiếp bài phát biểu của Thủ tướng Theresa May sau khi dự thảo Brexit được Nội các thông qua. (Nguồn: Getty Images)

Các đối thủ chính trị của bà May cũng không ngồi yên, liên tục kêu gọi các thành viên nội các phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit. Chủ tịch Nhóm nghiên cứu châu Âu thuộc phe ủng hộ “Brexit cứng”, nghị sĩ Jacob Rees-Mogg cho rằng Chính phủ Anh là cơ chế do nội các chứ không phải là do thủ tướng phụ trách, thành viên nội các nên dũng cảm bày tỏ ý kiến phản đối. Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis cũng khuyến khích các thành viên nội các từ chức để phản đối bà May.

Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đã bày tỏ lập trường cứng rắn trong cuộc họp này và cuối cùng có 9 bộ trưởng đã bày tỏ sự phản đối hoặc có ý kiến bất đồng đối với dự thảo thỏa thuận. Phía EU cũng tuyên bố tiến trình đàm phán Brexit giành được tiến triển mang tính quyết định, công bố dự thảo thỏa thuận Brexit dài 585 trang, đồng thời xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để xem xét thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 25/11.

Vấn đề biên giới Bắc Ireland là tiêu điểm gây ra sự tranh chấp

Vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland rất phức tạp, liên quan đến thành quả của tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland. Các bên đã đạt được nhận thức chung, tránh thiết lập một đường “biên giới cứng” ở biên giới Bắc Ireland như các điểm kiểm tra hải quan…

Do việc giải quyết vấn đề Bắc Ireland có liên quan chặt chẽ với tiến trình đàm phán thương mại tự do trong giai đoạn tiếp theo của Brexit, nên hai bên đồng ý trong tình hình các cuộc đàm phán giữa Anh và EU không đạt được nhận thức chung, sẽ lập ra phương án tối ưu trong vấn đề biên giới Bắc Ireland.

Dự thảo thỏa thuận Brexit lần này đã xác định phương án tối ưu mới, hai bên đồng ý Anh có thể ở lại Liên minh hải quan, Bắc Ireland ở lại thị trường chung châu Âu trong thương mại hàng hóa và nông sản. Lịch sử đàm phán cho thấy thái độ của hai bên đang có những thay đổi tích cực, từ các cuộc thảo luận không nhượng bộ ban đầu, sau đó cam kết chấp nhận nguyên tắc trong đàm phán thương mại tự do, cuối cùng đồng ý Anh ở lại Liên minh hải quan.

EU đã có sự nhượng bộ tương đối lớn, nhưng cũng tăng thêm tương ứng các điều khoản giới hạn. Ví dụ như không đặt ra thời hạn Anh ở lại Liên minh hải quan, Anh không thể đơn phương rút khỏi liên minh này, chỉ trong tình hình xác nhận Bắc Ireland không xuất hiện “Brexit cứng”, sau khi được Ủy ban giám sát do hai bên cùng thiết lập đồng ý, Anh mới có thể rút khỏi.

Hiện tại Brexit vẫn đang làm xáo trộn nội bộ Anh. (Nguồn: BBC)

Những điều khoản giới hạn này đã thổi bùng ngọn lửa trong phe ủng hộ “Brexit cứng” và đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland. Theo phe ủng hộ “Brexit cứng”, việc được ở lại nhưng không thể tự rút khỏi Liên minh hải quan chẳng khác gì bị hạn chế trong phạm vi nhất định. Cái gọi là Ủy ban giám sát thực chất vẫn là do EU nắm vai trò chi phối. Anh có thể sẽ phải ở lại Liên minh hải quan vĩnh viễn, vừa không thể ký hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế khác, vừa phải chịu sự quản lý của EU trên rất nhiều lĩnh vực, nghe theo mệnh lệnh của Brussels. Hơn nữa, việc EU đối xử có sự phân biệt giữa Bắc Ireland và Anh có thể làm cho thế lực ly khai ở một số khu vực của Anh nổi lên. Brexit như vậy chẳng phải là mất “cả chì lẫn chài”? Boris Johnson phê bình một cách thẳng thắn rằng thỏa thuận này sẽ làm cho Anh trở thành nước chư hầu của EU.

Quốc hội Anh có thông qua thỏa thuận?

Việc bà May vượt qua cửa ải nội các là điều đã nằm trong dự đoán, sau nhiều lần cải tổ, phần lớn các thành viên nội các đều là đồng minh của bà. Đối với bà May, làm nội các dao động thì dễ, nhưng làm Quốc hội dao động sẽ khó. Từ góc độ kỹ thuật cho thấy đảng Bảo thủ có 319 ghế trong Quốc hội, phải nhận được 10 ghế ủng hộ của DUP thì mới có thể vượt qua số ghế quá bán là 326 ghế.

Một là bà May cần phải nắm chặt DUP. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg đã kêu gọi thành viên phe ủng hộ “Brexit cứng” tăng cường tiếp xúc với DUP, tạo thành trận tuyến thống nhất để phán đối bà May, xúi giục họ lật đổ bà khi bỏ phiếu ở Quốc hội. Dù DUP cho biết vẫn chưa đến giai đoạn xem xét thay đổi lập trường ủng hộ bà May, nhưng đã có nghị sĩ của đảng này công khai phê phán dự thảo Brexit là thỏa thuận tồi tệ.

Hai là nguồn phiếu không ổn định nhất lại đến từ phe cực đoan trong đảng Bảo thủ: một bên là phe ủng hộ “Brexit cứng”, có khoảng 20 phiếu, họ cho rằng thỏa thuận Brexit của bà May đã đi ngược lai ý định ban đầu của Brexit, nên cần phải phản đối; bên kia là phe ủng hộ ở lại EU, có khoảng 5 phiếu, họ phản đối bất kỳ phương án Brexit nào.

Ba là việc thỏa thuận được thông qua phần nhiều là dựa vào “các nghị sĩ phản bội” của Công đảng. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cho biết ông phản đối thỏa thuận Brexit không có lợi cho đất nước của đảng Bảo thủ, nhưng hiện nay thỏa thuận này rất giống với lập trường của Công đảng chủ trương Anh ở lại Liên minh hải quan, có thể thu hút phe ôn hòa và hoài nghi EU trong Công đảng quay sang bỏ phiếu ủng hộ, và với dưới 20 lá phiếu kiểu này, vẫn không thể bổ sung vào phần còn thiếu của đảng Bảo thủ.

Bà May buộc phải đẩy mạnh công tác động viên những nghị sĩ này. Đối với phe ủng hộ “Brexit mềm”, bà sẽ nhấn mạnh Brexit là xu thế tất yếu, thỏa thuận là kết quả tốt nhất sau khi bỏ ra nhiều công sức mới có thể đạt được. Đối với phe ủng hộ “Brexit cứng”, bà May nhấn mạnh sẽ phải đưa ra lựa chọn, nếu phe “Brexit cứng” không thể đưa ra phương án nào thiết thực hơn, chỉ có thể chấp nhận thỏa thuận, nếu không sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm của việc Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, cục diện hỗn loạn mỗi người một kiểu của các nghị sĩ đang dao động cũng có lẽ sẽ giúp dự thảo thỏa thuận Brexit được Quốc hội thông qua. Sức ép chính sách mà phần thời gian còn lại mang tới, áp lực lựa chọn về phương thức Brexit, áp lực khủng hoảng do Brexit không có thỏa thuận mang lại sẽ buộc các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ bà May.

3 hướng đi của Brexit nếu Quốc hội phủ quyết

Brexit vẫn có 3 hướng đi. Một là Brexit không có thỏa thuận. Một Brexit không có thỏa thuận sẽ làm tổn thương cả Anh lẫn EU, điều này không những tác động mạnh đến nền kinh tế Anh mà còn gây nên ảnh hưởng tiêu cực đối với EU, thậm chí đe dọa sự phát triển của kinh tế thế giới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Theresa May trước Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 17/10/2018. (Nguồn: Socialist Worker)

Theo kiến nghị kỹ thuật do Chính phủ Anh đưa ra, Brexit không có thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội Anh: các doanh nghiệp thương mại của Anh gặp nhiều trở ngại hơn, mất nhiều thời trong một số thủ tục thông quan, người dân Anh khi đi du lịch ở các nước châu Âu phải chi trả phí giao dịch thẻ tín dụng nhiều hơn, doanh nghiệp dược phẩm của Anh phải tích trữ nguyên vật liệu liên quan ít nhất 6 tuần để đề phòng việc cung ứng bị gián đoạn, chủ các trang trại của Anh không được xuất khẩu thực phẩm hữu cơ sang EU trong vòng 9 tháng, các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, viện trợ… cũng đều bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.

Bộ trưởng Tài chính Hammond tuyên bố nếu Brexit không có thỏa thuận, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh trong 15 năm tới sẽ giảm 8 điểm phần trăm. EU cũng gặp rắc rối tương tự, nhưng mức độ nghiêm trọng không giống Anh. Vấn đề EU lo ngại nhất là bối cảnh phía sau việc Brexit không có thỏa thuận, Bắc Ireland và Ireland rất có khả năng xuất hiện cái gọi là “biên giới cứng”. Chính phủ Anh cũng thừa nhận biên giới của Bắc Ireland sẽ đối diện với thách thức cực kỳ nghiêm trọng.

Ngoài ra, sự hỗn loạn của việc Brexit không có thỏa thuận cũng có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động đến kinh tế thế giới. Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde từng cảnh báo “Brexit không có thỏa thuận có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Hai là tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Đảng Dân chủ Tự do nhấn mạnh người dân có quyền quyết định sau cùng trong vấn đề Brexit, do đó nên tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về vấn đề này. Các cựu chính trị gia có sức ảnh hưởng cũng lần lượt kêu gọi ở lại EU, ba cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tony Blair, John Major, hai cựu phó Thủ tướng Nick Clegg và Michael Heseltine đều kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Ở London cũng nhiều lần diễn ra cuộc biểu tình yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Nhưng nhìn chung, trừ khi quan điểm của người dân về vấn đề Brexit có sự thay đổi cơ bản trong một thời gian ngắn, ít khả năng xảy ra trưng cầu ý dân lần thứ hai. Thủ tướng Theresa May cũng phản đối việc trưng cầu ý dân lần thứ hai, không muốn vì vậy mà dẫn đến sự biến động về chính trị. Hiện nay, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của người dân về việc rời khỏi EU và ở lại EU rất sít sao, thậm chí có thời điểm tỷ lệ ủng hộ ở lại EU nhỉnh hơn, phe ủng hộ Brexit cũng không muốn nhận lấy rủi ro từ việc kết quả Brexit bị đảo ngược sau cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Sau cuộc trưng cầu ý dân Brexit lần trước, phe ủng hộ ở lại EU đã chia thành phe “Brexit mềm” và kiên định ở lại EU cũng không hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Ba là khởi động đàm phán lại. Sau khi Quốc hội phủ quyết dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May, có thể yêu cầu chính phủ đàm phán lại thỏa thuận với EU. Nếu EU đồng ý kéo dài thời gian đàm phán, nước Anh có thể có sự thay đổi lớn về lập trường, thử đàm phán thỏa thuận mới. Thủ tướng Theresa May cũng có thể phải từ chức do khủng hoảng chính trị, lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ không thể sắp xếp nội các một cách thuận lợi, buộc phải bầu cử lại. Nếu đại diện cho phe ủng hộ ở lại EU Teremy Corbyn hoặc đại diện cho phe “Brexit cứng” Boris Johnson lên nắm quyền thì họ có thể sẽ đưa ra một lộ trình Brexit hoàn toàn mới.

(theo The Paper, TTXVN)