Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern quyết định phong toả toàn quốc sau khi phát hiện một ca Covid-19 duy nhất. (Nguồn: GETTY) |
Quyết định của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phong toả cả đảo quốc sau khi chỉ mới phát hiện một ca duy nhất nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra được thế giới bên ngoài nhìn nhận rất khác nhau.
Phe này cho rằng ứng phó cẩn trọng như thế là đúng đắn trong khi phía kia lại đánh giá nó là thái quá. Trên thế giới cho tới nay chưa thấy ở nơi nào khác áp dụng liệu pháp trị dịch bệnh như ở New Zealand.
Bà Ardern định hình triết lý riêng cho đường hướng ứng phó dịch bệnh của chính phủ New Zealand. Triết lý này là thà chấp nhận phong toả nghiêm ngặt trong thời gian ngắn còn hơn phong toả lỏng lẻo trong thời gian dài. Ẩn ý ở đây là cho dù phải chấp nhận cùng chung sống với dịch bệnh ở bên trong hay bên ngoài đất nước như hiện tại thì việc ứng phó dịch bệnh luôn cần phải được ưu tiên hàng đầu.
Triết lý này là thà chấp nhận phong toả nghiêm ngặt trong thời gian ngắn còn hơn phong toả lỏng lẻo trong thời gian dài. |
Bà Ardern viện dẫn mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm rất cao của biến chủng virus Delta để nhấn mạnh là chính phủ phải ứng phó nhanh nhất, sớm nhất và quyết liệt nhất.
Phong toả nghiêm ngặt ở bên trong và kiểm soát xuất nhập cảnh nghiêm ngặt đến mức gần như thường xuyên đóng cửa biên giới quốc gia là hai thành tố chính trong chiến lược ứng phó dịch bệnh của bà Thủ tướng này ở New Zealand.
Bà Thủ tướng xem ra nhằm tới hiệu ứng tâm lý và thực tiễn của việc thái quá hoá cẩn trọng. Có thể nhận thấy điều này ở cấu trúc biện pháp phong toả của bà Ardern: phong toả 7 ngày ở nơi phát hiện ra ca lây nhiễm kia trong khi ở các nơi khác trên đất nước chỉ phong toả có 3 ngày mà ba ngày thì không thể đủ để phát hiện ra hết các ổ dịch tiềm tàng.
Thông điệp của bà Thủ tướng từ đó xem ra chỉ có thể là chính phủ hành động mau lẹ và quyết liệt, tất cả mọi người và mọi nơi đều cùng trên một con thuyền và chỉ vì một lơi là nhỏ mà cả nước bị luỵ hại.