📞

Nhật Bản, ASEAN - “nòng cốt” đảm bảo ổn định Đông Á

21:23 | 19/07/2016
Khi cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng, với vai trò là hai chủ thể quốc tế quan trọng, có thể quyết định sự ổn định ở Đông Á, Nhật Bản và ASEAN đều phải đưa ra những chính sách mang tính chiến lược.

Hiện nay, khu vực Đông Á nổi lên hai vấn đề địa chính trị lớn, đó là sự gia tăng chiến lược của Trung Quốc và tác động của điều này tới vị thế truyền thống của Mỹ tại khu vực. Khi cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng, với vai trò là hai chủ thể quốc tế quan trọng (không phân biệt thứ tự), có thể quyết định sự ổn định ở Đông Á, Nhật Bản và ASEAN đều phải đưa ra những chính sách mang tính chiến lược.

Ảnh minh họa: ASEAN và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh Đông Á. (Nguồn: The Diplomat)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành “câu chuyện” nổi bật trong quan hệ quốc tế thế kỷ XXI. Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định chiến lược “trỗi dậy” hòa bình, song những hành vi của nước này luôn khiến quốc tế nghi ngờ về ý định thực sự của Bắc Kinh.

Sự hoài nghi xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thời gian qua, Bắc Kinh đã tích cực cải tạo đất để mở rộng các đảo, bãi đá ở Biển Đông, đồng thời quân sự hóa các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Phản ứng của Nhật Bản và ASEAN đối với các vấn đề địa chính trị có sự khác biệt. Về phía Nhật Bản, những thay đổi trên khiến nước này đưa ra được chiến lược và mục tiêu an ninh rõ ràng hơn. Về đối nội, Tokyo tăng cường năng lực lượng quân sự, điều chỉnh chiến lược quốc phòng để tập trung nhiều hơn vào đảm bảo an ninh khu vực phía Tây Nam, tăng chi tiêu quốc phòng và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.

Về đối ngoại, Tokyo tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Việc hai nước nâng cấp Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ - Nhật mới năm 2015 là một sự phát triển quan trọng, theo đó, cho phép Nhật Bản bảo vệ Mỹ và đồng minh khác, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công (phòng vệ tập thể).

Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng cường quan hệ an ninh với Australia, Ấn Độ, thiết lập quan hệ đối tác an ninh với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines, và tham gia vào các nỗ lực ngoại giao quốc phòng song phương cũng như đa phương, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Chiến lược toàn diện của Nhật Bản được nhiều nước ASEAN chấp thuận nhưng Tokyo cần phải khéo léo để không tạo ra cảm giác nước này đang thành lập liên minh chống lại Bắc Kinh.

Trong khi đó, những phản ứng của ASEAN có phần chưa rõ ràng. Điều này không hoàn toàn bất ngờ bởi ASEAN bao gồm 10 nước thành viên với những lợi ích quốc gia riêng biệt. Nhiều người nói rằng tính đoàn kết trong ASEAN đang bị thách thức, điều này được thể hiện trong những cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN năm 2012 và 2015. Gần đây nhất, cuộc họp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc cũng không đưa ra được tuyên bố báo chí chung. 

Do vậy, điều quan trọng đối với ASEAN là Hiệp hội cần duy trì vai trò trung tâm tại khu vực Đông Á dựa trên những cơ chế khu vực do ASEAN làm trung tâm và được nhiều cường quốc tham gia. Đảm bảo tính đoàn kết trong ASEAN là thách thức lớn của Hiệp hội trong thập kỷ tới.

ASEAN phải xác định đâu là những nguy cơ đe dọa tới hòa bình và ổn định khu vực, từ đó đưa ra cách tiếp cận chung đối với từng vấn đề. Điều này không có nghĩa là ASEAN phải tạo ra một chính sách đối ngoại và an ninh chung như Liên minh châu Âu (EU) nhưng đây là cách tiếp cận chung dựa trên các vấn đề cụ thể. ASEAN đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập, việc các nước thành viên thảo luận về những cách tiếp cận chung đối với các vấn đề an ninh truyền thống là rất cần thiết.

PGS Bhubhindar Singh là chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Bài viết đăng tải trên Myanmar Times ngày 13/7, thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

(theo Myanmar Times)