Vụ đụng độ bắt đầu vào sáng 10/2 sau khi Tel Aviv cho biết đã đánh chặn một thiết bị bay không người lái của Tehran xâm phạm không phận của Israel từ hướng Syria. Tuyên bố đó được đưa ra ngay sau khi Israel mở các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự Syria, còn quân đội Syria bắn rơi 1 máy bay tiêm kích F-16 của Israel.
Đáp trả, Israel sau đó mở các đợt không kích ác liệt hơn vào sâu bên trong lãnh thổ Syria, đánh phá các mục tiêu mà giới tướng lĩnh cho rằng là những cứ điểm quân sự của cả Syria lẫn Iran. Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ Israel tung đòn trả đũa nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Iran ở dọc tuyến biên giới, qua đó mở ra một chiến trường mới tại Syria.
Những phần còn sót lại từ chiếc máy bay F-16 của Israel bị bắn hạ và rơi xuống lãnh thổ của Israel ngày 10/2. (Nguồn: AP) |
Sức mạnh và tiềm lực tình báo của Israel
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm, Israel tổn thất 1 máy bay chiến đấu và hành động đáp trả mạnh mẽ sau đó cho thấy các mục tiêu cạnh tranh giữa Iran và Israel có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa hai quyền lực ở Trung Đông, khi Iran tăng cường hiện diện quân sự ở Syria theo hướng mà Israel cảnh báo sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Phát biểu tại phiên họp Nội các ngày 11/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, quân đội nước này sẽ tiếp tục đánh bại bất kỳ nỗ lực nào nhằm tấn công Israel.
Syria chưa đưa ra bình luận chính thức về diễn biến này, ngoại trừ việc truyền thông nhà nước coi đòn tấn công là “bước xâm lấn mới của Israel”. Cùng ngày, Nhà Trắng kêu gọi Tehran và các đồng minh “ngừng các hành động gây hấn”, ủng hộ Israel có quyền phòng vệ chính đáng chống lại các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria, cũng như nhóm chiến binh ở miền Nam Syria.
Trong nhiều năm, Israel phần lớn giữ quan điểm trung lập đối với cuộc nội chiến ở Syria, chỉ thực thi các đòn không kích nhằm vào các đoàn xe chở vũ khi từ Iran cung cấp cho nhóm Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, gần đây Israel tăng cường đánh phá các mục tiêu quân sự do lo ngại sự hiện diện của Iran ở sát biên giới.
Được Nga, Iran và Hezbollah “chống lưng”, Tổng thống Bashar al-Assad đang nổi lên là người giành chiến thắng tại Syria và tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đánh trả máy bay Israel xâm phạm không phận bằng tên lửa phòng không.
Iran cho rằng, Syria có quyền tự vệ và bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có ý định thiết lập căn cứ quân sự ở Syria, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục hiện diện ở nước láng giềng chừng nào ông Assad còn yêu cầu trợ giúp.
Các chuyên gia quốc phòng nhận định, nỗ lực của Tel Aviv nhằm ngăn chặn Iran, Hezbollah đóng quân ở biên giới giáp Israel nhiều khả năng sẽ dẫn đến các vụ đụng độ mới, do không bên nào chịu thoái lui trong các mục tiêu của mình. Amos Yadlin, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở ở Tel Aviv, cho rằng Iran quyết tâm xây dựng thực lực quân sự ở Syria và Lebanon, còn Israel kiên quyết không để điều này xảy ra. Hai chiều hướng này có xu hướng va chạm vào nhau.
Việc Israel mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của Iran, Syria sau vụ F-16 bị bắn hạ là nhằm thể hiện sức mạnh phòng không và tiềm lực tình báo của Israel, “dằn mặt” các lực lượng được Iran hậu thuẫn. Đáp trả, Hezbollah khẳng định vụ đụng độ đánh dấu bước chuyển sang một thời kỳ chiến lược mới chống Israel. Israel và Hezbollah thường xuyên chỉ trích lẫn nhau trong vài tháng trở lại đây. Giới chức Israel đã cáo buộc Iran xây dựng các nhà máy vũ khí chính xác cho Hezbollah ở cả Syria lẫn Lebanon, cho rằng cánh vũ trang này kiểm soát chính quyền Lebanon. Hezbollah bác bỏ những cáo buộc này.
Hạ nhiệt căng thẳng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 30/1 tại Moscow. (Nguồn: AP) |
May mắn thay, Israel và Nga đã thiết lập cơ chế giảm xung đột, bảo đảm không để xảy ra đụng độ giữa không quân hai nước trên không phận Syria. Tuy nhiên, Moscow dường như vẫn có ý chỉ trích hành động của Israel khi cho rằng “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi đe dọa lực lượng mặt đất của Nga. Hồi tháng 1, trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow, ông Netanyahu khẳng định, Tel Aviv sẽ không cho phép Tehran hiện diện quân sự thường trực tại Syria.
Giới chức Israel cũng cho biết, Nga muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria và không muốn đối đầu nổ ra giữa Israel và Iran. Tuy nhiên, Moscow vẫn không công khai cảnh báo Tehran về động thái thiết lập các căn cứ quân sự ở Syria.
Nhằm ngăn ngừa Iran và Hezbollah hiện diện sát cao nguyên Golan, những năm qua, Israel ủng hộ quân nổi dậy dòng Sunni ở khu vực miền Nam Syria với mong muốn tạo ra một vùng đệm an toàn. Tuy nhiên, hiện nay Israel cho rằng lực lượng này sẽ không đóng một vai trò lớn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.