📞

Nga - Mỹ: Nguy cơ tái hiện kịch bản thời Chiến tranh Lạnh

16:00 | 07/10/2016
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ khiến các nhà phân tích lo ngại nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang tái hiện kịch bản thời Chiến tranh Lạnh đã cận kề.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Nguồn: CNN)

Đình chỉ thỏa thuận

Ngày 5/10, Nga thông báo nước này sẽ đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân ký năm 2013 với Mỹ nhằm đáp trả việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan tới vấn đề Ukraine.

Trên trang mạng chính thức, Chính phủ Nga công bố sắc lệnh do Thủ tướng Dmitry Medvedev ký cùng ngày nêu rõ: “Việc Mỹ đều đặn gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có động thái đình chỉ hợp tác Nga-Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đòi hỏi (phía Nga) phải áp dụng các biện pháp đáp trả đối với Mỹ”. Theo sắc lệnh này, “mọi công dân Mỹ sẽ không còn được phép tới các cơ sở hạt nhân của Nga”.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow “không còn tin tưởng Washington trong một lĩnh vực nhạy cảm như vậy”. Quyết định trên cũng bao gồm việc ngừng hoạt động hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Rosatom của Nga với Bộ Năng lượng Mỹ nhằm nghiên cứu cách chuyển đổi các lò phản ứng của Nga để sử dụng nhiên liệu urani làm giàu ở cấp độ thấp.

Động thái của Nga diễn ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/10 tuyên bố đình chỉ một hiệp ước về sử dụng plutoni ký năm 2010 với Washington nhằm loại bỏ các nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí.

Hệ quả tất yếu

Việc Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân với Mỹ đã “đặt dấu chấm hết” cho chặng đường hợp tác ba năm giữa Nga và Mỹ về vấn đề hạt nhân.

Các hành động cứng rắn này của Nga là hệ quả của việc quan hệ giữa Moscow và Washington đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên liên tiếp chỉ trích lẫn nhau và “đấu khẩu” về nhiều vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết thách thức chung, như sự trỗi dậy của hoạt động khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi… Nga thậm chí còn cáo buộc Mỹ can thiệp vào các điểm nóng bất ổn trên thế giới và làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Hãng tin Sputnik của Nga chỉ trích rằng, trong hơn một thập kỷ qua, không một chiến dịch quân sự nào của quân đội Mỹ mang lại hòa bình tại các khu vực bất ổn. Theo hãng tin Sputnik, cuộc chiến mà Mỹ gây ra ở Iraq khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng và cho đến nay quốc gia này vẫn chìm trong bất ổn. Tại Afghanistan, sự can thiệp của Mỹ đã làm gia tăng các nhóm khủng bố khiến lực lượng Taliban có cơ hội trỗi dậy và ngày càng trở nên nguy hiểm. Các hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở Libya, Pakistan, Yemen… cũng chỉ khiến bất ổn và bạo lực ngày càng trầm trọng hơn.

Mặt khác, Nga cũng chỉ trích hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai tại Ba Lan và Romania, sát biên giới Nga là đe dọa an ninh của xứ sở bạch dương. Nga cũng không giấu giếm ý định vô hiệu hóa hệ thống lá chắn tên lửa này. Theo đó, Nga đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Một vấn đề an ninh nữa khiến Nga bức xúc với Mỹ là Washington đang gây ra cái mà nước này gọi là "áp lực" của tình báo Mỹ đối với các nhà ngoại giao Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov ngày 4/10 vừa qua cáo buộc rằng, tình báo Mỹ đã không ngừng gia tăng những âm mưu lôi kéo đối với các nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ. Thậm chí, các cơ quan tình báo Mỹ còn sử dụng “các thủ đoạn gây áp lực tồi tệ nhất”, trong đó có cả việc đe dọa sức khỏe của thân nhân các nhà ngoại giao Nga. Nga cũng cáo buộc Washington đang tạo ra "những khó khăn giả tạo" và "những hạn chế phi lý" đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Nga, ngăn cản họ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ…

Nguy cơ Chiến tranh Lạnh trở lại

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ khiến các nhà phân tích lo ngại nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang tái hiện kịch bản thời Chiến tranh Lạnh đã cận kề. Việc Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân, cũng như một hiệp ước về sử dụng plutoni với Mỹ nhằm loại bỏ các nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí khiến bất đồng giữa hai bên càng khó hóa giải.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga của phương Tây sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 đã gây thiệt hại lớn cho cả hai bên. Theo thống kê, nền kinh tế Nga thiệt hại trung bình 2% GDP mỗi quý, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng chịu thiệt hại hàng tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Nga và Mỹ đang ngày càng giảm đối thoại và tăng đối đầu không chỉ gây tổn hại đến an ninh, kinh tế của hai nước, mà còn bất lợi đối với môi trường hòa bình và phát triển trên toàn cầu.

(theo The Washington Times, Russia Direct‎)