Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới gây khó cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp, nhà lãnh đạo Mỹ đã đẩy mạnh ngoại giao điện đàm và luôn chuẩn bị nội dung đầy đủ trước các cuộc điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP) |
Lên kịch bản kỹ càng
Khác với những cuộc điện đàm mang dấu ấn cá nhân quá nhiều của người tiền nhiệm, một quy tắc cũ lại được hình thành mới tại Phòng Bầu dục của ông Biden trước các cuộc điện đàm: Chuẩn bị các kịch bản và trả lời câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu?” và thảo luận về phong cách nói chuyện với đối phương ở từng trường hợp cụ thể.
Đã qua rồi thời của những nội dung lạc đề không cần thiết hay những lời tán dương thái quá dành cho nhau giữa các nguyên thủ quốc gia. Ngoại giao điện đàm của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden thay đổi về cả phong cách lẫn nội dung. Qua đó, ông Biden dường như muốn gửi thông điệp của mình đến các nhà lãnh đạo nước ngoài rằng ông quyết tâm thiết lập lại mối quan hệ của Mỹ với thế giới.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, Mỹ đang nỗ lực tạo ấn tượng tốt với các đồng minh ngay từ đầu. Ưu tiên trọng tâm với chính quyền Mỹ hiện nay là tìm cách đảo ngược tình thế và đưa các liên minh trở lại đúng hướng. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc điện đàm là một phần của kế hoạch này.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden sẽ được đánh giá dựa trên kết quả cuối cùng nhiều hơn là phương thức hoặc sự chuẩn bị.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Biden với đồng minh của Mỹ cho đến nay là một sự thay đổi rõ rệt so với cựu Tổng thống Donald Trump, người thường xuyên rời xa các nội dung chuẩn bị trước và những lời khuyên mà các trợ lý cung cấp.
Đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 13 lần điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Mềm với đối tác, cứng với đối thủ
Trong cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 2, ông Biden đã nêu lên những lo ngại về vi phạm nhân quyền và các hành vi cạnh tranh thương mại không công bằng.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Biden cũng nêu quan ngại về việc Nga bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny và đề cập việc Nga bị cáo buộc tham gia chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn ở Mỹ.
Trước hai cuộc điện đàm, các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden đều thông báo với truyền thông những vấn đề tân Tổng thống Mỹ định đề cập với hai mục đích. Một là, đi trước một bước kiểm soát và bày tỏ mối quan tâm với những vấn đề nóng. Hai là, gửi thông điệp công khai về các cuộc điện đàm với đối phương.
Cuộc điện đàm đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống là với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ông Biden đã lý giải quyết định tạm dừng dự án Keystone XL - dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Canada đến Mỹ mà Thủ tướng Trudeau ủng hộ. Tân Tổng thống Mỹ cũng hồi tưởng về chuyến thăm Ottawa (Canada) năm 2016 khi ông Trudeau thiết đãi ông bằng bữa tối cấp nhà nước.
Theo các quan chức Canada, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch Covid-19, nền kinh tế và hai công dân Canada bị bắt và buộc tội gián điệp ở Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Canada đánh giá nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho cuộc điện đàm kéo dài nửa giờ và nhấn mạnh rằng nó dài hơn bất kỳ cuộc điện đàm nào mà Thủ tướng Trudeau từng có với ông Trump.
Trả lời phỏng vấn CBS sau cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi rằng cuộc điện đàm “tuyệt vời” và cho biết họ đã thảo luận về các vấn đề như biến đổi khí hậu, NATO, Iran...
Ngày 17/2, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ với một nhà lãnh đạo ở Trung Đông.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẽ hợp tác để tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh bền vững, thảo luận về việc thúc đẩy các hiệp định hòa bình trong tương lai, vấn đề Iran và các thách thức trong khu vực, đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục duy trì đối thoại.
Đáng chú ý, Nhà Trắng đã công bố một bức ảnh về cuộc họp chính thức của ông Biden tại Phòng Bầu dục cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc cao cấp đặc trách châu Âu thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Amanda Sloat khi ông Biden chuẩn bị điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông James Carafano, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản Mỹ nhận định, ông Biden thông qua các cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị tổng thống chủ yếu gửi thông điệp rằng, chính sách đối ngoại Mỹ đã sang trang mới so với thời chính quyền của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Carafano lập luận rằng chỉ thông qua các cuộc điện đàm vẫn chưa thể hình dung rõ ràng chính sách đối ngoại của Mỹ vì ông Biden “chưa thực sự vượt ra khỏi chủ đề sẽ quay lại làm việc với các đối tác và đồng minh”.
Tổng thống Joe Biden thảo luận cùng Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc cao cấp đặc trách châu Âu thuộc NSC Amanda Sloat tại Phòng Bầu dục trước cuộc điện đàm. (Nguồn: WH) |
Những mối quan hệ bỏ ngỏ
Mặt khác, các nhà quan sát cũng chú ý đến những quốc gia nào chưa được “gọi tên” trong danh sách điện đàm của ông Biden. Trong số đó, giới quan sát rất mong chờ cuộc điện đàm của Tổng thống Biden với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người mà trong chiến dịch tranh cử ông Biden từng gọi là “kẻ chuyên quyền”.
Hiện mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại một số mâu thuẫn, bao gồm vấn đề Syria, quyết định của Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga dẫn đến việc Mỹ ngừng cung cấp tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ…
Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia dưới chính quyền Mỹ mới vẫn bỏ ngỏ khi chưa có cuộc điện đàm nào giữa lãnh đạo hai nước.
Mới đây, khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman - người sẽ kế thừa ngôi vương của Saudi Arabia trong tương lai không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Je Psaki đã trả lời rằng, chính quyền Tổng thống Biden cần điều chỉnh lại mối quan hệ với Saudi Arabia.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hồi đầu tháng 2, Tổng thống Biden nhấn mạnh không ủng hộ cuộc chiến tại Yemen, đồng thời tuyên bố chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với các hoạt động tấn công quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen. Đây sẽ là một trong những nút thắt cần gỡ trong cuộc điện đàm (nếu có) giữa lãnh đạo Mỹ và Saudi Arabia.
Sau một tháng kể từ khi nhậm chức, ngoại giao điện đàm đã phần nào hiện thực hóa những cam kết tranh cử của tân Tổng thống Mỹ, đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm cũng như đưa ra những thông điệp khác nhau với các đồng minh, đối tác chiến lược và cả đối thủ của Mỹ.