Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương

Ngày 21/7/1954, Hội nghị quốc tế Geneva năm 1954 về Đông Dương kết thúc bằng Hiệp định đình chỉ chiến sự ở đông dương, trở thành một sự kiện quốc tế lớn, một mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định, TG&VN xin giới thiệu về Hội nghị này.
Toàn cảnh Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương.

Vào cuối năm 1953 và đầu 1954, khi Chiến tranh Lạnh đi đến đỉnh cao thì thế giới xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực. Còn ở Việt Nam, nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân ta chủ động tiến công và liên tiếp giành thắng lợi trước thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa Việt Nam đến Hội nghị Geneva với những lợi thế nhất định.

Hòa bình là xu thế chủ đạo

Biểu hiện rõ nhất của xu thế hòa hoãn là các nước lớn Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đi đến triệu tập Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước tại Berlin tháng 2/1954 bàn về vấn đề Đức - Áo. Thất bại do bất đồng quá lớn, Hội nghị chuyển sang bàn vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, mở ra một con đường mới cho khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Đông Dương thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.

Việc Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên ngày 27/3/1953 được ký kết, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp đã thúc đẩy việc khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng.

Ngày 26/11/1953, trả lời báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nếu Pháp tiếp tục chiến tranh xâm lược thì Việt Nam sẽ quyết tâm kháng chiến đến cùng, nếu muốn thương lượng Việt Nam sẵn sàng trên cơ sở tôn trọng độc lập thực sự của Việt Nam và chủ yếu giữa Việt Nam và Pháp. Ngày 15/3/1954, Báo cáo trước Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự...". Thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã tạo thế vững vàng cho đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Geneva với thế thắng.

Chuẩn bị tham gia Hội nghị

Tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị thành lập Đoàn đi dự Hội nghị sau khi nhận lời mời của Liên Xô và Trung Quốc. Lúc đầu Chính phủ chủ trương cử Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám dẫn đầu Đoàn đàm phán nhưng khi cân nhắc yêu cầu và mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã quyết định cử Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Tham gia còn có: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục tác chiến Hà Văn Lâu,...

Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho hai Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc tìm hiểu các vấn đề liên quan có thể diễn ra tại Hội nghị Geneva và lập trường của Liên Xô và Trung Quốc về giải pháp; đồng thời lập Ban công tác ở Bắc Kinh với nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị.

Mục tiêu khác nhau

Tham gia Hội nghị có 9 đoàn: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam DCCH và ba quốc gia liên kết (Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia, Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại). Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak tuy đã có mặt ở Geneva cùng với Đoàn ta nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự Hội nghị.

Liên Xô sau khi Stalin mất (1953), ban lãnh đạo mới chủ trương hòa hoãn với Mỹ và Tây Âu, củng cố thực lực, quan tâm đến châu Á có mức độ. Tại Hội nghị Geneva, Liên Xô chỉ xử lý những vấn đề chung, tích cực đấu tranh bảo vệ quyền của Việt Nam DCCH và thúc đẩy để đạt được những thỏa thuận mà Việt Nam DCCH có thể chấp nhận được. Liên Xô cũng tranh thủ Pháp trong các vấn đề châu Âu và vận động Pháp không tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (CDE) do Mỹ chủ xướng.

Trung Quốc đến Hội nghị với mục tiêu hàng đầu là sớm đạt được một giải pháp hòa bình ở Đông Dương nhằm tránh mọi sự can thiệp của Mỹ, tránh quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương và đẩy chiến tranh xa biên giới bảo đảm an ninh phía nam Trung Quốc. Đang tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Trung Quốc muốn bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu, trước hết là về kinh tế - thương mại và ngoại giao để phá bao vây, cấm vận của Mỹ, vào Liên hợp quốc, thúc đẩy giải quyết vấn đề Đài Loan.

Pháp được Anh ủng hộ, muốn đạt được giải pháp đình chiến ít có hại nhất, làm sao không lập Chính phủ liên hợp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt, trong khi hạn chế đến mức tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương.

Anh muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, tránh bị lôi cuốn vào cuộc can thiệp quân sự tập thể, muốn làm dịu tình hình căng thẳng ở Viễn Đông vì như vậy có lợi cho việc củng cố "Khối thịnh vượng chung" ở châu Á, nhất là trong lúc Anh phải đối phó với phong trào du kích ở Malaysia.

Mỹ chống Liên Xô quyết liệt ở châu Âu, bao vây cấm vận Trung Quốc ở châu Á. Tại Geneva, Mỹ luôn tìm cách phá Hội nghị, chống bất cứ giải pháp nào nếu không cải thiện rõ rệt tương quan lực lượng quân sự có lợi cho Pháp nhằm tạo cho Pháp và phương Tây thế mạnh trên bàn đàm phán.

Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam

Hội nghị Geneva về Đông Dương diễn ra từ 8/5-21/7/1954, trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn cùng nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị. Hai đồng Chủ tịch là Ngoại trưởng Liên Xô Molotov và Ngoại trưởng Anh A. Eden. Đoàn Trung Quốc do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai đứng đầu. Đoàn ta do Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Trưởng Đoàn Pháp là Ngoại trưởng Bidault sau đó là Thủ tướng Mendès-France và đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao B. Smith.

Hội nghị được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn I (8/5-19/6/1954): Các đoàn trình bày ý kiến của mình về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Giai đoạn II (20/6-9/7/1954): Giai đoạn này diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như trao đổi giữa về các vấn đề thể thức kiểm soát ngừng bắn, thời hạn tổng tuyển cử, đảm bảo quốc tế, vấn đề các huấn luyện viên và thiết bị quân sự vào Lào, Campuchia…; cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc (3-5/7/1954) về những nội dung quyết định của giải pháp như vấn đề phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam… Giai đoạn III (10/7-21/7/1954): Diễn ra các cuộc gặp tay đôi, tay ba, nhiều bên ráo riết giữa các Trưởng đoàn… đã hình thành khuôn khổ giải pháp.

Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ký ngày 21/7/1954 đã công nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Đông Dương là độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước; đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương; không có căn cứ quân sự ngoại quốc, không có liên minh quân sự với nước ngoài; trao trả tù binh và người bị giam giữ; tổng tuyển cử trong mỗi nước; không trả thù người hợp tác với đối phương; Ủy ban liên hợp và Ủy ban Giám sát quốc tế; ở Việt Nam, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời; tổ chức tổng tuyển cử sau 2 năm; tại Lào, Pathet Lào có 2 vùng tập kết; ở Campuchia, lực lượng kháng chiến Khơme Itsarak giải giáp tại chỗ…

Hiệp định Geneva là thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam mà cái gốc chính là chiến công trên mặt trận quân sự, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi là sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Dương, trên cơ sở các nước tham gia Hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng làm hậu phương lớn cho giải phóng hoàn toàn Miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975.

Kết quả của Hội nghị cũng góp phần phát triển cách mạng Lào và Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, thúc đẩy quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ; Góp phần làm dịu tình tình quốc tế, củng cố hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Đây là lần đầu tiên nước Việt Nam DCCH non trẻ tham gia hội nghị quốc tế đa phương lớn có mặt các cường quốc. Thông qua Hội nghị, ta thể hiện vị trí, vai trò và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Qua Hội nghị, chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học ngoại giao vô cùng bổ ích, một trong những nhân tố thắng lợi của Hội nghị Paris và các hoạt động ngoại giao sau này. Đó là các bài học về đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc; độc lập, tự chủ; ứng xử với các nước lớn; nghiên cứu chiến lược… ./.


Các văn bản ký kết tại Hội nghị:

Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; Một bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; Hai bản tuyên bố riêng của Đoàn Mỹ và Đoàn Pháp ngày 21/7/1954; Các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendès-France.