Việc hàng nghìn tài khoản Twitter và Facebook của người Nga bị đóng, cùng cáo trạng đối với 14 cá nhân người Nga có liên quan tới Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA), một “trang trại” ở St. Petersburg chuyên đăng tải thông tin có lợi cho Nga trên các mạng xã hội, là một lời cảnh cáo song không đủ để ngăn chặn các âm mưu can thiệp chính trường Mỹ mà Moscow tiến hành.
Theo thống kê của trang mạng Hamilton 68, một chương trình giám sát được Liên minh An ninh Dân chủ ở Washington thực hiện, dòng hashtag #MAGA - chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump - vẫn đứng số 1 trong các hashtag phổ biến trên Twitter của hàng trăm tài khoản người dùng được Nga hoặc thân Nga hậu thuẫn. Trong khi đó, đường dẫn được nhắc đến nhiều trên trang mạng xã hội này chính là trang đăng ký ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Bloomberg) |
Suzanne Spaulding, cố vấn cấp cao cho Chương trình An ninh Nội địa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) bình luận: “Sau cuộc bầu cử năm 2016, có nhiều người tự đặt câu hỏi rằng liệu Nga có ‘trở lại’ vào năm 2018 hay không? Giờ chúng ta đã biết: Họ chưa bao giờ ngừng lại”.
Ngày 19/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra cáo buộc phạm tội đối với thành viên của IRA, tổ chức đã dùng hàng chục triệu USD để chi cho các chiến dịch thông tin tại Mỹ và châu Âu. Cáo buộc nêu rõ, các bài đăng trên mạng xã hội của tài khoản do IRA quản lý và giả mạo làm người Mỹ, nhằm làm kích động tâm lý tức giận và mâu thuẫn chính trị. Những thông điệp mang tính chia rẽ mà IRA tung ra có thể tác động tới cuộc bầu cử ngày 6/11 tới, sự kiện được giới quan sát nhận định là phụ thuộc khá nhiều vào số lượng cử tri đi bầu.
Tuy nhiên, đó không phải là điều mà các chuyên gia Mỹ lo ngại nhất. Bà Spaulding nói: “Lo ngại lớn nhất thực sự là việc dư luận sẽ thiếu lòng tin về kết quả của cuộc bầu cử. Đây thực sự là một chiến dịch quy mô để hủy hoại nền dân chủ Mỹ”.
Theo giới tình báo Mỹ, vào năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo một chiến dịch nhằm gây gián đoạn cuộc bầu cử Mỹ và khiến cử tri xa lánh ứng cử viên Hillary Clinton để hậu thuẫn chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Trong đó phải kể đến việc cơ quan an ninh quân đội Nga GRU đột nhập các máy tính và đánh cắp nội dung các đoạn trao đổi của giới chức đảng Dân chủ và sau đó tung ra những thông tin gây bất lợi cho bà Clinton.
Song song với đó, IRA đã thực hiện một chiến dịch bóp méo thông tin trên mạng xã hội để kích động sự giận dữ, bất bình và mâu thuẫn của dư luận, cũng với mục đích khiến cử tri chuyển sang ủng hộ ông Trump.
Trên Instagram, Twitter, Facebook và nhiều trang mạng khác, IRA tạo ra các tài khoản và nhóm mới, thu hút người theo dõi, cập nhập và chia sẻ những câu chuyện giả mạo, đưa ra những thông điệp mang tính kích động. Hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra sau cuộc bầu cử, tới tận khi Twitter đóng cửa hàng trăm tài khoản được xác định là nằm trong chiến dịch can thiệp chính trị do Nga tiến hành.
Mỹ buộc tội công dân Nga can thiệp bầu cử giữa kỳ. (Nguồn: Reuters) |
Những tài khoản mới lại được tạo ra và nhiều trong số đó là các bot tự động (các ứng dụng chạy tự động trên mạng). Theo Bret Schafer, người phụ trách trang mạng Hamilton 68, thay vì tự tạo ra nội dung, các tài khoản này thường dẫn lại những bài đăng đầy mâu thuẫn đã có sẵn.
Ben Nimmo, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Pháp lý Kỹ thuật của Hội đồng Đại Tây Dương lấy ví dụ về cuộc tranh luận căng thẳng trên mạng kéo dài tới hai tuần gần đây về việc Tổng thống Trump đề cử Brett Kavanaugh vào vị trí Chánh án Tòa án Tối cao. Ông cho biết, phần lớn các thông tin sai lệch và các bài đăng mang tính công kích cá nhân trên mạng xã hội là từ các tài khoản của người Mỹ. Điều mà người Nga làm là chỉ cần “khuấy động” thêm bằng cách dẫn lại các nội dung này, điều họ có thể làm được với các con bot.
Ông Nimmo cho biết, sau khi Twitter tiến hành cuộc thanh lọc thứ hai để loại bỏ các tài khoản giả mạo vài tuần trước, hoạt động của phía Nga đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ đó, những người đứng sau các hoạt động này đã tìm cách “che giấu dấu vết của mình”. Hiện vẫn chưa rõ những nỗ lực này có tiếp tục tái diễn hay không. Hai tuần trước các cuộc bầu cử, trang mạng Hamilton 68 đưa ra những bằng chứng và số liệu thống kê cho thấy Moscow vẫn chưa bỏ cuộc dù cường độ hoạt động đã giảm bớt.
Trong tuần này, 10 chủ đề và các bài viết liên quan tới các tài khoản mà Hamilton 68 giám sát chủ yếu xoay quanh các nội dung như “ủng hộ Trump”, “ủng hộ đảng Cộng hòa”, cụ thể là chiến dịch tranh cử mới của Trump, đe dọa về làn sóng di cư mới từ Mexico hay hashtag yêu thích gần đây của tổng thống #jobsnotmobs.
James Lewis, một chuyên gia về an ninh mạng người Nga tại CSIS cho rằng, người Nga đang dồn sức và năng lực để “chuẩn bị” cho cuộc bầu cử tổng thống mới tại Mỹ, thay vì cố tìm cách tác động tới cuộc bầu cử trước mắt. Ông nói: “Có thể họ sẽ để dành những mánh khóe đặc biệt cho những gì sẽ diễn ra vào năm 2020”.