Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi ngày 19/3 tại New Delhi, Ấn Độ trong một nỗ lực cải thiện quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ. (Nguồn: AFP) |
Trong bối cảnh các diễn biến mới nhất của xung đột Nga-Ukraine phủ sóng truyền thông quốc tế, chuyến thăm ngày 19/3 vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Ấn Độ vẫn được quan tâm đặc biệt. Có gì trong sự kiện này?
Cơ hội không thể tốt hơn
Trước hết, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng chứng kiến nhiều thay đổi nhanh, khó lường thời gian qua. Đặc biệt, xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp đã và đang để lại hệ quả nghiêm trọng từ chính trị, an ninh và kinh tế-xã hội cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, thậm chí đe dọa khởi nguồn cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tại châu Á-Thái Bình Dương, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh, đòi hỏi các nước vừa đảm bảo biện pháp phòng chống dịch, vừa tích cực phục hồi kinh tế giữa những biến động của thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gay gắt và toàn diện. Hai cuộc đối thoại trực tuyến gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quan hệ song phương và xung đột Nga-Ukraine đã không đạt kết quả cụ thể. Eo biển Đài Loan tiếp tục là điểm nóng hàng đầu song bên cạnh đó, nhiều điểm nóng khác tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng, đối đầu như Myanmar, Biển Đông, Biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên hay biên giới Trung-Ấn.
Trong bối cảnh đó, Tokyo cùng New Delhi có nhiều lợi ích trong hợp tác song phương và đa phương nhằm củng cố, đảm bảo an ninh, mở rộng ảnh hưởng khu vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Ấn Độ khởi động 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương rõ ràng là một cơ hội không thể tốt hơn.
Tokyo cùng New Delhi có nhiều lợi ích trong hợp tác song phương và đa phương nhằm củng cố, đảm bảo an ninh, mở rộng ảnh hưởng khu vực. |
Nâng tầm hợp tác
Nhật Bản và Ấn Độ đã không bỏ lỡ cơ hội này để đưa quan hệ “Đối tác Chiến lược và Toàn cầu Đặc biệt” song phương lên một tầm cao mới.
Thủ tướng Kishida đã công bố kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ Yen (42 tỷ USD) vào Ấn Độ 5 năm tới. Năm 2014, Tokyo từng đưa ra cam kết đầu tư với New Delhi trị giá 3.500 tỷ Yen (28,9 tỷ USD) giai đoạn 2014 - 2019 và đã đạt kế hoạch đề ra.
Nhật Bản và Ấn Độ cũng thành lập Diễn đàn Hành động Hướng Đông (AEF) để hợp tác song phương tại Đông Bắc Ấn Độ. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đóng góp 25,483 tỷ Yen (211 triệu USD) trong nỗ lực xây dựng cây cầu dài nhất Ấn Độ kết nối thành phố Dhubri, Assam với Phulbari, Meghalaya.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi cũng ký “Sáng kiến Ấn Độ-Nhật Bản về phát triển bền vững Đông Bắc Ấn Độ”, bao gồm “Sáng kiến về Củng cố Chuỗi Giá trị Cây tre ở vùng Đông Bắc” và hợp tác về chăm sóc sức khỏe, bảo tồn rừng, mở rộng kết nối và thúc đẩy du lịch.
Hai bên cũng thảo luận về triển khai dự án tàu cao tốc Mumbai-Ahmedabad, một trong các dự án hợp tác song phương lớn nhất, kéo theo đó là khoản Vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Nhật Bản tới Ấn Độ kể từ năm 2003.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng ký thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD với Công ty Suzuki Motor của Nhật Bản về phát triển công nghệ xe điện tại bang Gujarat.
Hai bên cũng thảo luận về vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, nhất là tình hình xung đột Nga-Ukraine và châu Á-Thái Bình Dương. Ông Kishida khẳng định hai nước phản đối bất kỳ hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Ấn Độ vừa tổ chức tập trận chung thường niên “Ex Dharma Guardian-2022” từ ngày 27/2/2022 đến 10/3/2022 tại tỉnh Belgaum, bang Karnakata, Ấn Độ. (Nguồn: PTI) |
Thách thức cản bước
Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ cũng tồn tại một số thách thức đáng kể.
Trước hết, mặc dù hai bên đã thiết lập quan hệ được bảy thập kỷ, song hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, còn tương đối khiêm tốn. Trong năm tài khóa 2019-2020, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 16,95 tỷ USD. Trong khi đó, bất chấp căng thẳng biên giới, kim ngạch thương mại Ấn-Trung vẫn đạt 126 tỷ USD trong năm 2021.
Thêm vào đó, hợp tác quốc phòng song phương cũng chưa đạt nhiều tiến triển. Thỏa thuận về sản xuất máy bay Shimaywa US-2 giữa hai nước vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Giới hạn trong Hiến pháp Nhật Bản cùng khác biệt về hệ thống khí tài, trang bị giữa hai nước khiến hợp tác quân sự, tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và Quân đội Ấn Độ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một vài học giả Ấn Độ cũng lo ngại Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ theo đuổi lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc, mối quan tâm chung của Bộ Tứ.
Cuối cùng, bất chấp nỗ lực của Nhật Bản, Ấn Độ vẫn kiên định lập trường của mình trong xung đột Nga-Ukraine và từng bỏ phiếu trắng về dự thảo liên quan tới Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3. Khác với Tokyo, New Delhi đã nhiều lần từ chối thể hiện thái độ với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow.
Hai nước còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực kinh tế để bắt kịp hợp tác chính trị song phương ngày một rộng mở và sâu sắc. |
Trong bối cảnh đó, Giáo sư Rupakjyoti Borah, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược (Nhật Bản) nhận định hai nước còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực kinh tế để bắt kịp hợp tác chính trị song phương ngày một sâu sắc.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Ấn Độ vừa qua chắc chắn là tín hiệu tích cực khởi động, thúc đẩy quá trình quan trọng đó.