Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao Việt Nam: Từ thu phục nhân tâm đến khẳng định bản lĩnh

Ngoại giao Việt Nam dù trong khó khăn vẫn nổi lên như một điểm sáng được bạn bè quốc tế và thế giới công nhận, hòa vào dòng chảy chung của đời sống quốc tế.
Ngoại giao Việt Nam: Từ thu phục nhân tâm đến khẳng định bản lĩnh
Đại sứ Phan Thúy Thanh (thứ hai từ trái) và các cựu đồng nghiệp trong sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngoại giao Việt Nam, ngày 27/8/2020. (Ảnh: NVCC)

Vững vàng trong bối cảnh phức tạp

Trong thời gian qua, chúng ta đã có dịp chứng kiến những diễn biến hết sức phức tạp, đa chiều, khó lường, tác động sâu sắc đến toàn bộ tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. Đại dịch Covid-19 là một thách thức chưa từng có tiền lệ, đẩy cả thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng trên toàn bộ các bình diện: Chính trị, kinh tế, mô hình quản trị, kinh doanh...

Cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn quyết liệt, các nước ưu tiên củng cố nội bộ, đề cao lợi ích dân tộc. Bên cạnh đó, chưa khi nào những thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, lũ lụt, thiên tai lại xảy ra liên tiếp, dồn dập và sớm hơn dự đoán đến như vậy. Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng; kinh tế thế giới suy thoái, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn…

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và đại dịch Covid-19 cũng đang làm thay đổi và đảo lộn rất nhiều cách thức tư duy, quản trị đất nước của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh nghiệt ngã và hết sức phức tạp như vậy, Việt Nam vẫn vững vàng và phát triển. Ngoại giao Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng được bạn bè quốc tế và thế giới công nhận, hòa vào dòng chảy chung của đời sống quốc tế. Ngoại giao đã có những đóng góp xứng đáng vào việc tạo dựng môi trường ổn định, thuận lợi cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam.

Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và sự thích ứng nhanh chóng, tham gia vào cuộc chơi chung của toàn cầu. Không “vin” vào lý do đại dịch mà đóng băng quan hệ, chúng ta đã chủ động, linh hoạt, kết hợp các hình thức đối ngoại trực tuyến và trực tiếp, nâng tầm ngoại giao đa phương, xây dựng chính sách cụ thể, phù hợp với từng bạn bè và đối tác. Hoạt động ngoại giao được triển khai đồng đều trên tất cả mọi lĩnh vực: chính trị, hội nhập kinh tế quốc tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ngay trong những ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ rất thực lòng những gì có thể như khẩu trang, dụng cụ y tế,… đến nhiều quốc gia láng giềng, bạn bè và đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Tây Âu; điều trị và giúp đỡ công dân các nước gặp khó khăn khi ở Việt Nam. Những cử chỉ của Việt Nam đã thu phục nhân tâm của bạn bè quốc tế.

Với công dân Việt Nam gặp khó khăn ở bên ngoài, ngành ngoại giao đã tham gia tích cực vào việc đàm phán, kết nối để thu xếp các chuyến bay “giải cứu”, thực hiện công tác bảo hộ công dân, tham gia xúc tiến, kết nối tìm kiếm vaccine Covid-19.

Ngoại giao Việt Nam: Từ thu phục nhân tâm đến khẳng định bản lĩnh
Ngành ngoại giao tham gia tích cực vào việc thu xếp các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích chính đáng của chúng ta ở Biển Đông. Chúng ta đã giữ được sự cân bằng, ổn định trong quan hệ với các cường quốc cũng như với các đối tác và các nước lớn khác. Việt Nam đã giữ được vị thế của mình, được nể trọng và không để bất cứ quốc gia nào dám công khai gây áp lực buộc chúng ta phải “chọn bên”.

Thành công trọn vẹn trước các trọng trách lớn

Khi nhắc đến những điểm sáng của Ngoại giao thời gian qua không thể không nhắc đến thành công trọn vẹn, thực chất, nâng tầm ngoại giao đa phương khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò dẫn dắt, thể hiện tầm nhìn với khẩu hiệu “Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Chúng ta đã chủ động kết nối, gắn kết các nước thành viên và đối tác. Việt Nam đã thực sự trở thành trung tâm của Hiệp hội, đưa ra nhiều sáng kiến, giúp các nước thành viên vượt qua mâu thuẫn, các khác biệt về lợi ích dẫn đến đồng thuận, tăng tính đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Dưới sự điều phối của Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết. RCEP chính là một trong 13 mục tiêu ưu tiên của năm ASEAN 2020.

Bên cạnh đó, chúng ta đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ với một tâm thế lớn, vững vàng. Việt Nam đã tham gia một cách thực chất, tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến được chấp nhận, tạo lòng tin trong cộng đồng quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả xứng đáng, nổi bật, nhất là việc đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch HĐBA lần thứ 2, tháng 4/2021.

Thông qua các hoạt động, Việt Nam đã mang tiếng nói đại diện cho các nước nhỏ và đang phát triển đến HĐBA, qua đó góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cổ vũ phát huy vai trò quốc tế. Việt Nam đã khẳng định mình là một quốc gia có vai trò và vị thế quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa.

Ngoại giao Việt Nam: Từ thu phục nhân tâm đến khẳng định bản lĩnh
Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021, góp phần khẳng định mình là một quốc gia có vai trò và vị thế quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa.

Trong báo cáo của Viện LOWY (Australia) công bố gần cuối năm 2020 cho thấy, thứ hạng chỉ số sức mạnh tổng hợp của Việt Nam được tăng lên một bậc, giữ vị trí thứ 12 tại châu Á. Trong đó chỉ số ảnh hưởng ngoại giao Việt Nam được tăng 6 điểm, xếp trên cả một số nước khác ở Đông Nam Á.

Có thể khẳng định rằng những thành công về đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua đã chứng tỏ tính đúng đắn và giá trị thực tiễn của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa. Đó cũng chính là sự kết hợp và chung sức, đồng lòng của cả một đất nước, của tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại để hình thành nên một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp.

Hàng nghìn cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với đất nước, giỏi nghiệp vụ, vững chuyên môn, đã và đang đóng góp vô cùng đắc lực cho việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là thành quả của công tác xây dựng ngành, đào tạo, quy hoạch bài bản và mang đặc thù riêng của Bộ Ngoại giao từ nhiều năm nay.

Tin liên quan
Dấu ấn ngoại giao Việt Nam, điều còn mãi Dấu ấn ngoại giao Việt Nam, điều còn mãi

Nắm bắt xu thế, chú ý yếu tố “khả biến và bất biến”

Tình hình khu vực và thế giới sẽ vẫn tiếp tục diễn biễn khó lường. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều động thái cho thấy xu thế phối hợp quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu trong khuôn khổ đa phương đang quay trở lại.

Các quốc gia đang cùng hợp tác chống Covid-19, chia sẻ vaccine cho các nước ít tiềm lực, hoặc các cam kết mạnh mẽ giảm khí thải trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu,...

Các nước lớn sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách vì lợi ích của họ. Cạnh tranh chiến lược sẽ không dễ dự báo. Đại dịch Covid-19 chưa cho thấy điểm dừng, nó đã và đang là phép thử cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, muốn định vị Việt Nam trong giai đoạn mới, chúng ta rất cần nắm bắt xu thế quốc tế, chú ý đến những yếu tố “khả biến và bất biến”; nhận định rõ những lợi thế và khó khăn của đất nước; tiếp tục tham gia vào cuộc chơi chung của thế giới. Từ đó, Việt Nam đề ra những bước đi đúng đắn và phù hợp, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy của cạnh tranh nước lớn.

Hơn khi nào hết, ngoại giao chúng ta cần tiếp tục tính chủ động, năng động, sáng tạo, hội nhập sâu rộng và thích ứng nhanh với tình hình để phát huy vai trò tiên phong trong việc góp phần vào tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.


Tác giả là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Luxembourg, đồng thời là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu; nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao).

Ngoại giao Việt Nam qua hình ảnh, tài liệu lưu trữ

Ngoại giao Việt Nam qua hình ảnh, tài liệu lưu trữ

76 năm đồng hành, phục vụ sự nghiệp đối ngoại, có thể nói Lưu trữ Ngoại giao, đặc biệt là tài liệu lưu trữ là ...

Ngoại giao trong tuần: Điện đàm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Pháp, Tọa đàm về quan hệ ASEAN-Nhật Bản

Ngoại giao trong tuần: Điện đàm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Pháp, Tọa đàm về quan hệ ASEAN-Nhật Bản

Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 19-24/7.