📞

"Người thương, kẻ ghét" trong chính sách cấm vận Iran của Mỹ

15:45 | 05/11/2018
Việc Washington tuyên bố miễn trừ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Tehran đã khiến giới quan sát bất ngờ.

Ngày 5/11, Mỹ đã chính thức tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, chủ yếu nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Đông này.

Động thái của Washington chắc chắn sẽ khiến Tehran tổn hại không nhỏ, song các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ, cũng phải hứng chịu hậu quả. Trong bài phát biểu ngày 2/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, nước này đã lên danh sách 8 quốc gia được phép nhập khẩu giới hạn dầu từ Iran ngay cả khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, nhằm xoa dịu lo ngại của thị trường về sự thiếu hụt trầm trọng của nguồn dầu trong thời gian tới.

Hiện danh sách chính thức chưa được công bố, song nhiều nguồn tin cho biết nó sẽ bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, sự rộng rãi của Mỹ sẽ chỉ kéo dài trong 180 ngày hoặc cho đến khi nguồn cung dầu mỏ trên thế giới vượt cầu trong năm tới.

Ấn Độ, Hàn Quốc, Italy, UAE và Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh hoặc đã duy trì, cải thiện quan hệ với Mỹ trong khoảng thời gian gần đây. Đáng chú ý hơn cả là sự hiện diện của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đi kèm với sự vắng mặt của Liên minh châu Âu (EU) trong danh sách này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết 8 nước sẽ được nhập khẩu dầu giới hạn từ Iran. (Nguồn: EPA-EFE)

Vỗ về Trung Quốc

Trong bài phát biểu trước giới truyền thông ngày 2/11, ông Mike Pompeo đã sáu lần sử dụng cụm từ “áp lực tối đa” để nói về chiến dịch trừng phạt Iran, song không một lần nhắc tới Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Washington muốn cấm vận xuất khẩu dầu mỏ từ Tehran, họ cũng không thể ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động mua dầu mỏ của mình.

Đặc phái viên về vấn đề năng lượng toàn cầu dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Amos Hochstein cho rằng, chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không chấp nhận bất kỳ trừng phạt nào của Mỹ và Trung Quốc, với sức mua toàn cầu và Ngân hàng Kunlun, định chế tài chính được Bắc Kinh bảo trợ, là “quá lớn để có thể kiểm soát”. Sản lượng dầu của Iran hiện đã tụt xuống mức dưới 1 triệu thùng/ngày và Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu hơn một nửa số đó trong tháng 11 tới, thông qua công ty Zhuhai Zhenrong và Tập đoàn PetroChina.

Thêm vào đó, việc cấm không cho Bắc Kinh nhập dầu mỏ từ Tehran có thể gây ra hậu quả khôn lường. Đầu tiên, nó có thể đẩy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên cao trào và khó kiểm soát, điều mà Washington không mong muốn. Thứ hai, Bắc Kinh vẫn là nhân tố then chốt trong quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và có thể đảo ngược mọi nỗ lực của Mỹ tại khu vực này một khi cần thiết.

Trong khi đó, quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đài Loan (Trung Quốc) dưới thời bà Thái Anh Văn đã có nhiều tiến triển rõ rệt trong thời gian gần đây, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Trung Quốc. Trong năm vừa qua, Đài Loan (Trung Quốc) đã nhập khẩu 4 triệu thùng dầu từ Iran, tương đương với 2,86% tổng sản lượng nhập khẩu của khu vực này. Do đó, việc cho Đài Loan (Trung Quốc) được hưởng miễn trừ được cho là cách Washington tiếp tục mở rộng mối quan hệ này.

Mỹ không thể và không muốn ngăn Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.(Nguồn: Barsh)

Làm khó EU

Tuy nhiên, EU một lần nữa lại là nạn nhân trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trước đó ít lâu, Washington tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Vũ trang Tầm trung (INF), cáo buộc Moscow đã vi phạm điều khoản của thỏa thuận này. Song giới quan sát cho rằng, chính EU và Trung Quốc mới là mục tiêu của Mỹ. Một nước Nga được “cởi trói” sẽ tự do nghiên cứu và triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung, đe dọa trực tiếp tới an ninh của các thành viên EU, cho dù đó là Đức hay Pháp. Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần thúc giục những quốc gia này tăng cường đóng góp cho Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Washington đứng đầu, để đổi lấy sự bảo trợ từ Mỹ.

Trong khi EU còn đang lưỡng lự, hoài nghi trước kế hoạch của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục “ra đòn”, song lần này là đánh vào nền kinh tế của khối, khiến nhiều doanh nghiệp EU phải rút khỏi Iran.

Rõ ràng, bất chấp nỗ lực nhằm cứu vãn Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) và “bảo vệ nền kinh tế châu Âu, vốn đang có mối quan hệ hợp tác và chính đáng với Iran”, EU đang thất bại trong việc ngăn cản Tổng thống Donald Trump. Điều khối này đang cố gắng thực hiện là thiết lập một cơ chế hợp tác riêng với Iran, dưới sự bảo trợ của các thành viên lớn trong khối như Đức, Pháp và Anh. Tuy nhiên, điều này là vô cùng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực tích cực từ tất cả các bên.

Có thể nói, chỉ với quyết định cấm vận Iran, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã “bắn một mỗi tên trúng hai đích” khi vừa thu hút được sự chú ý, thể hiện tầm ảnh hưởng và quan điểm của quốc gia này, vừa tranh thủ lá phiếu của những người ủng hộ cấm vận trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.