Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Ấn Độ trong hai ngày 13-14/9, dự cuộc Đối thoại thường niên cấp cao lần thứ 12 giữa hai nước với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Kể từ khi lên cầm quyền cách đây hơn ba năm, ông Modi và ông Abe đã có bốn cuộc gặp cấp cao song phương chính thức trong tổng số hơn 10 lần gặp gỡ tại các diễn đàn khác nhau. Cùng với việc thắt chặt quan hệ cá nhân, quan hệ song phương hai nước Ấn Độ và Nhật Bản cũng phát triển tích cực một cách tương ứng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được chào đón tại bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters) |
Bất ổn bên ngoài
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang phải đối mặt với các thách thức an ninh từ bên ngoài. Đối với Nhật Bản, trước chuyến thăm của ông Abe chưa đầy hai tuần, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu, được cho là bom H (bom nhiệt hạch), có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay. Đồng thời, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo, phóng qua lãnh thổ Nhật Bản. Điều này khiến tình hình an ninh ở Đông Bắc Á “căng như dây đàn” và có thể bùng phát thành xung đột và chiến tranh bất cứ lúc nào.
Về phía Ấn Độ, nước này và Trung Quốc vừa có cuộc dàn quân “dằn mặt” nhau chưa từng có tại khu vực Ngã ba biên giới Doklam/Động Lãm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Mặc dù cả hai nước đã đồng ý giải quyết theo hướng cùng rút quân khỏi khu vực tranh chấp và Trung Quốc tuyên bố “chiến thắng”, nhưng tình trạng căng thẳng vẫn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào do nguồn gốc căng thẳng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý, Nhật Bản trở thành chỗ dựa của Ấn Độ khi tuyên bố đứng về phía New Delhi trong tranh chấp biên giới lần này.
Ngoài ra, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đang phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng chính sách biển quyết đoán của nước này, với việc Bắc Kinh nêu đòi hỏi tranh chấp vô lý và tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Ấn Độ Dương. Đối với Nhật Bản, hành động của Trung Quốc đang tác động trực tiếp đến chiến lược hàng hải nối liền hai đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, nước này cảm thấy ngày một bất an sau khi Trung Quốc chính thức khởi công cảng Hambantota ở Sri Lanka và tích cực triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” trên biển.
Thúc đẩy hợp tác bên trong
Do cùng phải đối phó với cách bất ổn của môi trường chiến lược bên ngoài, hai cường quốc lớn thứ hai và thứ ba của châu Á này thấy cần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, tận dụng sự bổ sung lẫn nhau về kinh tế, tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị tại các diễn đàn khu vực và đa phương.
Hợp tác kinh tế là một trong những nội dung và ưu tiên quan trọng của cuộc Đối thoại thường niên Nhật - Ấn năm nay. Dự kiến trong chuyến thăm này, các doanh nghiệp hai nước ký kết 17 thỏa thuận hợp tác, trong đó có 15 thỏa thuận ký với bang Gujarat - quê hương của Thủ tướng Modi.
Hiện nay, đầu tư Nhật Bản vào Ấn Độ đang tăng mạnh. Nếu như năm 2015, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản mới chỉ đạt 2,6 tỷ USD thì trong năm 2016, con số này đã lên tới 4,7 tỷ USD. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Ấn Độ, đầu tư và công nghệ của Nhật Bản được xem là yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India), “Kỹ năng Ấn Độ” (Skills India) và “Số hóa Ấn Độ” (Digital India).
Bên cạnh đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng là lĩnh vực hai nước có thể bổ sung cho nhau nhiều nhất. Ấn Độ biết rằng họ khó có thể cất cánh và gia nhập hàng ngũ các nước phát triển nếu thiếu hệ thống đường sắt và cao tốc hiện đại kết nối các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn. Trong bối cảnh đó, sự lựa chọn hệ thống “Xe lửa viên đạn” (Bullet train) của Nhật Bản được coi là lựa chọn mang tính chiến lược.
Về phía Nhật, nước này cũng cần lấy lại thể diện sau thất bại trong cuộc đua với Trung Quốc xây dựng đường cao tốc nối Jakarta và Bandung tại Indonesia. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe sẽ cùng người đồng cấp Modi khởi công tuyến đường sắt cao tốc dài 508 km nối hai thành phố Ahmedabad và Mumbai, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022.
Về hợp tác quốc phòng – an ninh, trước cuộc gặp cấp cao Abe – Modi lần này, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành đối thoại quốc phòng vào đầu tháng 9/2017. Dự kiến trong chuyến thăm này, Nhật Bản sẽ đồng ý bán cho Ấn Độ thủy phi cơ US-2, vốn được hai bên đàm phán từ vài năm nay nhưng chưa có kết quả. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ công bố việc chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho New Delhi, theo đó Ấn Độ mua nhà máy điện hạt nhân của nước khác nhưng có thể sử dụng công nghệ và thiết bị của Nhật Bản.
Như vậy, xét trên nhiều phương diện, quan hệ Nhật - Ấn đang ở thời kỳ đỉnh cao với những bước phát triển mới chưa từng có trên cơ sở chia sẻ nhiều lợi ích song trùng trong các vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Điều này, xét cho cùng, cũng phù hợp với mong muốn của nhiều nước nhỏ và vừa trong khu vực.